Người dùng Windows có lẽ đã quá quen với những chiếc laptop có thời lượng pin chỉ từ 2-3 giờ trở lại, và điều đó cũng đồng nghĩa với một bộ dây và cáp sạc laptop lỉnh kỉnh nặng nề luôn thường trực trong balo hay túi đựng laptop của mỗi người.
Không những vậy, điều đó còn có nghĩa là, nếu bạn là một người làm việc di động thường xuyên, việc tìm kiếm ổ điện cũng là nỗi lo thường trực của bạn.
Nhưng trong tuần vừa qua, những điều khó chịu đó có thể sẽ không còn nỗi lo của người dùng Windows nữa, khi Microsoft và Qualcomm hợp tác và phát triển nên một phiên bản Windows 10 mới tương thích với chip ARM và chạy được đầy đủ các phần mềm 32-bit.
Theo ông Don McGuire, phó Chủ tịch mảng Quảng cáo sản phẩm toàn cầu của Qualcomm, thiết bị chạy phiên bản Windows 10 ARM này với tên gọi “Always Connected PC” sẽ có thời lượng pin cực khủng, có thể lên đến “vài ngày mới phải sạc một lần”.
Đây sẽ là một tin tuyệt vời với người dùng thường xuyên phải làm việc khi di chuyển trên đường với những chiếc laptop của mình – đặc biệt là người dùng thế hệ Thiên niên kỷ.
Họ không còn phải dáo dác tìm quán café hay một cửa hàng nào đó để sạc điện laptop. Tuy nhiên trong khi đây sẽ là một tin vui lớn với người dùng Windows, nhưng có một người có lẽ không thể vui được vì tin này, Intel.
Cú đánh mạnh vào Intel từ Microsoft và Qualcomm
Sau nhiều năm an nhàn ở ngôi vị thống trị thị trường CPU cho PC (cũng như laptop), Intel dường như đã trở thành một ông già chậm chạp trước những thay đổi chóng mặt của thị trường điện toán kỹ thuật số.
Họ bị bỏ lại phía sau trong lĩnh vực chip di động xa đến nỗi, chỉ một thời gian ngắn sau khi cố gắng đặt chân vào thị trường này với những con chip Intel Atom cho smartphone, họ lại phải ngậm ngùi rút lui.
Trong khi đó, thị trường PC cũng như laptop dù trở nên trì trệ hoặc thậm chí tăng trưởng âm trong những năm qua, nhưng hầu như không có nhiều dấu hiệu cho thấy nó sẽ bị các thiết bị di động đe dọa nghiêm trọng.
Đặc biệt là khi những con chip x86 vẫn là nền tảng duy nhất có thể vận hành ổn định hệ điều hành Windows của Microsoft – nơi công việc của hàng tỷ người vẫn đang hàng ngày diễn ra quanh nó.
Tuy vậy, những con chip x86 đang tồn tại một nhược điểm chí mạng so với nhu cầu hiện tại của người dùng.
Đại đa số người dùng Windows hiện nay không còn đòi hỏi sức mạnh tính toán quá khủng khiếp nữa, khi nhiều tác vụ nặng nề như xử lý cơ bản hình ảnh và video đã có thể thực hiện trơn tru qua điện toán đám mây. Mối quan tâm chủ yếu lúc này của họ là thời lượng pin dài và khả năng kết nối.
Intel không phải không nhận ra điều này. Từ nhiều năm nay, Intel đã có giải quyết vấn đề này bằng cách ra mắt với những con chip Core i dòng U của mình, thậm chí cả Core M cho những thiết bị di động.
Dù những dòng chip đó tiêu thụ ít điện năng hơn, nhưng với các thỏi pin lại nhỏ hơn để đảm bảo khả năng cơ động của người dùng, cuối cùng thời lượng pin laptop Windows vẫn không được cải thiện nhiều.
Ngay cả những chiếc Surface Pro dùng chip Intel Atom mới cũng chỉ đạt được thời lượng pin từ 9-10 giờ liên tục trong điều kiện tắt Wi-Fi – một điều gần như không thể trong thời điểm hiện tại.
Trong khi đó, theo tiết lộ của ông Cristiano Amon, phó chủ tịch điều hành của Qualcomm, thời lượng pin của thiết bị “Always Connected PC” cho phép người dùng xem Netflix qua Wi-Fi trong 29 giờ liên tục với thiết lập cơ bản.
Còn trên phiên bản trang bị LTE/Wi-Fi, thời lượng sử dụng cũng lên đến 20 giờ liên tục, quá đủ cho một ngày dài làm việc.
Một điều đáng chú ý khác trong con số về thời lượng pin khủng ở trên con chíp trong mẫu máy Always Connected PC này. Đến nay, loại chip ARM được nhắc đến nhiều nhất trong việc hợp tác phát hành Windows 10 ARM là Snapdragon 835, một con chip được xây dựng trên quy trình 10nm.
Trong khi lời hứa về một con chip 10nm của Intel vẫn phải chờ đến 2018 hoặc 2019 mới được thực hiện, Samsung đã giáng một cú đánh mạnh khác vào gã khổng lồ già này.
Cú đánh bồi của Samsung vào Intel
Tuần vừa qua, Samsung vừa thông báo rằng họ đã đạt chứng nhận quy trình sản xuất chip 8nm FinFET LPP và đã sẵn sàng cho việc sản xuất đại trà. Đây quả là điều đáng lo ngại cho đối thủ trực tiếp của Samsung trên thị trường gia công chip, hãng TSMC của Đài Loan.
Nhưng TSMC lo một, thì Intel mới là người lo mười, khi con chip trên quy trình 8nm sẽ có hiệu năng cao, kích thước nhỏ gọn hơn với diện tích nhỏ hơn 10%, và tiết kiệm điện năng hơn 10% so với chip quy trình 10nm.
Đáng nguy hơn nữa cho Intel khi quy trình 8nm FinFET LPP về cơ bản vẫn dựa trên quy trình 10nm của hãng, do vậy, những con chip này sẽ có thể bắt tay vào sản xuất ngay từ lúc này.
Chính vì vậy, ông RK Chunduru, phó chủ tịch cấp cao của Qualcomm tin rằng có thể thương mại chip 8nm của Samsung ngay đầu năm tới.
Và trong khi Intel vẫn đang loay hoay tìm lời giải cho lời hứa về chip 10nm, những chiếc laptop Windows 10 ARM đã ra mắt trong năm sau với ưu thế thời lượng pin siêu dài “đến vài ngày”, mạng LTE duy trì kết nối tốc độ cao liên tục, và thậm chí còn có thể có giá thành rẻ hơn nữa, khi chi phí cho mỗi bộ xử lý SoC ARM đều thấp hơn nhiều các CPU của Intel.
Intel đã từng phải lên tiếng “dằn mặt” cả Microsoft lẫn Qualcomm rằng, phiên bản Windows 10 ARM sẽ vướng phải “một bãi mìn” về quyền sở hữu trí tuệ. Liệu đó là lời đe dọa thực sự hay chỉ là tiếng kêu yếu ớt trước khi họ thực sự bị gục ngã trước binh đoàn chip ARM?
Câu trả lời sẽ rõ ràng nhất khi những thiết bị chạy Windows 10 ARM đầu tiên ra mắt, với cái nhìn cận cảnh về hiệu năng thực tế của nó.