Giữa tháng 5/2020, một gia đình doanh nhân gồm vợ, chồng và đứa con nhỏ di chuyển ôtô trên cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây thì bất ngờ xảy ra va chạm với một ôtô khác chạy cùng chiều.
Sau va chạm giao thông, vợ chồng này xuống xe giải quyết thì bất ngờ bị các đối tượng ập đến khống chế đưa đến một nơi heo lánh rồi giam cầm suốt 2 tiếng đồng hồ.
Chúng rút súng ngắn kề vào đầu người chồng, dọa chích kim tiêm dính máu HIV vào người vợ và đứa con ép phải cung cấp tên đăng nhập, mật khẩu để truy cập vào ví điện tử, từ đó chuyển tiền qua tài khoản của chúng.
_________________
Sau khi thực hiện vụ cướp táo tợn, nhóm đối tượng thả các nạn nhân tại 1 khu vực vắng vẻ ở quận 2 rồi tẩu thoát. Thoát nạn, gia đình nạn nhân trình báo số tiền mà nhóm đối tượng chiếm đoạt từ ví điện tử quy đổi ra tiền Việt Nam khoảng 35 tỷ đồng.
Đó là những thông tin đang được đăng tải trên các mặt báo về một vụ cướp táo tợn với giá trị tài sản rất lớn. Nhưng vẫn đề ở chỗ, 35 tỷ đồng ấy là khoản quy đổi thành tiền mặt từ những token nằm trong ví điện tử.
Ở Việt Nam, tiền điện tử chưa được pháp luật công nhận, vì thế những kẻ cướp bị truy lùng vì hành vi bắt cóc có vũ khí. Và từ đây, mở ra một câu chuyện khác về những kẻ luồn lách giữa các kẽ hở của luật pháp đề lừa gạt hàng nghìn, thậm chí là hàng chục nghìn người.
Theo thông tin của Ngày Nay, nạn nhân và một vài nghi can trong vụ cướp chấn động dư luận kể trên có quen biết nhau từ trước và có mâu thuẫn trong quá trình làm ăn chung.
Một số nghi can trong vụ cướp trên cao tốc Long Thành - Dầu Giây đã từng có giao dịch với ông Lê Đức Nguyên (nạn nhân của vụ cướp) qua các sàn giao dịch tiền điện tử do ông Nguyên kêu gọi đầu tư.
Sau khi đầu tư, thua lỗ và cho rằng đã bị ông Lê Đức Nguyên lừa, nên nhóm này đã tổ chức giám sát, theo dõi và dựng ra hiện trường va quẹt trên cao tốc Long Thành - Dầu Giây để ép ông Nguyên trả lại tiền cho mình.
Theo gia đình các nghi can, số tiền giao dịch giữa ông Nguyên và 1 nghi can được cho là khoảng 10 tỷ đồng nhưng sau khi khống chế được ông Nguyên, nhóm này đã ép chuyển sang ví điện tử số tiền trị giá khoảng 35 tỷ đồng.
Lần lại các hoạt động của ông Lê Đức Nguyên, thì phát hiện ra ông Nguyên từng có nhiều buổi thuyết trình về mô hình kinh doanh đa cấp Bitkingdom cho Công ty Cổ phần Modern Tech. Có lượng khán giả rất lớn, tổng cộng tới hàng chục nghìn lượt người.
Tìm kiếm từ khoá “Lê Đức Nguyên + Bitkingdom”, Youtube hiển thị rất nhiều video clip các buổi thuyết trình của ông Nguyên, về Bitkingdom, về đầu tư kinh doanh đa cấp thông qua token (1) sử dụng đồng tiền điện tử thông dụng nhất thế giới là Bitcoin.
Những thành viên từng tham gia đầu tư vào Bitkingdom trao cho phóng viên Ngày Nay những slide tài liệu giới thiệu về mô hình kinh doanh đa cấp này.
Theo đó, Bitkingdom ra đời tháng 10 năm 2015 tại Malaysia, nhanh chóng lan đến Singapore, Việt Nam, Trung Quốc, Phillippin chỉ trong vòng 1 năm. Những tài liệu quảng cáo nhận định, đến tháng 10/2020, Bitkingdom sẽ có mặt tại 100 quốc gia trên toàn thế giới với số người tham gia trên 100 triệu.
Với lợi nhuận 1%/ ngày, 30%/ tháng, chỉ cần đầu tư 10 triệu đồng thì sau 3 năm rưỡi sẽ có hơn 1 triệu đô la. Đó là bài toán mà Bitkingdom vẽ ra, được truyền bá bởi những “chuyên gia kinh tế” như ông Lê Đức Nguyên.
Ở Việt Nam, mô hình Bitkingdom được vận hành và “sáng tạo” thêm bởi một công ty có tên Công ty Cổ phần Modern Tech, có trụ sở tại lầu 9, toà nhà Vietcomreal, 68 Nguyễn Huệ (quận 1, TP HCM).
Công ty này được thành lập ngày 31/10/2017 và tuyên bố đóng cửa ngày 7/3/2018, tức chỉ hoạt động hơn 4 tháng. Modern Tech có vốn điều lệ 100 tỷ đồng, do ông Hồ Xuân Văn là Tổng giám đốc.
Dù là CEO kiêm người đại diện pháp luật của Modern Tech nhưng Hồ Xuân Văn chỉ nắm 13% cổ phần của công ty này, tương ứng góp vốn 13 tỷ đồng. Theo giấy đăng ký kinh doanh lần đầu của Modern Tech, ngoài Hồ Xuân Văn là lãnh đạo trẻ 8X thì loạt các cổ đông khác cũng có tuổi đời rất trẻ.
Cụ thể, ông Vũ Hữu Lợi sinh năm 1979, nắm 15% vốn điều lệ công ty, tương ứng 15 tỷ đồng. Ông Hồ Phú Ty nắm 12%, tương ứng 12 tỷ đồng. Ông Lưu Trọng Tuấn sinh năm 1985 nắm 12% vốn, tương ứng 12 tỷ đồng.
Ông Huỳnh Quốc Huy sinh năm 1985 cũng nắm 12% vốn, tương ứng 12 tỷ đồng. Bùi Ngọc Mỹ là cổ đông nữ duy nhất, sinh năm 1985, nắm 12% vốn, tương ứng 12 tỷ đồng. Nguyễn Trung Hiếu, sinh năm 1982, nắm giữ 12% tương ứng 12 tỷ đồng. Nguyễn Đức Trọng, sinh năm 1986, sở hữu 12% vốn, tương ứng 12 tỷ đồng.
Học hỏi mô hình Bitkingdom, các “nhà sáng lập” của Modern Tech đã xây dựng nên dự án iFan được cho là đã khiến 32.000 người sập bẫy với số tiền lên tới 15.000 tỷ đồng theo lời các nạn nhân tố cáo.
Đẳng cấp “chém gió” vượt hẳn Bitkingdom, iFan yêu cầu nhà đầu tư phải mua lượng token (tương tự như cổ phiếu, nhưng ở dạng chuỗi mã kỹ thuật số), số lượng tối thiểu 1.000 USD, cam kết lãi suất lên tới 48%/tháng, tương ứng với mức lãi siêu khủng là 576%/năm.
Đó là chưa kể việc lôi kéo được người mới tham gia còn được trích 8% giá trị vốn góp của người đó.
Giải thích một cách ngắn gọn và dễ hiểu về cung cách đầu tư này: Các “nhà đầu tư” sau khi nộp tiền cho ban quản trị, thì tiền sẽ sử dụng để mua đồng Bitcoin (2).
Mặc dù được cấp token chứng nhận quyền đồng sở hữu số Bitcoin đã mua, nhưng các “nhà đầu tư” chỉ được chia lợi nhuận khi mở rộng được mạng lưới người mua thứ cấp. Bản chất việc này không khác gì chơi hụi, lấy tiền của người đóng sau chia lãi cho người đóng trước, và người càng ở cấp trên cao càng được chia lợi nhuận nhiều.
Sau 4 tháng hoạt động, Modern Tech giải tán không kèn trống, nhưng đã kịp lôi kéo 32.000 “nhà đầu tư” ham lợi nhuận cao và dễ dàng.
Trước sự hoành hành của các công ty hoạt động theo mô hình kinh doanh tiền ảo đa cấp với dấu hiệu lừa đảo, tháng 11/2017, đại diện Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an phải đưa ra khuyến cáo, theo các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành về tiền tệ và ngân hàng thì không được phép sử dụng Bitcoin hay các loại tiền ảo khác như một loại tiền tệ.
Đồng thời, việc sở hữu, mua bán, sử dụng tiền ảo tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người dân; cũng tiềm ẩn nguy cơ về các loại tội phạm như lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, tội phạm rửa tiền...
Do vậy, lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát khuyến cáo các tổ chức, cá nhân không nên đầu tư, nắm giữ, thực hiện các giao dịch liên quan đến Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác. Đồng thời, lực lượng cảnh sát sẽ tăng cường tuyên truyền; đấu tranh, xử lý nghiêm minh với các loại tội phạm liên quan đến giao dịch tiền ảo.
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, cơ quan Công an xác định tất cả các hệ thống máy chủ có thể cung cấp mã điện tử nằm ngoài lãnh thổ Việt Nam, vì thế chỉ xử lý được những người xác định được tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản, hoặc vi phạm quy định sử dụng mạng máy tính.
Quá trình đấu tranh, Công an đã bắt giữ, xử lý nhiều đối tượng "chân rết" tại Việt Nam nhưng chính họ cũng là nạn nhân của việc lừa đảo tiền ảo Bitcoin.
Thế nhưng, chiếc “bánh vẽ” siêu lợi nhuận vẫn khiến hàng vạn người mờ mắt, lao vào đầu tư cho những mô hình tương tự như Bitkingdom hay Modern Tech.
Mới đây nhất, chiều 22/4, Bộ Công an ra thông báo đề nghị những người đã mua tiền kỹ thuật số (tiền ảo) Vncoin của Nguyễn Hữu Tiến (Chủ tịch HĐQT CTCP Octmax) cung cấp thông tin, tài liệu, hợp tác điều tra.
Quá trình điều tra xác định, tháng 8/2016, Nguyễn Hữu Tiến thành lập Công ty cổ phần OTCMAX nhằm huy động vốn của các nhà đầu tư tham gia góp tiền theo mô hình kinh doanh kiểu đa cấp. Tiến và các đồng phạm tạo lập các trang web “thienrongviet.com”, “otcmax.vn”, “vncoins.vn”.
Các trang này quảng bá hình ảnh, in ấn các tạp chí, ấn phẩm; tổ chức nhiều buổi hội thảo, hội nghị khách hàng, đưa ra các thông tin không đúng sự thật về các dự án đầu tư; hứa hẹn trả lãi suất cao, hoa hồng hấp dẫn, tạo dựng lòng tin, huy động nhà đầu tư góp vốn theo hình thức đa cấp.
Thực chất là lấy tiền nộp vào công ty của các nhà đầu tư sau để trả một phần gốc và lãi cho các nhà đầu tư trước trong thời gian ngắn ban đầu, sau đó không trả lãi và hoa hồng nữa, chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư...
Nguyễn Hữu Tiến và các đồng phạm đã lôi kéo được 10.126 nhà đầu tư tham gia, với tổng số tiền đầu tư hơn 460 tỷ đồng.
___________
(1) Token là chữ ký số hay chữ ký điện tử được mã hóa thành những con số trên thiết bị chuyên biệt. Mã Token là mã sử dụng được một lần và tạo ngẫu nhiên cho mỗi giao dịch. Token thường được các doanh nghiệp áp dụng cho những giao dịch thông thường và đặc biệt là giao dịch online. Mã Token còn có thể xem như chữ ký cá nhân.
Có 2 dạng Token gồm Hard Token: Là một thiết bị nhỏ gọn như chiếc USB có thể mang đi mọi nơi. Mỗi khi giao dịch, cần mở thiết bị này để lấy mã. Soft Token: Là một phần mềm được cài đặt trên máy tính hoặc điện thoại/máy tính bảng và phần mềm này cũng cung cấp mã Token khi giao dịch.
(2) Bitcoin là một loại tiền tệ kỹ thuật số được phát hành dưới dạng phần mềm mã nguồn mở. Bitcoin được phát hành năm 2009 bởi một nhân vật bí ẩn có biệt danh Satoshi Nakamoto. Đồng tiền ảo này có thể được trao đổi trực tiếp bằng thiết bị kết nối Internet mà không cần thông qua một tổ chức tài chính trung gian nào.