Tua dọn rác thu hút người trẻ

Đạt Nhi |

Ban đầu, dọn rác chỉ là một hạng mục thêm vào trong một số tua du lịch sinh thái, dần dần nó trở thành điểm nhấn chính để hút khách, nhất là thời điểm sau đại dịch, khi cả nhân loại chưa kịp hoàn hồn sau những cú nổi giận của tự nhiên.

Tua dọn rác thu hút người trẻ - Ảnh 1.

Dọn rác bằng chèo sup ở sông Hương

Tua dọn rác thu hút người trẻ - Ảnh 2.

Tua lạ của người ám ảnh cưỡng chế với rác

Người đầu tiên nói với tôi về một tua dọn rác là Đào Đặng Công Trung, người Đà Nẵng, vào năm 2017. Trong cộng đồng sống xanh, Trung được coi là một dị nhân. Anh dường như có chứng ám ảnh cưỡng chế với rác. 

Đi qua đâu thấy rác là anh nhất định phải dừng lại nhặt, mẫn cán hơn cả công nhân vệ sinh môi trường. Là người Đà Nẵng, lại mê Sơn Trà, thấy khách du lịch lên núi bỏ lại rác quá nhiều, Trung tình nguyện biến mình thành người nhặt rác trên núi, tuần hai ba lần anh đi xe Dream từ Đà Nẵng lên Sơn Trà dọn dẹp, lần nào xuống núi cũng mang vác theo ít nhất 10 cân rác.

Khi Trung lập công ty du lịch, anh nhất quyết đưa việc nhặt rác trở thành một hoạt động trong tất cả các tua ngay từ năm 2016. 

Theo đó, khách không được mang theo bất cứ loại rác nào ra biển, đảo. Mỗi người sẽ được phát một túi cói để đựng đồ, rác thải ra đều gom trong túi cói đem về. Chưa hết, trong mỗi tua, anh đều trang bị bao bọc rác, găng tay, cây gắp rác cho mỗi du khách và dành ra 5 - 10 phút để thu gom rác bị vứt bừa bãi tại điểm đến trước khi rời đi.

Ban đầu, nhiều người không hưởng ứng cách làm của Trung, họ cho là rắc rối, phiền và tỏ ra bất hợp tác. Tuy nhiên, sau sự làm mẫu của chính ông chủ và những du khách nước ngoài, những cự nự về việc phải nhặt rác ít dần đi. 

Đến giờ, công ty của Đào Đặng Công Trung đã có thâm niên gần 10 năm làm tua nhặt rác, khách của anh chủ yếu là người trẻ, ưa khám phá và theo đuổi lối sống xanh. Đại dịch khiến lượng khách quốc tế giảm hẳn nhưng bù lại, khách Việt tăng lên.

Tua dọn rác thu hút người trẻ - Ảnh 3.

Khách du lịch tham gia một tua dọn rác


Một lý do khiến các tua của anh Trung được truyền tụng là ngoài nhặt rác trên bờ, còn có các hoạt động lặn làm sạch rác dưới biển. Bản thân là dân thể thao, anh Trung là một trong những người đầu tiên tự nguyện lặn xuống độ sâu hơn 10m để nhặt rác từ các rạn san hô. 

Cũng chính anh là người đề xuất với ban quản lý Sơn Trà làm đường ngăn, không cho tàu du lịch vào quá gần rạn san hô, tránh làm gãy, chết san hô… Du khách muốn xem thì tự bơi vào.

Anh Trung cho biết: “Hiện chúng tôi chỉ mới dừng lại ở việc cùng du khách nhặt rác, nói không với túi ni lông, trang bị túi tự phân hủy cho du khách. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ kết hợp việc trồng cây vào tua nếu điểm đến thích hợp và cho phép”.

Chèo sup dọn rác trên sông Hương

Tua dọn rác thu hút người trẻ - Ảnh 4.

Tua dọn rác dưới đáy biển của anh Công Trung


Thời gian gần đây, các tua dọn rác trên sông Hương đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều người. Chương trình được anh Nguyễn Đình Anh Khoa khởi xướng thu hút hàng nghìn người đăng ký tham gia trải nghiệm chèo sup (thuyền ván đứng), vớt rác quanh khu vực cồn Hến, dọc sông Hương.

Cứ vào những ngày cuối tuần, Hội sup Huế của anh Khoa lại tập trung ở bến thuyền Dã Viên để bắt đầu hành trình nhặt rác trên sông Hương. Trước khi xuất phát, các thành viên của Hội đã tự trang bị thêm các túi đựng rác, kẹp nhặt rác cho mình.

Từ bến đò Tòa Khâm, mỗi thuyền hai thành viên sẽ chèo dọc sông Hương xuôi về Đập Đá, Cồn Hến. Trên đường đi, các thuyền chia nhau tản khắp sông và các bãi cỏ ven sông để tìm, nhặt rác. Kết thúc hành trình trở về nơi cũ, mỗi thuyền đều mang theo những bao rác to. Đến tuần tiếp theo, các thành viên lại ngược dòng Hương Giang lên phía chùa Thiên Mụ, cồn Dã Viên để vớt rác.

Một thành viên đội sup kể, có buổi, khi đang chèo thuyền ngang một chiếc thuyền rồng du lịch thấy một số người làm lễ, định thả vàng mã xuống sông Hương. Cả nhóm chèo nhanh về phía thuyền rồng nói về hoạt động của nhóm mình và đề nghị mọi người không nên rải vàng mã xuống sông. 

Có hôm, đoàn chèo qua khu vực cầu đi bộ trên sông Hương thấy một bạn trẻ sau khi uống trà sữa định ném cốc xuống sông thì khựng lại khi chứng kiến các thành viên trong đoàn đang cần mẫn vớt từng mẩu rác nổi trên sông.

Được biết, đầu năm 2019 khi mới thành lập, Hội sup Huế chỉ có chưa đầy 30 thành viên tham gia, nhưng sau gần 2 năm hoạt động, con số này đã lên đến gần 2000 người, trong đó hơn 100 người tham gia đều đặn các hoạt động nhặt rác làm sạch môi trường sông Hương. Không chỉ thu hút thanh niên, tua trải nghiệm thú vị này còn hấp dẫn nhiều người đứng tuổi, thậm chí cả những học sinh cấp 2, cấp 3.

Để đảm bảo an toàn cho khách, những người chèo sup có kinh nghiệm thường dành khoảng 15 phút hướng dẫn tư thế ngồi, cách lên xuống sup để không bị lật... Người trên sup phải đeo dây an toàn vào cổ chân và mặc áo phao.

Anh Nguyễn Vĩnh Khâm (Cty CP du lịch DMZ) cho biết: “Huế là nơi lưu giữ những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể chứa đựng nhiều giá trị biểu trưng cho trí tuệ và tâm hồn của dân tộc Việt Nam. Dù ít, dù nhiều thì đây là cách mà tôi muốn kêu gọi mọi người cùng gìn giữ, bảo tồn bức tranh tuyệt vời mà thiên nhiên ban tặng cho Huế”.

Thôn chài không rác

Năm ngoái, trong chuyến đi ngắn đến Khánh Hòa, tôi tình cờ được đưa đến một nơi gọi là “thôn chài không rác” - thôn Bá Hà 1, phường Ninh Thủy, thị xã Ninh Hòa. Ấn tượng đầu tiên của tôi là những thùng rác được đặt rải rác dọc bờ biển mấy cây số. Bãi cát trắng phau dài mấy cây số gần như không có rác, sạch sẽ không kém những khu nghỉ dưỡng cao cấp, nơi mà lúc nào cũng có lao công quét dọn, thu gom rác định kỳ.

Hướng dẫn viên Anh Tuấn, một người con của Ninh Thủy dẫn đường cho tôi hôm ấy kể: trước đây Bá Hà nhiều rác lắm. Dân có thói quen cái gì cũng đổ ra biển, từ rác hữu cơ đến vô cơ. Nhưng rồi, sau nhiều trận bão biển, nước dâng cao, chính chất thải, rác thải nhựa bình thường dân đổ ra biển lại trôi ngược về thôn hoặc các thôn lân cận. 

Nguy cơ bệnh tật phát sinh. Từ đó, người nọ nói với người kia và cam kết với thôn giữ cho biển sạch nhất có thể. Chính quyền cũng rất tích cực tham gia vào việc này, nhờ đó Bá Hà 1 trở thành thôn chài “độc nhất vô nhị” ở khu này vì không có rác.

Sau khi phong trào dọn rác lan rộng, dân thôn Bá Hà có cách nói: đi nhặt rác để rèn sức khỏe. Rác nhặt về được phân loại đàng hoàng chứ không gom quáng quàng như trước. Một số người tích cực còn đem theo xẻng, cào để bới rác lên từ dưới cát.

Để nhắc nhở nhau, ở con đường chính từ thôn Bá Hà 1 dẫn ra biển, các lão ngư dân còn dựng tấm biển lớn ghi rõ các quy định cấm đánh bắt hủy diệt, cấm xâm hại biển, cấm làm biển ô nhiễm...

Anh Tuấn kể, không chỉ Bá Hà, nhiều thôn ở Ninh Thủy hiện nay cũng lan rộng phong trào dọn rác khiến cả dọc biển ở đây trở thành một điểm sáng vì sự... sạch, thu hút không ít khách tham quan. Cũng nhờ dọn rác, các bệnh đau mắt đỏ, bệnh ngoài da của ngư dân ít hẳn so với trước.

Nhiều công ty du lịch nắm bắt được nhu cầu của khách cũng đã thường xuyên tổ chức các tua nhặt rác quanh vùng biển Ninh Thủy. 

Du khách sẽ được trang bị những dụng cụ như găng tay vải, kẹp gắp rác, bao tải hoặc túi nilon sinh học tự phân hủy để tham gia tua nhặt rác làm sạch bãi biển. Sáng kiến hơn, nhiều công ty còn cho gom chai lọ thủy tinh, bóng đèn câu mực, dây thừng, lưới... để tái chế thành các đồ dùng hàng ngày hoặc đồ lưu niệm.

“Trước đây khách du lịch đến Ninh Thủy chủ yếu là người nước ngoài. Họ muốn tham quan, khám phá một làng chài hơn 200 tuổi chưa bị du lịch hóa, còn giữ nguyên vẻ hoang sơ. Nhưng gần đây, lượng khách là người Việt bắt đầu tăng lên. 

Bởi vì có đối trọng là nhiều làng chài khác ở Khánh Hòa đang ngập trong rác, thì Ninh Thủy rõ ràng khác hẳn. Hy vọng trong tương lai, những tua dọn rác sẽ được hưởng ứng rộng rãi hơn. Vì nó tạo ra giá trị thặng dư không chỉ cho du khách, người dân mà cả môi trường sống của chúng ta”, anh Tuấn chia sẻ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại