Từng bị hỏi “Học lịch sử để làm gì?”, chàng trai quyết tâm dùng lịch sử để lập nghiệp lớn

Bài: Phương Anh - Ảnh: Việt Hùng |

Được tiếp xúc với lịch sử và thời trang ngay từ khi còn nhỏ, chàng trai Nguyễn Đức Lộc (1991) nhận ra ở cổ phục chứa đựng đầy đủ giá trị văn hóa lịch sử, lại có yếu tố thẩm mỹ.

Từ niềm đam mê lịch sử và cổ phục, Nguyễn Đức Lộc chọn cho mình con đường riêng, tự khai phá, phục dựng, thiết kế và kinh doanh trang phục cổ của dân tộc. Chàng trai Hà Nội là một trong những người trẻ tiên phong đưa cổ phục gần hơn đến với công chúng, đặc biệt là giới trẻ. 

Năm 2019, Đức Lộc được trao giải nhà thiết kế trang phục xuất sắc nhất của Harper’s Bazaar Star Awards 2019. Hiện nay, dù mới 31 tuổi nhưng anh đã hướng đến khát vọng đưa cổ phục Việt Nam ra với thế giới, đưa văn hóa trở thành thương hiệu quốc gia.

 Lập nghiệp bằng những giá trị văn hóa lịch sử

- PV: Là một người làm nên sự nghiệp nhờ lịch sử. Theo anh, lịch sử quan trọng thế nào trong quá trình kiến tạo hiện tại và tương lai?

Nguyễn Đức Lộc: Như bạn cũng thấy, những gì tôi có ở hiện tại đều do lịch sử mang lại. Đương nhiên còn nhiều yếu tố khác nhưng kiến thức lịch sử, địa lý là cái nền quan trọng nhất. 

Từ hồi phổ thông, Lộc đã chọn học chuyên môn lịch sử. Lúc đó, mẹ mình hỏi: “Con đi học lịch sử để làm gì? Sau này ra làm cái gì hả con?” Thời điểm ấy, quan điểm về học các môn văn hóa xã hội vẫn còn rất mông lung, cho rằng đó là “môn học thuộc lòng”, “môn phụ”, “sau không làm được gì”. Phụ huynh thường thích con học toán, lý để sau làm những nghề kiếm ra tiền ngay như bác sĩ, kỹ sư. Điều đó cũng dễ hiểu khi thời ấy đang đói kém, bậc cha mẹ thường đặt kinh tế lên trước.

Đến thế hệ này, khi không còn phải lo cơm ăn áo mặc thì phải đặt tri thức lên hàng đầu. Có thể những kiến thức văn hóa lịch sử chưa đem lại lợi ích ngay trước mắt nhưng nó cũng là giá trị. Đồng tiền này sẽ đến sau những nỗ lực và đam mê. 

Từng bị hỏi “Học lịch sử để làm gì?”, chàng trai quyết tâm dùng lịch sử để lập nghiệp lớn - Ảnh 1.

Người ta thường nói văn hóa lịch sử là vô giá. Vậy tại sao vẫn có người nghi ngại về giá trị của các môn này? Trong khi đó, một người có lượng kiến thức đồ sộ về văn hóa lịch sử có thể định giá một bức tranh đẹp lên đến hàng trăm nghìn đô la, hoặc có thể thẩm một câu phê bình sâu sắc. Nói như vậy để hiểu giá trị của văn hóa lịch sử nó cao lắm, lớn lắm, không thể dùng đồng tiền để đo lường! 

Nếu coi nhẹ văn hóa lịch sử thì tư duy thẩm mỹ và yếu tố xã hội sẽ bị mất gốc, mất nền tảng. Phải học thì mới hiểu được quá khứ, khi hiểu rồi mới có thể xây dựng được hiện tại và tương lai vì “lịch sử sẽ luôn lặp lại”.

- PV: Tôi thấy anh cũng là một hình mẫu thành công từ lịch sử ứng dụng, nhưng không biết anh đã có được những gì?

Nguyễn Đức Lộc: Về thành quả, tôi sẽ để mọi người nhìn vào thay vì tự nói ra. Nếu quan tâm và theo dõi, mọi người sẽ thấy Nguyễn Đức Lộc đã làm được gì, thị trường cổ phục thay đổi thế nào, góc nhìn của xã hội biến đổi làm sao. Những thứ này tôi để công luận đánh giá.

Về cá nhân, lịch sử ứng dụng cho tôi cảm giác được “sống” chứ không phải “tồn tại”. Mỗi buổi sáng thức dậy, tôi được làm những gì mình yêu thích, kiếm ra tiền từ những bộ trang phục. Kể cả có những ngày làm quần quật đến 2 - 3h sáng mới về đến nhà, vài tiếng sau lại tiếp tục đi tỉnh để tìm tòi, học hỏi thì với tôi, đó vẫn là niềm hạnh phúc. 

Nếu nói về thành tựu liên quan đến tiền thì tôi chưa giàu có bằng thiên hạ. Nếu nói về tiếng tăm thì cũng có nhưng nhiều người còn nổi tiếng hơn. 

Tôi chỉ hãnh diện khi việc kinh doanh của mình góp phần tạo ra giá trị cho cộng đồng và nâng tầm thương hiệu quốc gia. Quan trọng nhất, những bộ cổ phục được bán ra sẽ được người mua mặc nó, hoặc truyền lại, hoặc đi giao lưu, quảng bá,..

Từng bị hỏi “Học lịch sử để làm gì?”, chàng trai quyết tâm dùng lịch sử để lập nghiệp lớn - Ảnh 2.

Đưa cổ phục ra đấu trường quốc tế

- PV: Điều gì là động lực để anh dốc sức nghiên cứu và phục dựng các loại trang phục cổ?

Nguyễn Đức Lộc: Động lực để tôi nghiên cứu sâu hơn về cổ phục và đưa cổ phục ra với công chúng trong nước và quốc tế chính là lòng tự tôn dân tộc. Khi ra nước ngoài, sống trong môi trường đa quốc gia, chúng ta sẽ thấy giá trị văn hóa dân tộc lớn thế nào. 

Một trong những thành phần cấu thành nên văn hóa quốc gia là trang phục dân tộc. Trang phục truyền thống phản ánh bề dày văn hóa, thể hiện nhân sinh quan, thẩm mỹ quan. Nó là thứ đập vào mắt chúng ta đầu tiên. Có thể khi gặp ai đó, bạn chưa biết họ là ai, thuộc dân tộc nào, đến từ đâu, tầng lớp địa vị, học hành ra sao thì trang phục dân tộc sẽ trả lời gần hết câu hỏi đó.

Trang phục truyền thống của người Việt chúng ta trải qua nghìn năm lịch sử, qua những triều đại phong kiến khác nhau chính là điểm mạnh, là di sản để chúng ta quảng bá ra thế giới. 

Điều đó đã khơi dậy trong tôi, khiến tôi phải suy nghĩ xem mình có thể góp sức nào để nâng tầm giá trị cổ phục Việt Nam. Chính vì vậy, tôi tìm hiểu rất sâu về trang phục truyền thống và phục dựng trang phục cung đình, mong muốn một ngày có thể "xuất khẩu" ra nước ngoài. Việc này không chỉ dừng lại ở câu chuyện kinh doanh, mà đó là câu chuyện về tự hào bản sắc dân tộc.

Từng bị hỏi “Học lịch sử để làm gì?”, chàng trai quyết tâm dùng lịch sử để lập nghiệp lớn - Ảnh 3.

- PV: Tôi thường thấy những người tiên phong đi trước sẽ gặp phải trắc trở. Anh thấy sao?

Nguyễn Đức Lộc: Tôi thường nói vui: "Không có gì là ngẫu nhiên cả, nó đều là tất nhiên". Không phải tự nhiên có một ngày tôi bắt tay làm và đưa sản phẩm cổ phục ra công chúng. Mỗi một sản phẩm được ra mắt đều phải trải qua quá trình tìm hiểm, đào sâu nghiên cứu và đầu tư lớn về tài lực và nhân lực. Đôi khi có trắc trở cũng phải tự tìm cách để tháo gỡ và vượt qua.

Có khoảng thời gian tôi phải tự đọc, tự học, tự tìm hiểu thông qua sách vở, tài liệu, tư liệu, qua những công trình của các học giả và nhà nghiên cứu đi trước. Rồi phải đến gặp trực tiếp bạn bè, những người thầy, nghệ nhân,.. để học từ họ những kiến thức không nằm trên sách vở hay internet.

Khi có lượng kiến thức cơ bản để định hình được bộ cổ phục, sẽ đến giai đoạn biến kiến thức thành một sản phẩm sờ thấy, nhìn thấy, ngửi thấy và cảm nhận được. Tuy nhiên, có nhiều thời điểm mình chưa nắm bắt và hình dung được sản phẩm sẽ như thế nào. 

Lúc đó, ta buộc phải bỏ tiền ra để thử nghiệm và tiếp tục nghiên cứu. Nếu nó sai, hỏng hay chưa đạt yêu cầu thì phải làm lại. Thời điểm đó, nguồn lực bỏ ra rất lớn trong khi thành quả của mình dễ dàng bị đạo nhái, copy.

Từng bị hỏi “Học lịch sử để làm gì?”, chàng trai quyết tâm dùng lịch sử để lập nghiệp lớn - Ảnh 4.

Trang phục áo Nhật Bình.

“Tôi ước trong tủ quần áo của người Việt đều có một bộ cổ phục”

- PV: Cổ phục tuy cũ nhưng lại mới phát triển trở lại trong những năm gần đây. Để đưa nó trở thành sản phẩm phổ biến ngoài thị trường, chắc hẳn anh cũng rất lao tâm khổ tứ?

Nguyễn Đức Lộc: Đúng vậy! Làm ra bộ đồ đã khó, nhưng thay đổi tư duy và quan điểm của công chúng còn khó hơn. Cách đây vài năm, ít ai biết đến cổ phục, thậm chí còn nhiều định kiến như “đồ tuồng, chèo, cải lương, sân khấu”, hay trông “cường hào, địa chủ, ác bá”,... Nhiều người e ngại đó là đồ của thời phong kiến, gắn với yếu tố về chính trị, giai cấp, tầng lớp,...

Điều chúng tôi phải làm là làm sao thay đổi được tư duy này, coi cổ phục là một nét đẹp văn hóa, sản phẩm, di sản đáng trân quý của lịch sử.

Từng bị hỏi “Học lịch sử để làm gì?”, chàng trai quyết tâm dùng lịch sử để lập nghiệp lớn - Ảnh 5.

Khi thay đổi được tư duy, quan điểm, tôi trăn trở làm sao thay đổi được thói quen tiêu dùng của công chúng. Làm sao để họ chấp nhận bộ đồ mà không phải hỏi câu: “Tại sao tôi phải bỏ số tiền lớn để mua sản phẩm này trong khi tôi thấy không cần thiết?” Đó là một bài toán chông gai.

Khi cho ra đời một bộ cổ phục, tôi phải tính toán để cân bằng được yếu tố văn hóa và mỹ thuật. Bởi cổ phục phải bao hàm một nửa là văn hóa lịch sử, một nửa là thời trang. Khách hàng phải thấy đẹp thì mới mặc, nếu chỉ có ý nghĩa mà không hữu dụng thì cổ phục cũng chỉ trưng bày trong bảo tàng. Nhưng nếu quá mạnh về thời trang, bỏ qua những yếu tố truyền thống thì lại thiếu sót. 

Bên cạnh đó, tôi còn phải cân bằng cả yếu tố văn hóa và kinh doanh. Tôi làm kinh doanh văn hóa. Nếu làm một sản phẩm chỉ để đưa vào bảo tàng thì coi như sản phẩm đó đã “chết”. Muốn nó “sống”, tôi phải đưa nó vào trong đời sống, vào những dịp lễ, sự kiện, ăn hỏi, cưới xin,... Như vậy ta phải kinh doanh, bán sản phẩm, thu lợi nhuận. Mỗi một sản phẩm đến tay khách hàng là một lần ta quảng bá văn hóa. 

Nếu đặt quá nặng vấn đề thu tiền, bán sản phẩm, bỏ qua giá trị lịch sử thì sẽ bị méo mó văn hóa. Còn nếu đặt quá nặng yếu tố văn hóa thì sẽ khó tiếp cận đến công chúng. Bản thân những người tâm huyết dấn thân vào lĩnh vực cổ phục, làm kinh doanh, truyền thông đều phải giải quyết những bài toán đó.

Tôi hiểu làm văn hoá rất khó và làm kinh doanh văn hoá càng khó hơn. Bởi, chỉ cần lệch lạc một khoảnh khắc hay suy nghĩ thôi là mình đã hủy hoại văn hoá, nhất là văn hoá cổ phục của người Việt.

Từng bị hỏi “Học lịch sử để làm gì?”, chàng trai quyết tâm dùng lịch sử để lập nghiệp lớn - Ảnh 6.

- PV: Tôi thấy cổ phục đang là một trào lưu, ngay cả ngoài đời cũng có người mặc cổ phục đi dự đám cưới, hay đóng MV ca nhạc, các bộ phim cổ trang... Có phải nó đã thành công đi vào cuộc sống thường nhật?

Nguyễn Đức Lộc: Việc mặc cổ phục đang là một trend, là xu thế, xu hướng. Nó giống những quân domino, một khi quân đầu tiên đổ thì sẽ là cú hích cho một loạt đổ theo. Quan trọng là ai sẽ hích cú đầu tiên. 

Vài năm trước, công chúng còn lơ mơ chưa hiểu thế nào là áo năm thân, nhật bình,... Sau đó, một số người tìm hiểu, yêu thích, may một hai bộ đồ rồi chụp ảnh đăng lên hội nhóm.

Bây giờ, tư duy của công chúng về cổ phục cũng có phần nào thay đổi. Nó đã trở thành trào lưu từ Bắc chí Nam, từ trong đến ngoài nước, từ công chức, viên chức đến nghệ sĩ đều mặc cổ phục. Giới trẻ cũng đua nhau mặc, kể cả chụp ảnh cưới, đi dự đám cưới, lễ hội, đóng phim, MV ca nhạc… Cổ phục đã thành một trào lưu, trong các hội nhóm trên mạng xã hội đến ngoài đời. 

Đó là công sức trong nhiều năm không chỉ của mình tôi mà của rất nhiều con người khác cùng nỗ lực để tạo thành xu hướng, thay đổi thói quen của công chúng. Đây cũng là niềm hạnh phúc mà tôi từng mơ ước, mong một ngày cổ phục sẽ gần gũi hơn với mọi người.

Trả lời trên báo chí vài năm trước, tôi nói có một tham vọng là trong tủ quần áo của mỗi người Việt, bên cạnh những bộ veston sẽ có bộ áo dài năm thân hay bộ cổ phục. Tôi muốn thêm sự lựa chọn cho chúng ta mỗi dịp lễ hay sự kiện, hội họp,... Nếu làm được điều đó thì cổ phục sẽ có chỗ đứng trong đời sống của người Việt.

Bắt đầu từ đây trở đi, thị trường cổ phục có lẽ sẽ còn bùng nổ và sôi động hơn nữa. Nhưng chúng tôi không chỉ dừng lại ở việc bán một hai bộ đồ, sứ mệnh của chúng tôi còn cao hơn thế. 

Từng bị hỏi “Học lịch sử để làm gì?”, chàng trai quyết tâm dùng lịch sử để lập nghiệp lớn - Ảnh 7.

Nhiều người trẻ lựa chọn cổ phục để chụp ảnh cưới.

- PV: Theo anh, sự thay đổi của một bộ phận công chúng có phải là bước đệm để đưa cổ phục ra với thế giới? Anh có sợ gặp phải tranh cãi không?

Nguyễn Đức Lộc: Khi đưa cổ phục ra trường quốc tế, tôi đã lường trước những tranh cãi có thể xảy ra. Đó là chuyện đương nhiên và chắc chắn. Bất cứ chuyện gì chúng ta làm đều sẽ có những luồng tư duy trái chiều như vậy. 

Khi tranh cãi xảy ra, chúng ta lại cần bản lĩnh của người lãnh đạo. Người lãnh đạo phải chịu được áp lực, vượt qua và kiên định với tư tưởng của mình. Nhưng nếu “giữ” quá thì sẽ thành bảo thủ, tốt nhất là nên đảm bảo hài hòa, xem đúng đến đâu, sai đến đâu. 

Trước khi đưa cổ phục ra với thế giới, cổ phục phải “sống” được ở trong nước. Nó phải được công chúng trong nước biết đến, đón nhận, phát triển mạnh để từng bước xuất ngoại. Hiện nó chỉ đang dừng ở bước tự phát, hoặc manh nha được sử dụng trong đời sống chứ chưa trở thành sự lựa chọn.

Khi có định hướng, hành lang pháp lý cụ thể thì tôi cũng sẵn sàng cố gắng đưa di sản cổ phục Việt Nam lên tầm cao mới, tạo ra nhiều giá trị cho cộng đồng.

Từng bị hỏi “Học lịch sử để làm gì?”, chàng trai quyết tâm dùng lịch sử để lập nghiệp lớn - Ảnh 8.

- PV: Anh thường nhắc đến việc để lại di sản cho xã hội, tạo ra những giá trị cho cộng đồng. Không biết ngoài những bộ cổ phục được phục dựng, thiết kế, anh muốn để lại giá trị nào khác cho xã hội?

Nguyễn Đức Lộc: Tôi thấy nhiều bạn trẻ hiện đang tìm hiểu về cổ phục một cách rất mông lung. Hễ có chủ đề nào trên diễn đàn thì các bạn lại vào tranh cãi, bởi thông tin về cổ phục còn sai lệch, chưa thống nhất.

Do vậy, ngoài phục dựng, thiết kế, kinh doanh, truyền bá, tôi còn muốn đúc kết kiến thức về cổ phục trong một cuốn sách.

Ở trong các trường đại học, bạn có thể tìm các cuốn sách, giáo trình về lịch sử thời trang quốc tế nhưng lịch sử thời trang Việt Nam hầu như không có nhiều tư liệu để bám víu. Thậm chí, còn chưa có giáo trình chi tiết về trang phục cổ để giảng dạy.

Trong tương lai, tôi muốn đúc kết kiến thức của mình để ra một cuốn sách. Tri thức thì nhiều nhưng tôi muốn soạn ra một giáo trình để truyền đạt cho ai cũng có thể hiểu được. Hy vọng vài năm tới tôi có thể ra mắt cuốn sách này. 

- PV: Cảm ơn anh đã trả lời phỏng vấn. Chúc anh sớm thành công với những dự định lớn!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại