Từ vụ nam sinh bị đánh chết não: Buồn thay khi chuyện bé bị xé ra to và tư duy "dung túng bạo lực" của nhiều người lớn

ĐÔNG X THIÊN AN - DESIGN: HỒNG TRƯỜNG |

Theo chuyên gia, phụ huynh phải có những cách giải quyết thỏa đáng, không để xích mích nhỏ trở thành mâu thuẫn lớn.

Mới đây, thông tin nam sinh lớp 8 bị đánh chết não nhận được sự quan tâm của dân tình. Vụ việc xảy ra vào chiều 17/3, khi nam sinh Đ. đang chơi bóng rổ tại sân đình Lệ Mật (phường Việt Hưng, quận Long Biên). Tại đây, Đ. mâu thuẫn với nam sinh K. (12 tuổi, học sinh lớp 6). Sau đó, K. về nhà gọi anh ruột là M. (học lớp 10) và bố là T. chở nhau bằng xe máy đến sân đình, rồi K. và anh trai K. lao vào đánh Đ. khiến thiếu niên này bất tỉnh tại chỗ.

Nạn nhân sau đó được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang rồi chuyển lên Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và trải qua 2 lần phẫu thuật nhưng tiên lượng xấu. Hiện, Đ. được gia đình cho rời từ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 về Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ. Gia đình cũng đã xác định sẽ mất con.

Từ vụ nam sinh bị đánh chết não: Buồn thay khi chuyện bé bị xé ra to và tư duy

Từ vụ nam sinh bị đánh chết não: Buồn thay khi chuyện bé bị xé ra to và tư duy

Hiện gia đình em Đ. cũng đã xác định sẽ mất con

Khi “chuyện bé” bị “xé ra to” và cái kết thương tâm

Có thể thấy, vụ việc trên bắt nguồn từ một xích mích rất nhỏ giữa những đứa trẻ trên sân bóng rổ nhưng lại gây ra hậu quả lại vô cùng nghiêm trọng. Trên thực tế, câu chuyện thương tâm kể trên chỉ là một trong rất nhiều những sự việc mang tính chất tương tự: chuyện bé - cách giải quyết sai - hậu quả to.

Theo Thạc sĩ tâm lý học lâm sàng Lê Thế Hanh đến từ Viện Tâm lý - Giáo dục BrainCare (Hà Nội), có 2 vùng não bộ quan trọng tác động lên cảm xúc của con người là Hạch hạnh nhân và Thùy trước trán. Trong đó, Hạch hạnh nhân là nơi lưu trữ các cảm xúc và phản hồi cảm xúc mang tính bản năng còn Thùy trước trán được xem như là một nơi xử lý thông tin điều gì phù hợp và không phù hợp để giải quyết vấn đề.

“Khi bước vào tuổi dậy thì, cơ thể của trẻ phát triển sức khỏe thể chất nhưng một số em chưa đồng bộ phát triển năng lực phân tích tốt của Thùy trước trán dẫn đến việc trẻ có cảm xúc bốc đồng. Khi có một mâu thuẫn nào đó trên trường lớp hoặc gia đình các bạn học sinh cấp 2, cấp 3 đã có thể sử dụng những hung khí tấn công người khác mà chưa có sự kiểm soát tốt hành vi sẽ gây ra những hậu quả vô cùng lớn và thương tâm. Điều này cũng là để lý giải vì sao có một tỉ lệ đáng kể trẻ vị thành niên phạm tội trong xã hội”, Thạc sĩ Lê Thế Hạnh nói.

Từ vụ nam sinh bị đánh chết não: Buồn thay khi chuyện bé bị xé ra to và tư duy

Thạc sĩ tâm lý học lâm sàng Lê Thế Hanh

Đó là lý giải về gợn sóng giận dữ bên trong những đứa trẻ còn chưa phát triển đầy đủ về cả nhận thức lẫn thể chất. Một cái “nhìn đểu”, một câu nói không vừa ý, một lời khích bác… tất cả đều có thể châm ngòi cho mâu thuẫn to hơn.

Tuy nhiên, trong sự việc này, người ta còn đặt câu hỏi về vai trò của người bố - theo thông tin, người này sau khi biết sự việc đã chở 2 anh em ra sân đình để xem ai đánh. Khi đến khu vực đình Lệ Mật, người bố bảo hai con đi vào sân đình gặp ông nội đang có mặt ở đấy, còn anh thì quay xe định ra về. Lúc này, người bố thấy con trai lớn chạy vào đấm làm nam sinh Đ. ngã ra đất mới vào can ngăn rồi chở hai con về nhà.

Việc người bố có mặt ở hiện trường và biết chuyện mâu thuẫn của con nhưng vẫn để con tự giải quyết bằng bạo lực, thay vì đưa ra lời khuyên can thỏa đáng ngay từ đầu khiến nhiều người bức xúc. Đáng lẽ với mâu thuẫn nhỏ nhặt của trẻ con như thế, là người lớn, người bố có mặt ở đó - họ nên làm gì để ngăn chặn bạo lực?

" Văn hóa gia đình là nơi nuôi dưỡng các nét nhân cách của trẻ. Phản ứng của phụ huynh sẽ được trẻ học tập qua bắt chước, vậy nên tâm lý của phụ huynh trong tình huống này cần được đánh giá và có sự cảnh tỉnh đúng với mức độ nghiêm trọng của hành vi ”, Thạc sĩ Lê Thế Hanh nói.

Nên làm gì khi con có mâu thuẫn với bạn bè?

Trong trường hợp này, phụ huynh hoàn toàn có những cách giải quyết khác “thỏa đáng” để thuận cả đôi đường, để chuyện bé không xé ra thành chuyện to, để những xích mích con trẻ của không hóa thành kết cục thương đau.

Thạc sĩ Lê Thế Hanh chỉ ra ba bước phụ huynh cần thực hiện khi phát hiện con có mâu thuẫn với bạn bè:

Thứ nhất, phụ huynh cần nói chuyện và lắng nghe con của mình để nhận biết xem nguyên nhân dẫn đến xung đột của con và bạn, tìm ra cảm xúc của con trong tình huống là gì. Phụ huynh cần tôn trọng và chấp nhận các cảm xúc cũng như suy nghĩ của trẻ để trẻ có cảm giác mình có một điểm tựa tinh thần, luôn có người lắng nghe trẻ.

Thứ hai, phụ huynh cần phân tích cho trẻ tình huống xung đột của trẻ. Tại thời điểm trẻ chưa có khả năng phân định đúng sai, điều gì phù hợp và chưa phù hợp trong cuộc sống thì khoảng thời gian nói chuyện với bố mẹ chính là lúc trẻ học được năng lực phân định tốt xấu.

Thứ ba, phụ huynh cần truyền tải cho trẻ 3 phản ứng phù hợp với bắt nạt và bạo lực là:

(1) Phớt lờ khi đối phương chỉ đang có ý định chọc tức để con nổi khùng lên;

(2) Đáp trả với hành vi bắt nạt của bạn bè thông qua các câu nói: “Tớ không muốn xung đột với cậu”/ “Tớ không chấp nhận hành vi của cậu”/ “Tớ yêu cầu cậu chấm dứt hành động của cậu lại”… Khi trẻ đáp trả thẳn thắng sẽ khiến đối phương thấy rằng con không dễ bắt nạt và dừng lại hành vi;

(3) Tố giác ngay với người lớn mà con tin tưởng nếu sự an toàn về mặt tinh thần và thể chất của con đang bị đe dọa, con cần lên tiếng nếu như có cảm giác mình đang rơi vào hố đen tuyệt vọng, không có lối thoát. Người lớn có thể giúp con.

Từ vụ nam sinh bị đánh chết não: Buồn thay khi chuyện bé bị xé ra to và tư duy

Ảnh minh họa

Thứ tư, phụ huynh cũng sẽ có lúc bối rối với vấn đề của con trên trường và ở bên ngoài xã hội vậy nên phụ huynh cần được tư vấn bởi các nhà làm giáo dục, chuyên gia tâm lý học, người làm công tác xã hội… phụ huynh cần chủ động tìm kiếm giải pháp và lời khuyên từ những người có chuyên môn về chủ đề bắt nạt và bạo lực này.

Dẫu biết rằng khi nghe con gặp mâu thuẫn với bạn bè, phụ huynh sẽ không khỏi lo lắng. Nhưng nếu để sự lo lắng chính đáng hóa thành “giận quá mất khôn” trong một vài phút đánh mất lý trí thì phụ huynh sẽ khiến mọi chuyện vượt ngoài tầm kiểm soát. Tóm lại, thay vì nóng giận, khi biết con có mâu thuẫn với bạn bè, phụ huynh phải thật bình tĩnh để lắng nghe con phân trần mọi chuyện, rồi tìm hiểu xem nguyên nhân tại sao lại dẫn đến xích mích.

Như một vòng lặp vô tận, cách hành xử của cha mẹ sẽ tác động đến tư duy và hành vi của con cái. Cha mẹ nóng giận con cái lớn lên sẽ không thể bình tĩnh, cha mẹ hay mắng chửi con cái lớn lên sẽ thật khô khan. Khi con mâu thuẫn với bạn, cha mẹ phải là người bình tĩnh nhất để trở thành “người phán xử” công bằng nhất, chứ không phải sồn sồn lên: Ai dám động vào con của tôi?

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại