Phiên xử ly hôn hôm đó theo yêu cầu xin ly hôn của người vợ. Không chỉ có mặt hai vợ chồng, còn có cả đứa con gái của họ chỉ vừa tròn bảy tuổi.
Vốn cặp vợ chồng ấy bị khuyết tật, phải có mặt người phiên dịch để dịch lại những tranh chấp giữa vợ chồng bằng khuôn mặt, và đôi bàn tay biểu thị những ký hiệu cho ngôn ngữ của họ, do cả hai vợ chồng đều bị chứng câm, điếc bẩm sinh.
Thông qua người phiên dịch, vốn là một giáo viên dạy trẻ khuyết tật về khiếm thính, tôi hỏi người vợ: “Chị hãy cho biết, vì sao chị xin ly hôn với chồng?”
Người vợ hoa tay, múa chân một hồi lâu, người phiên dịch thuật lại: “Do anh ấy không chịu làm ăn phụ đỡ vợ con, lại vụng về, làm gì hỏng đó, tối ngày chỉ chơi đánh cờ tướng không chịu đi làm kiếm tiền.
Vợ chồng vốn đã nghèo, ngày càng nghèo hơn, vợ nói mãi nhưng chồng không chịu nghe.
Gia đình bên vợ vốn chẳng khá giả gì lại phải nhiều lần gồng gánh giúp đỡ cả hai vợ chồng để có tiền nuôi con, nay thì cả cha mẹ vợ và anh chị em ruột của cô ấy đã không thể giúp đỡ được nữa nên đành xin ly hôn với chồng thì hy vọng gia đình bên vợ mới nhẹ bớt gánh nặng tài chính hòng giúp cho con gái và cháu ngoại của mình…”
Tôi hỏi người chồng, cũng phải qua người phiên dịch: “Anh có đồng ý ly hôn với vợ không?”
Cũng phải mất hồi lâu, sau khi xem người chồng hoa tay múa chân rồi được người phiên dịch thuật lại mới hiểu được ý kiến của người chồng: “Thưa tòa, không! Tôi không thể sống thiếu vợ, con của tôi.
Nhưng nếu cha mẹ vợ không cho chúng tôi sống chung với nhau nữa thì tôi cũng đành phải chịu vậy.”
Tôi hỏi tiếp: “Tại sao anh không đi làm kiếm tiền để nuôi vợ con của mình?”
Người chồng: “Tôi đã cố hết sức đi làm, nhưng do tôi bị khuyết tật bẩm sinh nên việc tìm kiếm việc làm ổn định với tôi thật khó.
Lúc đầu chủ thương tình thuê mướn, nhưng do ngôn ngữ bất đồng, giữa tôi và những người chủ đã không thể cùng làm việc chung lâu dài mặc dù tôi đã cố hết sức mình để không phụ lòng chủ.”
- “Anh làm nghề gì? Thu nhập như thế nào?”
-“Tôi làm nhiều nghề, khi thì làm thợ tiện, lúc phụ chạy bàn cho tiệm ăn, khi thì làm thợ cắt tóc, cũng có khi phải đi bán vé số.
Nhưng làm thợ tiện thì do không hiểu ý chủ và khách nên hay làm sai đồ hàng. phụ chạy bàn thì làm cho khách đến ăn sợ hãi vì ngôn ngữ của tôi khác với họ, cắt tóc thì lại cắt không đúng kiểu hay ý muốn của khách, còn đi bán vé số thì thường hay bị quỵt tiền…
Thu nhập của tôi thật bấp bênh. Quả thực là gia đình bên vợ đã giúp vợ chồng tôi rất nhiều để chúng tôi nuôi con, lại phải cưu mang thêm tôi là một gánh nặng.
Nhưng vì tôi vốn bị mồ côi cha mẹ từ nhỏ, tôi lớn lên trong nhà trẻ mồ côi nên không có một gia đình thật sự của mình để nhận được sự giúp đỡ của cha mẹ cho gia đình vợ con của tôi.
