Giám đốc đòi chi 10% mới ký duyệt hợp đồng thì phạm tội gì?

Mua miếng đất 9,9 tỷ đồng, giám đốc yêu cầu bên bán phải chi 900 triệu, như thế có phạm tội không?

1. Công ty tôi là Cty nhà nước có mua vài lô đất để đầu tư. Sau khi các thủ tục định giá đã hoàn thành xác định được giá mua. Nhưng giám đốc yêu cầu phải chi cho Giám đốc 10% giá trị đất giám đốc mới duyệt mua? mua miếng đất 9,9 tỷ Giám đốc yêu cầu bên bán phải chi 900 triệu, như thế có phạm tội không?

2. Tổng công ty rót tiền để đầu tư xây dựng và mua sắm tài sản, giám đốc yêu cầu kế toán bỏ ngoài sổ sách gửi ngân hàng lấy lãi thì hành vi lấy lãi nào bị xem là phạm tội: + lập quỷ trái phép + chi xài cá nhân. 3. Công trình xây dựng đúng ra phải đấu thầu nhưng giám đốc chỉ định thầu, trong quá trình thi công không có giám sát, thẩm định… công trình bị sập làm phát sinh khối lượng tăng. Như vậy có vi phạm pháp luật không và phạm tội gì?

Gửi bởi: Bùi Minh Trung

Trả lời có tính chất tham khảo

Chào bạn

1. Công ty bạn là Cty nhà nước có mua vài lô đất để đầu tư. Sau khi các thủ tục định giá đã hoàn thành xác định được giá mua. Nhưng giám đốc yêu cầu phải chi cho Giám đốc 10% giá trị đất giám đốc mới duyệt mua (mua miếng đất 9,9 tỷ Giám đốc yêu cầu bên bán phải chi 900 triệu).

900 triệu (chính xác phải là 990 triệu (10% của 9,9 tỷ)) mà bên bán đất phải chi cho giám đốc vẫn thuộc về tài sản của Công ty Nhà nước và thuộc quyền quản lý của giám đốc công ty nhà nước, bởi lẽ 9,9 tỷ này là tài sản của nhà nước và được dùng để đầu tư mua miếng đất, và để bán được đất người bán đã chấp nhận việc chi riêng 10% của 9,9 tỷ đó cho giám đốc công ty nhà nước để được giám đốc duyệt mua và giám đốc công ty nhà nước này đã chiếm đoạt khoản tiền đó. Hành vi của ông giám đốc trên có thể cấu thành Tội tham ô tài sản theo quy định tại Điều 278 Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009).

“1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Gây hậu quả nghiêm trọng;

b) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm;

c) Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục A Chương này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

a) Có tổ chức;

b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;

c) Phạm tội nhiều lần;

d) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;

đ) Gây hậu quả nghiêm trọng khác.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười lăm năm đến hai mươi năm:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;

b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng khác.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;

b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác.

5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm, có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.”

2. Tổng công ty rót tiền để đầu tư xây dựng và mua sắm tài sản, giám đốc yêu cầu kế toán bỏ ngoài sổ sách gửi ngân hàng lấy lãi.

Đối với hành vi của giám đốc yêu cầu kế toán bỏ ngoài sổ sách số tiền để đầu tư xây dựng và mua sắm tài sản gửi ngân hàng lấy lãi trong đó có việc ông giám đốc trên đã lợi dụng chức vụ quyền hạn yêu cầu lập chứng từ giả, giấy tờ, số sách, bỏ ngoài sổ sách... nhằm thoát khỏi sự giám sát về tài chính của Nhà nước có thể cấu thành tội lập quỹ trái phép theo quy định tại Điều 166 Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009.

“Điều 166. Tội lập quỹ trái phép  

1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn lập quỹ trái phép có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng và đã sử dụng quỹ đó gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến bảy năm:

a) Dùng thủ đoạn xảo quyệt để trốn tránh việc kiểm soát;

b) Để thực hiện tội phạm khác;

c) Quỹ trái phép có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;

d) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ sáu năm đến mười năm:

a) Quỹ trái phép có giá trị từ năm trăm triệu đồng đến dưới một tỷ đồng;

b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

4. Phạm tội trong trường hợp quỹ trái phép có giá trị từ một tỷ đồng trở lên, thì bị phạt tù từ tám năm đến mười lăm năm.

5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm, có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến ba mươi triệu đồng.”

3. Công trình xây dựng đúng ra phải đấu thầu nhưng giám đốc chỉ định thầu, trong quá trình thi công không có giám sát, thẩm định... công trình bị sập làm phát sinh khối lượng tăng.

Điều 1 Luật Đấu thầu năm 2005 có quy định các dự án bắt buộc phải đấu thầu bao gồm:

“1. Dự án sử dụng vốn nhà nước từ 30% trở lên cho mục tiêu đầu tư phát triển, bao gồm:

a) Dự án đầu tư xây dựng mới, nâng cấp mở rộng các dự án đã đầu tư xây dựng;

b) Dự án đầu tư để mua sắm tài sản kể cả thiết bị, máy móc không cần lắp đặt;

c) Dự án quy hoạch phát triển vùng, quy hoạch phát triển ngành, quy hoạch xây dựng đô thị, nông thôn;

d) Dự án nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, hỗ trợ kỹ thuật;

đ) Các dự án khác cho mục tiêu đầu tư phát triển;

2. Dự án sử dụng vốn nhà nước để mua sắm tài sản nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân;

3. Dự án sử dụng vốn nhà nước để mua sắm tài sản nhằm phục vụ việc cải tạo, sửa chữa lớn các thiết bị, dây chuyền sản xuất, công trình, nhà xưởng đã đầu tư của doanh nghiệp nhà nước.”

Bên cạnh đó Điều 20 Luật Đấu thầu năm 2005 cũng quy định về việc Chỉ định thầu như sau:

“1. Chỉ định thầu được áp dụng trong các trường hợp sau đây:

a) Sự cố bất khả kháng do thiên tai, địch họa, sự cố cần khắc phục ngay thì chủ đầu tư hoặc cơ quan chịu trách nhiệm quản lý công trình, tài sản đó được chỉ định ngay nhà thầu để thực hiện; trong trường hợp này chủ đầu tư hoặc cơ quan chịu trách nhiệm quản lý công trình, tài sản đó phải cùng với nhà thầu được chỉ định tiến hành thủ tục chỉ định thầu theo quy định trong thời hạn không quá mười lăm ngày kể từ ngày chỉ định thầu;

b) Gói thầu do yêu cầu của nhà tài trợ nước ngoài;

c) Gói thầu thuộc dự án bí mật quốc gia; dự án cấp bách vì lợi ích quốc gia, an ninh an toàn năng lượng do Thủ tướng Chính phủ quyết định khi thấy cần thiết;

d) Gói thầu mua sắm các loại vật tư, thiết bị để phục hồi, duy tu, mở rộng công suất của thiết bị, dây chuyền công nghệ sản xuất mà trước đó đã được mua từ một nhà thầu cung cấp và không thể mua từ các nhà thầu cung cấp khác do phải bảo đảm tính tương thích của thiết bị, công nghệ;

đ) Gói thầu dịch vụ tư vấn có giá gói thầu dưới năm trăm triệu đồng, gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp có giá gói thầu dưới một tỷ đồng thuộc dự án đầu tư phát triển; gói thầu mua sắm hàng hóa có giá gói thầu dưới một trăm triệu đồng thuộc dự án hoặc dự toán mua sắm thường xuyên; trường hợp thấy cần thiết thì tổ chức đấu thầu.

2. Khi thực hiện chỉ định thầu, phải lựa chọn một nhà thầu được xác định là có đủ năng lực và kinh nghiệm đáp ứng các yêu cầu của gói thầu và phải tuân thủ quy trình thực hiện chỉ định thầu do Chính phủ quy định.

3. Trước khi thực hiện chỉ định thầu quy định tại các điểm b, c, d và đ khoản 1 Điều này, dự toán đối với gói thầu đó phải được phê duyệt theo quy định.”

Như vậy, công trình xây dựng trên thuộc về các dự án được quy định tại Điều 1 của Luật Đấu thầu năm 2005 và không thuộc các dự án được chỉ định thầu được quy định tại Điều 20 của Luật Đấu thầu năm 2005 mà Giám đốc vẫn quyết định chỉ thầu và gây thiệt hại từ một trăm triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng hoặc dưới một trăm triệu đồng, đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm thì có thể cấu thành Tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo quy định tại Điều 165 Bộ luật Hình sự năm 1999.

Điều 165 quy định về Tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng như sau:

“1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại từ một trăm triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng hoặc dưới một trăm triệu đồng, đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm:

a) Vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác;

b) Có tổ chức;

c) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

d) Gây thiệt hại từ ba trăm triệu đồng đến dưới một tỷ đồng hoặc gây hậu quả rất nghiêm trọng khác.

3. Phạm tội gây thiệt hại từ một tỷ đồng trở lên hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.”

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại