Trong dòng người viếng nhạc sĩ Phó Đức Phương tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng (5 Trần Thánh Tông, Hà Nội), Tùng Dương khóc nghẹn. Anh là một trong những ca sĩ được cố nhạc sĩ Phó Đức Phương rất yêu mến và thường dành nhiều lời khen ngợi.
Chia sẻ với Báo Gia đình & Xã hội, nam ca sĩ bày tỏ sự ra đi của cố nhạc sĩ là sự trở về của người "tráng sĩ sông Hồng" với quê hương đất mẹ, với dòng sông của mình. Và các thế hệ tiếp nối sẽ luôn tôn vinh Phó Đức Phương, các tác phẩm của ông sẽ trở thành chuẩn mực và luôn niềm tự hào, kiêu hãnh rất lớn cho những người đi sau.
"Trên giường bệnh, chú tâm sự còn rất nhiều điều dang dở chưa thực hiện được nhưng tôi biết dù ra đi chú đã mãn nguyện vì sứ mệnh của mình đã hoàn thành - sứ mệnh của một người sáng tác và nhiều sứ mệnh khác mà ông đã thực hiện ở cõi tạm này", Tùng Dương chia sẻ.
Tùng Dương khóc nghẹn khi nhìn nhạc sĩ Phó Đức Phương lần cuối
"Tôi không kìm nén được nước mắt khi nhìn chú lần cuối. Những người như nhạc sĩ Phó Đức Phương đã dạy cho tôi và tất cả chúng ta giá trị của cuộc sống, về lòng dũng cảm khi trong hoàn cảnh buồn nhất, phải đối mặt với bệnh tật hiểm nghèo nhưng vẫn phải toát lên tinh thần mạnh mẽ, năng lượng", nam ca sĩ nghẹn ngào tâm sự.
Là một trong những ca sĩ được cố nhạc sĩ Phó Đức Phương ưu ái, Tùng Dương bày tỏ có quá nhiều tác phẩm của ông khiến anh tâm huyết, đặc biệt là những bài hát về các con sông của nhạc sĩ họ Phó là tác phẩm chạm tới tâm khảm người nghe.
"Tôi may mắn mới đây đã kịp thời thu thanh, ghi hình ca khúc cuối cùng của chú là "Văn giang – một khúc sông Hồng". Ca khúc viết về quê hương và đã biểu diễn trong liveshow cuối cùng của cố nhạc sĩ", Tùng Dương tự hào chia sẻ.
Nam ca sĩ nhớ lại cách đây 2 năm khi thực hiện liveshow "Bộ tứ sông Hồng" - concept âm nhạc dang dở mà nhiều ê-kíp không làm được. Sau đêm diễn, cố nhạc sĩ Phó Đức Phương đã lên ôm chầm lấy anh, hôn lên má và nói: "Tớ rất tự hào về bạn. Bạn không chỉ hát hay mà còn là người biên tập tốt. Khi nào liveshow của mình diễn ra, sẽ nhờ bạn biên tập cho mình".
Tùng Dương không nén được nước mắt khi viết sổ tang
Nhưng với Tùng Dương, điều khiến anh ấn tượng nhất chính là cách xưng hô: "Chú luôn xưng hô bạn và tớ rất đáng yêu - dù chú là người khắt khe đến khắc nghiệt với nghệ thuật".
Lại nói về sự khắt khe có tiếng lúc sinh thời của nhạc sĩ Phó Đức Phương, Tùng Dương cũng thừa nhận, anh từng phải đối mặt với sự khắt khe ấy.
"Sự khắt khe từ việc hẹn lịch tập cũng phải chuẩn, hải phải đúng từng trường độ, cao độ, luyến láy… Chú cho phép người nghệ sĩ sáng tạo nhưng phải trong khuôn khổ nhất định. Sự khắt khe đó vì chú là dân chuyên toán. Chú từng nói: "Cậu có thể hát hay hơn tớ, nhưng tớ giỏi Toán hơn cậu" - đó là điều hài hước nhưng cũng nhắc nhở tôi không được lơ là hay chủ quan.
Chính vì thế mà sau liveshow cuối cùng "Khúc hát phiêu ly", chú xem qua livestream và vẫn tinh tường theo dõi để biết ai hát hay, ai hát chưa đạt rồi các nghệ sĩ đến thăm sẽ phân tích góp ý", Tùng Dương tâm sự.
Cũng như Tùng Dương, Thanh Lam là một trong những nữ ca sĩ thành công với nhiều ca khúc của nhạc sĩ Phó Đức Phương như: Không thể và có thể, Một thoáng Tây Hồ, Hồ trên núi, Huyền thoại hồ Núi Cốc, Trên quê hương quan họ, Chảy đi sông ơi…
Chia sẻ với Báo Gia đình & Xã hội trong lễ viếng cố nhạc sĩ, diva tâm sự luôn ấn tượng bởi sự người khó tính, khắt khe của Phó Đức Phương với âm nhạc.
"Ông khó lắm. Ông luôn nghe từng nốt nhạc từng độ luyến láy, ngân nghỉ... Vì thế tôi luôn áp lực chỉ sợ hát sai những gì ông đã viết. Bởi tính cách đó nên ông rất kiệm khen. Tuy nhiên, ai làm việc với ông lâu phần nào đó sẽ cảm nhận được sự hài lòng hay không của ông qua ánh mắt, lời nói", nữ ca sĩ chia sẻ.
Thanh Lam ngân nga "Không thể và có thể" để nhớ về người nhạc sĩ tài hoa: "Người đã ra đi có thể trở lại/ Vết thương ngày nào có thể liền da/ Nước mắt sẽ thôi rơi, đôi môi lại chín đỏ/ Bồi hồi ngày gặp nhau xua tan đi bao nỗi mong nhớ/ Vòng tay yêu thương có thể rộng mở/ Bóng mây muộn sầu có thể dần tan..."
Thanh Lam lặng lẽ viết sổ tang