Với tôi, chỉ có vợ con tôi là gia đình thật sự yêu dấu của mình, nhưng nay thì tôi đã biết sức mình không thể giữ được mái ấm của mình nữa rồi... Thôi thì tùy tòa quyết định.”
Tôi hỏi người vợ: “Còn chị làm nghề gì để kiếm tiền nuôi con?” “Tôi ở thuê cho người ta, nhưng vì bị khuyết tật nên họ trả lương tôi thật thấp.”
- “Con của chị có đi học như những đứa trẻ khác không?”
Mắt người vợ sáng lên: “Thưa tòa, có, nó là học sinh giỏi của trường, vì thế tôi đành phải thôi chồng để dồn sức nuôi con. Sau này lúc nào anh ấy nhớ con thì ghé về thăm nhà.”
-“Cháu có bị ảnh hưởng gì về tình trạng khuyết tật của cha mẹ không?”
-“Thưa tòa, không!”
Bất ngờ, đứa trẻ gái bé nhỏ lọt thỏm trong không gian mênh mông của phòng xử án đứng lên nói cùng ngôn ngữ với mọi người, trình bày thay cho cha mẹ mà không phải thông qua người phiên dịch:
“Thưa tòa, nếu mẹ con phải ly hôn với ba, con sẽ xin nghỉ học để theo ba lo kiếm tiền phụ giúp nuôi ba của con. Vì mẹ con còn có gia đình ngoại lo, ba con không có ai lo cả.”
Lời đứa trẻ lên bảy mạch lạc như một bản án không chỉ tuyên bố thoát ly khỏi mẹ, mà còn rời xa gia đình ngoại tộc của mình với lý do hết sức người lớn.
Lúc ấy, một phụ nữ, có lẽ là mẹ đẻ của nguyên đơn giơ tay đứng lên xin phát biểu: “Thưa tòa! Tôi đã có nhờ luật sư tư vấn.
Ông luật sư ấy nói rằng, thằng rể của tôi không có thu nhập ổn định thì đứa con sẽ được tòa giao cho mẹ của cháu bé nuôi dưỡng trực tiếp"...
Tôi chưa kịp yêu cầu bà ấy ngồi xuống thì đứa bé đứng lên nói dõng dạc trong hàng nước mắt: “Thưa ngoại! Dù tòa có bắt con phải ở với mẹ thì con cũng sẽ theo ba con. Con không muốn ba của con sống trong cảnh cô đơn.”
Người phụ nữ được biết là bà ngoại của đứa bé lập tức thay mặt tòa đứng lên quát đứa trẻ: “Nín! Con không được hỗn với ngoại…”
Xét thấy lý do ly hôn của người vợ không có căn cứ pháp lý nên hôm ấy Hội đồng xét xử chúng tôi cùng quyết định bác đơn xin ly hôn của người vợ.
Đó chỉ là bản án được đánh máy trên mặt giấy không biết sẽ có được thực thi hay không, vì bản án ấy không thể là cơm gạo để giúp đỡ cho một gia đình khốn khó. Nhưng ít nhất, nó đã không xé toạc một mái ấm vốn đang bị khiếm khuyết về nhiều mặt.
Hơn một năm sau đó, có dịp tôi phải đón xe ôm đi công việc, người lái xe ôm lại chính là người chồng khuyết tật của phiên tòa hôm ấy.
Anh ta cười với tôi nụ cười mang ý nghĩa hạnh phúc và sự hàm ơn, chìa ra cuốn sổ để tôi ghi đoạn đường mà tôi muốn đến, riêng về giá tiền thì anh ta nhất định không chịu điền vào, buộc tôi phải cố nhét vào túi anh ấy một số tiền trước khi chia tay.
Cựu thẩm phán, Luật sư Phạm Công Út
---
Đón đọc hàng loạt các vụ án dài kỳ ấn tượng, đặc sắc nhất tại chuyên mục KỲ ÁN