Từ Washington DC: Trump và phụ nữ

Hiệu Minh |

Cuộc diễu hành với gần triệu người kéo tới khuya, một ngày Washington DC không im lặng.

Vừa nhậm chức đúng 1 ngày Tổng thống còn nhiều việc phải làm. Từ Nhà Trắng ông biết rõ ngoài National Mall gần nhà Quốc hội có Women March (phụ nữ diễu hành) suốt một ngày.

Cũng như nước Mỹ và nhiều thủ đô trên thế giới ngưng đọng để nghe các bà, các cô lên tiếng.

Muốn xem Women March có từ cách đây 1 thế kỷ, tôi đi từ nhà khoảng 6:30 sáng, metro vẫn còn vắng, nhưng khi gần vào trung tâm thì bắt đầu đông dần.

Gặp hai chị cười vui hớn hở trên sân ga Ballston, tôi bắt chuyện. Chị Tracey Daniels từ New Jersey và Michelle Histand từ Pennsylvania cùng thuê phòng gần khu nhà tôi ở cho biết, các chị không dự lễ nhậm chức mà lên đây hai ngày chỉ để tham gia Women March.

Tôi ngạc nhiên sao đi xa thế. Ôi, có vài bạn đi từ Alaska tới ạ. Ra quảng trường sẽ có tất cả các tiểu bang, kể cả Hawaii và từ nhiều nước trên thế giới. Mà anh từ đâu đến. Việt Nam hả, vui quá.

Từ Washington DC: Trump và phụ nữ - Ảnh 1.

Tracey Daniels từ New Jersey và Michelle Histand từ Pennsylvania tới Washington để tham gia cuộc tuần hành của phụ nữ. Ảnh: Hiệu Minh

Cô hàng xóm cho thuê Airbnb có khách dự lễ nhậm chức ủng hộ Trump ngày 20-1 rồi ra luôn, tối đó có hai chị vào thay để hôm sau ra quảng trường biểu tình phản đối Tổng thống.

Trông dáng họ vẻ sẵn sàng cho một ngày dài, nước nôi, ba lô nhẹ, mũ áo, biển viết tay.

Tới ga L’Enfant chật cứng người vì chỗ này tiện nhất đến chỗ tập trung ở ngã tư Independence và phố số 3.

Lúc đó mới hơn 7 giờ nhưng trên đường từ nhiều ngả đổ về đã khá đông. Nhiều hướng dẫn viên cách đi tới chỗ tập trung, cảnh sát chỉ đứng đảm bảo an ninh. Nhà vệ sinh dùng cho ngày nhậm chức đã khóa tới phân nửa, người dùng phải xếp hàng dài.

Thật buồn cười, vào Nhà Trắng một ngày, Trump đã phải tranh luận về số người trên Mall và nói rằng báo chí đã dìm hàng vì đưa ra con số thấp hơn.

Ông Sean Spicer, phát ngôn viên mới tinh của Nhà Trắng, ra họp báo lần đầu đã phủ đầu báo chí bằng những con số mà nhiều nhà báo Mỹ cho là nói lấy được và còn dọa truyền thông phải chịu trách nhiệm

Viết bài này tôi phải dùng số liệu của ban quản lý metro. Họ cho biết, có khoảng hơn 1 triệu lượt quẹt vé ngày Women March, gấp đôi số lượng 570.557 lượt vào hôm lễ nhậm chức trước đó một ngày. 1.200 xe bus được phép vào thủ đô DC so với 200 bus vào ngày 20-1. Con số nói lên tất cả.

Đi vòng quanh một hồi chụp ảnh, hỏi han, định ghi tên họ để viết bài, nhưng không xuể. Thôi đành bỏ qua.

Từ Washington DC: Trump và phụ nữ - Ảnh 2.

Người biểu tình tại Washington. Ảnh: Hiệu Minh

Có cái xe bán tải đỗ, đuôi hơi dài bằng thép, một số đứng trên chụp ảnh, tôi tỏ ý muốn lên.

Một bà tươi cười bảo, chắc anh là phóng viên, lên đây đi, lên mà ghi lại giờ phút lịch sử hiếm có của phụ nữ chúng tôi.

Bà đỡ cho tôi cái ba lô nặng có máy ảnh, một bác đội mũ đỏ đứng trên kéo tay tôi lên. Ôi thế là chiếm lĩnh được đỉnh cao rất quan trọng cho tác nghiệp và cảm nhận những gì xảy ra.

Khẩu hiệu đủ loại, từ phản đối Trump đến chống phân biệt chủng tộc, giới tính, người nhập cư. Mỗi người mang theo một thông điệp gửi thế giới, viết nguệch ngoạc có, in có, thậm chí trên bìa các tông vừa nhặt ở thùng rác.

"Love > Hate - Tình yêu lớn hơn hận thù", "Love Trumps Hate - Tình yêu chiến thắng thù hận (đồng thời chơi chữ với tên của tân Tổng thống)", "Women belong to senate and house – Phụ nữ làm thượng nghị sỹ và hạ nghị sĩ"...  một số trong hàng trăm ngàn khẩu hiệu thấy trên biển người.

Đứng từ trên cao như một rừng biểu ngữ đa dạng và đa sắc mầu, rất phụ nữ nhưng không hề yếu đuối trước bất kỳ thế lực nào, không ai giống ai.

Mỗi khi có một phát biểu hay thì tiếng hò reo phía dưới vang lên như sấm, chả khác gì cánh đàn ông xem bóng đá mỗi khi có quả bay vào gôn.

Thấy vui quá, tôi bắt chuyện với người đàn ông luống tuổi bên cạnh. Ông vẻ rất hiền và hỏi tôi từ đâu tới. Việt Nam ạ. Từ bắc hay nam. Bụng bảo dạ, chắc là cựu binh rồi.

Từ Washington DC: Trump và phụ nữ - Ảnh 3.

Gary Kaylor - cựu binh Mỹ từng tham gia chiến tranh Việt Nam. Ảnh: Hiệu Minh

Tôi bảo từ Hà Nội ạ. Bác nhìn tôi từ đầu đến chân vẻ đánh giá người đối thoại. Rồi như chợt nhìn xa vào đám đông, bác bảo bác là cựu binh Việt Nam. Từng tham chiến từ năm 1964 đến 1966 tại cao nguyên miền Trung. Bị pháo nổ và tai điếc phải đeo máy trợ thính.

Bác thở dài, cuộc chiến Việt Nam là sai lầm khủng khiếp của Mỹ. Tôi bắt tay bác rất chặt, rồi còn chụp ảnh chung làm kỷ niệm bởi hai nước nay đã thành bạn bè.

Giá như ngày đó Tổng thống biết nghe lời hàng triệu người phản chiến. Và hôm nay không hiểu Trump có biết nghe những người phụ nữ này không để tránh những sai lầm khác.

Tên bác là Gary Kaylor, gần 80 tuổi mà đi từ sáng sớm để ủng hộ cuộc tuần hành, thấy vui vì được chứng kiến sự kiện như thế này. Hiện bác làm việc cho VMI – Virginia Military Institute – Viện Quân sự Virginia.

Ra khỏi khu lễ đài, dọc theo phố Independence về phía nhà Quốc hội, hàng chục ngàn người đang đổ về. Từ cụ già đến các bà các cô, các cháu đi theo bố mẹ. Các ông đi theo các bà, có anh cho người yêu ngồi trên vai để tự sướng.

Đang dùng tripod để chụp ảnh thì cảnh sát nhà Quốc hội ra nhắc nhở rất nghiêm túc, không được dùng ở đây. Thế là dùng tay đỡ cái máy đã nặng trĩu cùng ba lô sau lưng.

Sáng đi vội chỉ cầm theo cái bánh croissant nhỏ, nửa chai nước cho đỡ nặng và bớt đi vệ sinh. Bấy giờ thấm mệt.

Thấy các hướng đổ về đông quá, tôi hơi hoảng, không biết bao giờ ra khỏi đây. Các ga tầu điện ngầm xung quanh đóng cửa hết. Ga Farragut West gần nhất cũng cách đó cỡ 2km.

Lang thang đến phố số 7 cắt ngang Mall mới thật khủng khiếp, có cảm giác như sân vận động hàng trăm ngàn người vừa kết thúc trận đấu, nhưng mầu sắc và tiếng hò reo thì khác hẳn. Hát, reo, đủ kiểu biểu cảm về thông điệp định gửi.

Từ Washington DC: Trump và phụ nữ - Ảnh 4.

Khoảng 10h30 sáng 21/1, hàng nghìn người đã đổ xuống phố số 7 để tới Quảng trường National Mall. Ảnh: WaPo

Thấy một đống rào thép cao cỡ mét rưỡi có một số người đứng trên, tôi cố trèo lên, chân trượt mấy lần do mưa trơn.

Hai anh chị kéo tôi lên, một người đưa giúp ba lô, người khác đưa máy ảnh. Lại chiếm được đỉnh cao, một hướng nhìn về đồi Capitol, hướng kia là Tháp bút chì Washington.

Chụp ảnh, quay phim, rồi ngắm đoàn người khổng lồ không chán. Ngó đồng hồ đã 11 giờ trưa, mệt lả vì đói, tôi lê bước dọc theo đường Pennsylvania về phía Nhà Trắng, vừa đi vừa chụp ảnh những gì xảy ra bên đường.

Từ Washington DC: Trump và phụ nữ - Ảnh 5.

Người biểu tình chụp ảnh kỷ niệm trước khách sạn của Trump. Ảnh: Hiệu Minh

Tới khách sạn Trump bị quây rào sắt kiên cố, nhiều người đứng lại chụp ảnh kỷ niệm với những câu khẩu hiệu chống chủ hotel.

"My mind, love. My body, love. My choice, love – Ý nghĩ của tôi – tình yêu. Thân thể tôi – tình yêu. Lựa chọn của tôi - tình yêu", phản đối những gì Trump từng nói về phụ nữ.

"Women Right - Human Right. Quyền phụ nữ là nhân quyền", một câu khác.

Lang thang mãi về tới Nhà Trắng xung quanh rào sắt im lìm. Lát nữa thôi, đoàn người sẽ đi qua đây và hô vang những câu khẩu hiệu phản đối chủ mới của Nhà Trắng.

Lên tầu điện hỏi một chị đi biểu tình có vui không? Chị bảo, bây giờ mới đi. Hóa ra mệt quá mình nhầm hướng tầu đi về trung tâm.

Cuộc diễu hành với gần triệu người kéo tới khuya, một ngày Washington DC không im lặng.

Đôi lời về phái đẹp

Theo thống kê của UN và WB, trên thế giới cứ khoảng 100 nam giới thất học thì có tới 122 phụ nữ không học hành gì. Ở một số quốc gia, tỷ lệ này khác biệt khá lớn. Ví dụ, ở Yemen, cứ 100 bé trai không tới trường thì có 270 bé gái không học hành, con số này ở Iraq là 316, và khủng khiếp hơn là Ấn Độ có tới 426 bé gái như thế. Sự phân biệt nam nữ trong giáo dục vẫn còn dai dẳng.

Giả sử có một trai, một gái, nhưng tiền chỉ đủ cho một đứa đi học, dân châu Á thường sẽ chọn luôn đứa con trai để đứa chống gậy có…bằng cấp.

Người thông minh sẽ xét đứa nào có khả năng cứu sống gia đình để chọn gửi đi học.

Hai con giỏi ngang nhau, nên chọn ai đây? Vì tương lai của đất nước, của dòng tộc, nếu phải chọn một, nên đầu tư cho con gái đi học, trừ phi bạn muốn người đội nùn rơm có bằng…Tiến sỹ.

Vì sao? Đàn bà sẽ đẻ ra… nhân loại, từ tổng thống, bộ trưởng, dân thường đến người hành khất. 

Người ta đã thống kê, phụ nữ được học hành thì vai trò sẽ tăng lên trong gia đình, xã hội, kể cả các vị trí lãnh đạo quan trọng.

Phụ nữ có học vấn nuôi con theo khoa học, biết cách dậy dỗ, cho ăn uống, dùng thuốc với tầm hiểu biết.

Từ Washington DC: Trump và phụ nữ - Ảnh 6.

Người ta đã đúc kết, gia tài của người đàn ông có ba thứ quan trọng. Đó là cô vợ hiền và đảm, cô con gái xinh và thông minh, và một…tủ sách.

Người vợ có học để ý đến tủ sách của chồng, dậy được con thông minh và thành đạt. 

Sự học hành làm nên thương hiệu của người phụ nữ hiền và đảm.

Tủ sách giúp cho tri thức của bạn, gia đình bạn và xa hơn nữa là tri thức của nhân loại.

Đi trong Women March nhớ đến một bài báo tôi đã từng viết. Sức mạnh của phụ nữ tiềm ẩn trong sự dịu dàng, nhưng nổi cơn thịnh nộ, thì Quốc hội quyền lực nhất thế giới cũng phải sợ.

Nếu Trump và nước Mỹ không giải quyết rốt ráo những vấn đề về giới tính, phân biệt chủng tộc..., thì nửa thế giới kia sẽ còn lên tiếng.

Từ Washington DC: Trump và phụ nữ - Ảnh 7.

"Tương lai là nữ giới", một trong những tấm biểu ngữ xuất hiện trong cuộc tuần hành tại Washington. Ảnh: Hiệu Minh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại