Chợt có 2 thanh niên, trong đó một người xách chiếc ba lô từ trong bến xe đi ra tiến lại phía anh Vượng: “Anh cho chúng tôi ra ngã ba đường Giải Phóng”. Anh Vượng mừng rơn nổ máy.
Chẳng mấy chốc, chiếc xe chở 2 vị khách đã đến khu vực ngã ba, nơi giao nhau giữa đường Giải Phóng và Quốc lộ 10. Khách xuống xe song dáng vẻ khá tần ngần: “Giờ này chẳng còn chiếc xe khách nào chạy về Gôi nữa…
Hay anh cho chúng tôi đi tiếp về Gôi, trời tối mất rồi”. Chần chừ giây lát rồi anh Vượng cũng đồng ý.
Chạy đến Gôi, anh Vượng dừng lại, hỏi tiền khách để quay xe trở về nhưng 2 vị khách tiếp tục nài nỉ: “Nhà chúng tôi chỉ còn cách đây vài cây số nữa thôi. Anh chở tiếp chúng tôi vào Yên Lương. Chúng tôi trả thêm tiền”.
Liếc nhìn chiếc đồng hồ đeo tay, anh Vượng thấy đã 21h. Đêm cuối năm, trời rất tối. Thoáng chút lo ngại nhưng rồi anh Vượng gật đầu chở tiếp họ đi.
Từ Gôi đi vào, đường khá vắng. Làng xóm, dân cư thưa thớt. Đang đi trên đường, chợt một trong hai vị khách kêu lên: “Thôi chết, rơi mất dép rồi”. Nghe tiếng kêu của khách, anh Vượng vội đạp phanh. Người khách phía sau vùng nhảy xuống.
Vốn là người có ý thức cảnh giác, anh Vượng kín đáo tắt chìa khóa điện đồng thời dùng chân gạt luôn công tắc phụ do anh tự thiết kế dùng để chống cướp ở phía đuôi chân chống. Động tác ấy, anh làm rất nhanh nên 2 vị khách không hề hay biết.
Đúng lúc ấy, chiếc mũ bảo hiểm trên đầu anh Vượng bất ngờ bị giáng một đón khá mạnh, cụp xuống. Bị tấn công bất ngờ, khi anh Vượng chưa kịp hiểu ra chuyện gì thì một đòn khác giáng tiếp khiến anh choáng váng, gục xuống.
Thấy anh Vượng choáng ngất, 2 tên cướp lục soát người anh cướp đi chiếc ví bên trong có giấy tờ xe máy, thẻ thương binh, giấy phép lái xe, giấy chứng nhận mất sức lao động… cùng chiếc đồng hồ Seiko quarzt anh đang mang trên cổ tay.
Một trong 2 tên chụp chiếc mũ bảo hiểm của anh Vượng lên đầu rồi bật khóa điện, đạp cần khởi động nhưng đạp mãi xe vẫn không nổ.
Hè nhau, 2 tên đẩy xe để nổ máy nhưng cả hai vã hết mồ hôi vẫn không được. Đúng lúc ấy, anh Vượng tỉnh lại.
Rất nhanh, anh vùng chạy ngược về hướng có khu dân cư phía trước, hô hoán: “Cướp, cướp…”. Giữa đêm hôm khuya khoắt, bà con quanh khu vực nghe tiếng kêu cứu thất thanh vội đổ xô chạy ra.
Thấy thế, 2 tên cướp hoảng sợ vứt lại chiếc xe máy vội tẩu thoát… Còn nạn nhân, ngay sau đó được bà con đưa đến bệnh viện Ý Yên cấp cứu.
Nhận tin vụ cướp xe ôm không thành xảy ra ở khu vực xã Yên Lương, huyện Ý Yên, Nam Định, Thiếu tá Trần Xuân Du, Phó trưởng Phòng CSĐT - Công an tỉnh Nam Định cùng các điều tra viên có mặt ngay tại hiện trường.
Khu vực xảy ra vụ án chỉ cách trụ sở UBND xã Yên Lương chừng 1km. Đây là khu vực rất vắng, hai bên là ruộng lúa.
Chiếc xe máy Honda 80-70 màu ốc bươu, BKS: 18-0273-S1 còn nằm đổ ngang trên đường. Mở rộng hiện trường, các điều tra viên thu được chiếc mũ bảo hiểm của anh Vượng bị bọn cướp vứt cách đó khoảng 30m.
Trên một bờ ruộng, cách hiện trường khoảng 100m, các ĐTV còn thu được một đôi côn gỗ. Tuy dính bùn đất nhưng cả mũ bảo hiểm và côn gỗ đều có nhiều dấu vân tay chồng chéo lên nhau.
Nạn nhân tuy bị thương nhưng rất may không nguy hiểm đến tính mạng. Ngoài nhiều vết thâm tím trên đầu, trên mặt, anh Vượng bị một vết rách ở đầu khá nghiêm trọng phải khâu đến 6 mũi.
Theo lời khai của anh Vượng, tên cướp thứ nhất, trên 30 tuổi, cao khoảng 1m62 đến 1m64, tóc cắt bình thường, mặt cân đối, da ngăm đen, ria mép tỉa cầu kỳ.
Đặc biệt, tên này có hàm răng màu xỉn tối, bẩn. Gã mặc chiếc áo rét màu bộ đội, quần màu tối, xách một chiếc ba lô con cóc có buộc dây phía miệng. Khi đi, gã ngồi giữa và chính là kẻ đã lạnh lùng dùng côn đánh vào đầu anh Vượng.
Còn tên cướp thứ hai, tầm dưới 30 tuổi, thấp hơn tên cướp thứ nhất, đầu đội mũ mềm có lưỡi trai màu bộ đội, da mặt đen đúa, hai hố mắt thâm quầng như người mất ngủ.
Gã này cũng để ria mép, mặc áo khoác màu sáng có đai phía sau, bên trong mặc áo sơ mi trắng.
Trong khi giao dịch thuê xe, hướng dẫn đường đi, chỉ có tên cướp thứ hai lên tiếng, còn tên thứ nhất luôn im lặng. Cũng chính tên thứ hai này giả vờ kêu rơi dép để tên thứ nhất tấn công nạn nhân.
Từ hiện trường và thông tin mà bị hại cung cấp, các điều tra viên nhận định, đây là vụ cướp có sự chuẩn bị khá kỹ từ “kịch bản” đến hung khí gây án với thủ đoạn giả làm khách thuê xe ôm rồi “điều” lái xe đến khu vực vắng vẻ, tấn công, cướp tài sản.
Khả năng, 2 tên cướp là người địa phương nên mới thông thuộc địa bàn đến vậy. Từ nhận định ấy, Đại úy Nguyễn Công Goòng và Thiếu úy Ngô Minh Mai được chỉ huy Phòng CSĐT chỉ đạo phối hợp cùng CAH Ý Yên rà soát các đối tượng trên địa bàn Yên Lương và vùng lân cận.
Một mũi trinh sát khác được tung đi thu thập nguồn tin quần chúng ở khu vực bến xe Nam Định…Tại đây, một vài nhân chứng cho biết, tối 7-1-1997, đúng là có 2 đối tượng với đặc điểm nhận dạng như nạn nhân tả lại tìm đến thuê xe anh Vượng.
Giữa lúc công tác điều tra đang được tiến hành khẩn trương thì bất ngờ ngày 9-1-1997, tức chỉ 2 ngày sau khi vụ cướp trên xảy ra, nạn nhân nhận được bức điện lạ, đánh đi từ Bưu cục Ý Yên với nội dung: “Vào nhận lại giấy tờ xe máy”.
Người gửi bức điện này ghi tên là Vũ Đức Thịnh, địa chỉ nơi ở thôn Đông Hưng, xã Yên Tiến, huyện Ý Yên, Nam Định.
Các điều tra viên nhanh chóng xác minh. Kết quả cho thấy, đúng là ở Đông Hưng có anh Vũ Đức Thịnh. Người này làm nghề chạy xe ôm, hiền lành, chăm chỉ, chưa hề có tiền án, tiền sự.
Vấn đề đặt ra, người đàn ông ấy có liên quan gì đến bọn cướp và vì sao anh ta có giấy tờ của nạn nhân? Liệu có khả năng bọn chúng sử dụng giấy tờ để tống tiền? Một kế hoạch tiếp cận đối tượng này được phác thảo, trong đó Thiếu úy Ngô Minh Mai sẽ vào “vai” em trai anh Vượng.
Theo hẹn, chiều hôm ấy, anh Vượng cùng “cậu em trai” tìm vào một địa chỉ ở Đông Hưng. Phía đối tác hoàn toàn không biết trước đó, khu vực này đã được các trinh sát hình sự bí mật phong tỏa.
Tiếp anh Vượng và “cậu em trai”, anh Thịnh cẩn thận nhìn người, kiểm tra CMND của anh Vượng rồi mới lên tiếng: “Số giấy tờ này, tôi nhặt được ở ngoài đường, thấy mang tên anh nên tôi điện cho anh vào nhận…
Thôi chỉ xin anh vài đồng bồi dưỡng”.
Sau khi trình bày cũng là dân chạy xe ôm mới bị ốm dậy, mong có sự thông cảm, anh Vượng chi bồi dưỡng cho anh Thịnh một chút tiền chỉ vài trăm ngàn gọi là cảm ơn.
Tuy nhiên, ngay hôm sau, anh Thịnh được triệu tập lên CAH Ý Yên mà không hiểu có chuyện gì xảy ra. Chỉ đến khi nhìn thấy “cậu em trai” của người mất giấy tờ trong sắc phục cảnh sát, anh ta mới hiểu ra mọi chuyện.
Biết không thể che giấu được sự thật, anh Thịnh cho biết, khoảng 8h sáng 8-1-1997, như mọi ngày, anh điều khiển xe máy ra khu vực Cát Đằng trên địa bàn huyện đón khách và được một thanh niên khoảng 30 tuổi, tóc cắt ngắn, mặc áo rét màu bộ đội, quần thụng, mũ mềm màu bộ đội, tay xách chiếc ba lô con cóc đã bạc màu, đặc biệt anh ta có hàm răng màu xỉn, khá xấu đến thuê chở về Yên Tiến.
Chạy về đến đoạn phải qua đường tàu xuống đi bộ dắt xe, bất ngờ người thanh niên rút từ trong người ra một chiếc ví giả da đưa cho anh Thịnh: “Trong chiếc ví này có một số giấy tờ quan trọng như thẻ thương binh, giấy phép lái xe…
Tôi không có tiền. Nay cho anh chiếc ví, anh điện cho người có tên trong địa chỉ này. Họ sẽ tìm đến anh chuộc lại giấy tờ. Thế nào anh cũng vớ bẫm đấy”. Sau đó, anh Thịnh chở người khách ấy đến chợ Đồi rồi gã đi đâu không biết...
(còn nữa)