Việt kiều có 2 quốc tịch muốn mua nhà ở Việt Nam, làm thế nào?

Tôi muốn mua một căn nhà ở Long Xuyên để tôi và người thân có nơi ăn ở khi về nước...

Hỏi: Tôi có 2 quốc tịch Mỹ và Việt Nam: Hộ chiếu Mỹ tên Thomas Nguyen, hiện sinh sống tại Michigan USA Hộ chiếu Việt Nam tên Nguyen Huu Thanh do Tổng lãnh sự quán VN tại San Francisco cấp ngày 22/10/2012. Liên tục hàng chục năm qua, mỗi năm về VN tôi thường ở khách sạn hoặc nhà người thân. Nay tôi muốn mua một căn nhà ở Long Xuyên để tôi và người thân có nơi ăn ở khi về nước, hoặc trở về VN sinh sống khi có thể.

  1. Cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho phép cư trú tại Việt Nam từ ba tháng trở lên thì có quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam là thế nào?
  2.  
  3. Nếu tôi được sở hữu nhà ở VN thì thời gian bao lâu mới có thể hoàn tất thủ tục sở hữu nhà ở tại Long Xuyên? Tôi có cần phải nhờ sự giúp đỡ của luật sư không?
  4.  
  5. Tôi là người có 2 quốc tịch và có 2 tên khác nhau. Vậy khi làm thủ tục giấy tờ có phải kê khai cả 2 tên không?

Trả lời:

  1. Về quyền sở hữu nhà của người Việt Nam định cư tại nước ngoài:

Theo quy định tại Điều 126 Luật nhà ở sau khi được sửa đổi bổ sung bởi Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung Điều 126 của Luật Nhà ở và Điều 121 của Luật Đất đai ngày 18/06/2009 của Quốc hội quy định về quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam của người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì:

“1. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc các đối tượng sau đây được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho phép cư trú tại Việt Nam từ ba tháng trở lên thì có quyền sở hữu nhà ở để bản thân và các thành viên trong gia đình sinh sống tại Việt Nam:

a)   Người có quốc tịch Việt Nam;

b)   Người gốc Việt Nam thuộc diện người về đầu tư trực tiếp tại Việt Nam theo pháp luật về đầu tư; người có công đóng góp cho đất nước; nhà khoa học, nhà văn hoá, người có kỹ năng đặc biệt mà cơ quan, tổ chức của Việt Nam có nhu cầu và đang làm việc tại Việt Nam; người có vợ hoặc chồng là công dân Việt Nam sinh sống ở trong nước.

2. Người gốc Việt Nam không thuộc các đối tượng quy định nêu trên được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp Giấy miễn thị thực và được phép cư trú tại Việt Nam từ ba tháng trở lên thì có quyền sở hữu một nhà ở riêng lẻ hoặc một căn hộ chung cư tại Việt Nam để bản thân và các thành viên trong gia đình sinh sống tại Việt Nam.”

Theo đó, việc cư trú từ 3 tháng trở lên tại Việt Nam là một điều kiện để người Việt Nam định cư tại nước ngoài được quyền sở hữu nhà tại Việt Nam. Theo quy định cụ thể tại khoản 1 Điều 67 Nghị định 71/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở (“Nghị định 71/1010”) thì giấy tờ chứng minh điều kiện cư trú của bạn là: Sổ tạm trú;hoặc Giấy tờ xác nhận về việc đăng ký tạm trú tại địa phương do công an phường, xã, thị trấn (sau đây gọi chung là công an cấp phường) nơi người đó cư trú cấp.

  1. Thủ tục sở hữu nhà:

Để thực hiện sở hữu nhà tại Việt Nam, trước tiên bạn phải thực hiện thủ tục để chứng minh bạn đáp ứng đủ các điều kiện để được sở hữu nhà tại Việt Nam. Cụ thể:

-  Bạn phải chuẩn bị hộ chiếu Việt Nam còn thời hạn sử dụng (để chứng minh bạn là người Việt Nam định cư tại nước ngoài có quốc tịch Việt Nam) và

-  Làm đơn đề nghị và xuất trình hộ chiếu tại cơ quan công an cấp phường để đề nghị cấp Sổ tạm trú; hoặc Giấy tờ xác nhận về việc đăng ký tạm trú tại địa phương. Thời hạn giải quyết tối đa là ba ngày, kể từ ngày nhận được đơn đề nghị.

(Điều 67, 68 Nghị định 71/2010)

Ngoài ra, bạn còn cần chuẩn bị các giấy tờ sau đây để làm hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở:

  1. Giấy tờ về mua bán hoặc nhận tặng cho hoặc nhận thừa kế nhà ở hoặc được sở hữu nhà ở thông qua hình thức khác được công chứng, chứng thực tại Uỷ ban nhân dân cấp huyện đối với nhà ở tại đô thị, chứng thực của Uỷ ban nhân dân xã đối với nhà ở tại nông thôn, trừ các trường hợp sau đây: Bên bán nhà ở là tổ chức có chức năng kinh doanh nhà ở; Bên tặng cho nhà ở là tổ chức. Một trong các giấy tờ của bên chuyển quyền, bao gồm:

- Hợp đồng mua bán nhà ở;

- Giấy chuyển quyền nhà ở do cơ quan có thẩm quyền cấp qua các thời kỳ mà nhà đất đó không thuộc diện Nhà nước xác lập sở hữu toàn dân theo quy định pháp luật;

- Bản án hoặc quyết định của Tòa án nhân dân hoặc giấy tờ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết được quyền sở hữu nhà ở đã có hiệu lực pháp luật;

- Giấy tờ về mua bán hoặc nhận tặng cho hoặc đổi hoặc nhận thừa kế nhà ở đã có chứng nhận của công chứng hoặc chứng thực của Ủy ban nhân dân theo quy định pháp luật.

(Điều 8 Nghị định 88/2009/NĐ-CP của Chính phủ về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (“Nghị định 88/2009”), Điều 93 Luật nhà ở).

Nơi nộp hồ sơ và giải quyết thủ tục cấp Giấy chứng nhận: tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện, trừ trường hợp nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở, công trình xây dựng của tổ chức đầu tư xây dựng để bán (trong trường hợp này tổ chức xây dựng nhà ở, công trình xây dựng để bán thay mặt bên nhận chuyển nhượng nộp hồ sơ).

(Khoản 2 Điều 11, Điều 18 Nghị định 88/2009).

Thời gian giải quyết thủ tục cấp Giấy chứng nhận kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ là: không quá năm mươi (50) ngày làm việc đối với trường hợp cấp Giấy chứng nhận lần đầu và không quá ba mươi (30) ngày làm việc đối với trường hợp cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà có nhu cầu bổ sung chứng nhận quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc cấp lại Giấy chứng nhận bị mất. Thời gian này không kể thời gian công khai kết quả thẩm tra, thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính, thời gian trích đo địa chính thửa đất. Đối với các tỉnh khác nhau thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể thời gian thực hiện các thủ tục cấp Giấy chứng nhận. ( Điều 12 Nghị định 88/2009).

  1. Về việc kê khai tên trên giấy tờ:

Vì bạn vẫn giữ quốc tịch Việt Nam nên theo Điều 5 Luật Quốc tịch của Nước CHXHCN Việt Nam năm 2008, bạn là công dân Việt Nam. Như vậy, các thủ tục để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sẽ chỉ cần sử dụng tên Việt Nam của bạn trong hộ chiếu do Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại San Francisco cấp mà không cần phải sử dụng tên nước ngoài.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại