Từ vụ "Lò đào tạo tiến sĩ": Coi chừng “dột từ nóc”

HUYÊN NGUYỄN |

Dường như lời giải thích về tốc độ “sản xuất” một tiến sĩ (TS) chỉ hơn 1 ngày của Học viện Khoa học Xã hội (học viện) chưa khiến lòng dân thoả đáng thì mới đây, các bản tóm tắt tiếng Anh luận án TS được công bố trên webiste học viện này khiến cho dân tình một lần nữa lại “mắt chữ o, miệng chữ a”. Dư luận tiếp tục đặt ra vấn đề về chất lượng đào tạo TS hiện nay.

“Gần 100% là cán bộ đi học”

Mới đây, khi bàn về đầu ra của các TS đào tạo tại học viện được gắn với mác “lò đào tạo TS”, GS Võ Khánh Vinh - Giám đốc Học viện Khoa học Xã hội - cho rằng: “Không nên lo đến đầu ra vì các nghiên cứu sinh (NCS) gần như 100% là cán bộ đi học.

Lúc đó, họ đã giữ vị trí nhất định trong các nhà trường, cơ sở. Họ đi học là để nâng cao chất lượng, tầm nhìn”.

Theo ông Vinh, trong số 784 TS bảo vệ 3 năm qua, số người làm công tác nghiên cứu trong viện hàn lâm chiếm 10%; giảng viên ở các trường chiếm tỉ trọng lớn; còn lại là cán bộ làm công tác hoạch định tư vấn chính sách cấp bộ, ngành; cán bộ khu vực 3T (Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ) được gửi đi học.

Số người làm việc tự do, ngoài các cơ quan đi học TS rất ít. Điều này khiến nhiều người đặt ra vấn đề về chất lượng đào tạo khi dường như nhu cầu làm NCS đang trở thành lẽ thường tình như đi học đại học. Có cầu ắt có cung.

Trước lo ngại về chất lượng của TS sẽ bị sụt giảm khi đào tạo quá nhiều như thế, ông Vinh cho hay: “Hiện nay số lượng TS thiếu hụt rất nhiều. Không phải ngẫu nhiên hiện nay các trường tăng cường đào tạo và cử cán bộ đi học”.

Tại hội nghị giáo dục đại học năm 2013, nguyên Bộ trưởng Bộ GDĐT Phạm Vũ Luận từng bày tỏ lo lắng tốc độ tăng trưởng quy mô đào tạo TS, ThS: “Nếu như ở Mỹ, TS chỉ làm việc trong các viện nghiên cứu, trường học.

Còn ở Việt Nam đang có xu hướng phổ cập TS, ThS”. Theo báo cáo của Bộ GDĐT, năm học 2014 - 2015, tổng quy mô đào tạo TS lên tới 10.352 NCS.

Với số lượng nhiều NCS như vậy, tiếp tục đặt ra bài toán quá tải trong phân công người hướng dẫn. Nước ta hiện chưa quản lý được số lượng NCS thực tế mà một GS, PGS hay TS hướng dẫn.

Bất ngờ về trình độ tiếng Anh

TS Trần Vinh Dự bảo vệ thành công luận án TS năm 2007 tại Đại học Texas ở Austin (University of Texas at Austin) nhận xét về bản tóm tắt bằng tiếng Anh đề tài “Đặc điểm giao tiếp với dân của chủ tịch xã bằng tiếng Anh” đang gây xôn xao dư luận: “Tôi không thấy được luận án nghiên cứu và kết luận điều gì.

Tuy nhiên, một điều dễ nhận ra là tiếng Anh quá dở. Dở không thể chấp nhận được! Dở tệ hại! Dở đến nỗi có khi còn thua cả google translate” - TS Dự nhấn mạnh.

Ông Dự cho rằng, TS là những người nghiên cứu, nhưng nếu không biết tiếng Anh, tài liệu nước ngoài không đọc, chỉ loanh quanh tài liệu tiếng Việt sẽ không thể tiến bộ.

Theo ông Dự, đào tạo TS bên Mỹ có độ dài hơn 5 năm. Học 2 năm đầu, thường sẽ có khoảng một nửa số NCS bị đánh trượt.

Đến khi tốt nghiệp cũng rớt lại gần một nửa nữa vì nghiên cứu không đạt chất lượng. TS Trần Vinh Dự nhận định, Việt Nam đang bàn đến chuyện đổi mới giáo dục, nếu coi giáo dục là một ngôi nhà thì đào tạo TS được ví như nóc nhà.

Việc đào tạo dở sẽ dẫn đến tình trạng “dột từ nóc”.

Cần có công bố trên tạp chí quốc tế

TS Kiều Quốc Lập (Trưởng bộ môn Quản lý Tài nguyên, Đại học Khoa học, tốt nghiệp ngành bản đồ học và hệ thống thông tin địa lý tại Đại học Địa chất Trung Quốc) cho hay: “So sánh với Trung Quốc, nền giáo dục của họ cũng gần với Việt Nam nhưng họ áp dụng chất lượng đầu ra khá cao, điều này chúng ta cần học hỏi.

Đơn giản nhất là việc sao chép tài liệu từ luận án này sang luận án kia hầu như là không có. Họ có những phần mềm để quản lý.

Đặc biệt, mỗi tháng có 1 phản biện giống như phản biện kín ở nước ta nhưng lại được đưa công khai trên mạng cho mọi người bình luận”.

Ngoài các yêu cầu về chứng chỉ tiếng Anh, TS Lập cho rằng bắt buộc NCS cần có công bố quốc tế SCI, SCIE, SSCI và AHCI... hoặc ít nhất là ở hội thảo quốc tế.

Hiện nay, Việt Nam mới chỉ dừng lại tiêu chuẩn công bố luận án trong nước. Việc này lâu dần dẫn đến tình trạng không theo kịp các chuẩn mực thế giới.

Tuy nhiên, ông Lập cho biết, về công bố quốc tế cũng không thể yêu cầu cao đối với lĩnh vực khoa học xã hội.

Việc công bố quốc tế lĩnh vực này khó hơn lĩnh vực khoa học tự nhiên do nhiều yếu tố, nhưng không vì thế mà bỏ qua, ít nhất nên tìm ra một quy định nào đó mà xã hội cảm thấy chấp nhận được, ví dụ là công bố ở tạp chí đúng chuyên ngành, hoặc có những sản phẩm, đặc biệt là tên đề tài xứng tầm luận án TS.

“Hiện nay, nhiều luận án TS khi đọc lên cảm giác chỉ tương xứng với luận án tốt nghiệp của một sinh viên” - TS Kiều Quốc Lập nhìn nhận.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại