NAV sụt giảm do quá thiếu tỷ trọng nhóm Vingroup
Tundra Vietnam Fund- quỹ đầu tư đến từ Thụy Điển đã mất 3,1% (tính theo đồng SEK) tài sản ròng (NAV) trong tháng 11, qua đó khiến NAV quỹ giảm 1,2% kể từ đầu năm. Trong khi đó, chỉ số chuẩn (benchmark index) của Tundra là FTSE Vietnam lại ghi nhận sự tăng trưởng 1% trong tháng vừa qua.
Tundra là quỹ đón đầu các thị trường tiềm năng sẽ được MSCI nâng hạng từ cận biên lên mới nổi. Hiện Tundra có 4 quỹ chính trên toàn cầu là Tundra Frontier Africa, Tundra Pakistan, Tundra Sustainable Frontier và quỹ tại Việt Nam là Tundra Vietnam Fund. Mặc dù không phải quỹ thụ động như ETF nhưng Tundra Vietnam lại theo sát chỉ số chuẩn FTSE Vietnam. Do vậy, sự biến động từ FTSE Vietnam tác động đáng kể đến quỹ ngoại này.
Hiệu quả của Tundra từ đầu năm so với FTSE Vietnam.
Lý giải cho sự sụt giảm tháng 11, Tundra Vietnam cho biết việc quá thiếu tỷ trọng nhóm ngành bất động sản (chủ yếu là Vingroup, Vinhomes và Vincom Retail) là nguyên nhân chính dẫn đến hiệu quả kém của quỹ.
Chỉ số chuẩn FTSE Vietnam nghiêng hẳn về nhóm bất động sản với tỷ trọng gần 48% chỉ số, trong đó riêng bộ ba công ty Vingroup đã chiếm khoảng 40% chỉ số. Nhóm Vingroup đang giao dịch ở P/E dao động từ 20 đến 35 lần. Tundra Vietnam cho biết rất thiếu những cái tên này và đang cân nhắc về định giá các cổ phiếu này.
Một nguyên nhân khác, khoản đầu tư nằm ngoài chỉ số chuẩn là Hoa Sen Group không có hiệu quả do kết quả kinh doanh kém trong quý vừa qua cũng như biên lợi nhuận ngành thép giảm đáng kể.
Ở mặt tích cực, sự vượt trội của ngành công nghiệp (như CII), công nghệ thông tin (FPT) và chứng khoán (SSI, VND) đóng góp tích cực cho hiệu quả của quỹ. Tundra Vietnam cũng ghi nhận sự suy giảm của nhóm vật liệu và năng lượng trong tháng 11. Dù vậy, quỹ vẫn giữ tỷ trọng lớn các cổ phiếu cơ bản mạnh, sẵn sàng hưởng lợi từ sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Nhóm thép kém hiệu quả nhất
Tính đến cuối tháng 11, tổng tài sản của Tundra Vietnam là 848,6 triệu SEK, tương đương 93,2 triệu USD. Quỹ phân bổ lớn nhất vào nhóm tài chính với tỷ trọng 21%, nhóm bất động sản chiếm 17% NAV và giữ tiền mặt 7%.
Khoản đầu tư lớn nhất vẫn là FPT Corp với tỷ trọng 7,8% NAV. Đáng chú ý khi cổ phiếu Vingroup đứng thứ 10 với tỷ trọng 3,6% NAV (danh mục hồi tháng 1, Vingroup đứng thứ 2 chiếm 6,5% và Vincom Retail đứng thứ 7 với 4,5% NAV), cho thấy tỷ trọng nhóm này đã suy giảm đáng kể.
Cổ phiếu CII, VNM, HT1 là các khoản đầu tư tăng trưởng mạnh nhất. Trong khi đó nhóm vật liệu (thép) như HSG, NKG, HPG bốc hơi hàng chục phần trăm.
Danh mục đầu tư và các khoản sinh lời, thua lỗ lớn nhất của Tundra Vietnam trong tháng 11.
Thị trường tháng 12 sẽ tích cực
Thị trường chung đã bật tăng trở lại trong tháng 11 sau tháng 10 khó khăn. Chỉ số FTSE Vietnam đã tăng 1% (SEK), trong khi đó chỉ số MSCI Emerging Market và MSCI Frontier Market tăng lần lượt 3,1% và 1,1%. Thanh khoản giảm 16% so với tháng trước xuống còn 163 triệu USD, trong khi các nhà đầu tư nước ngoài mau ròng 52 triệu USD.
Phần lớn sự gia tăng của thị trường đến từ nhóm cổ phiếu Vinroup (Vingroup, Vincom Retail, Vinhomes), ngoài nhóm này, Tundra Vietnam chỉ thấy sự quan tâm mờ nhạt trên thị trường. Các cổ phiếu năng lượng đã giảm hơn 20% trong tháng 11 do giá dầu thô toàn cầu sụt giảm.
Kết quả của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung vẫn là mối quan tâm của thị trường; bất kỳ sự leo thang nào cũng có khả năng ảnh hưởng đến thương mại toàn cầu của Việt Nam. Tuy nhiên, cuộc họp Trump-Tập vào ngày 1/12 đồng ý tạm dừng việc leo thang thuế quan sẽ là yếu tố hỗ trợ cho thị trường tháng 12.
Kết luận, Tundra Vietnam cho rằng thị trường đã phản ánh giá cho hầu hết các sự kiên tiêu cực vừa qua. Một giải pháp trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, quan điểm mềm mỏng hơn của Fed về việc tăng lãi suất và giá dầu thấp hơn có thể là dấu hiệu cho một thị trường tốt hơn phía trước.