Bồi thường thiệt hại thế nào khi vô ý gây tai nạn giao thông?

Cháu bé té, bị xây sát nhẹ ở tay, không chảy máu, có thể giơ tay lên xuống bình thường và đầu bị sưng.

 

Tuần rồi, đang chạy xe trên đường ở nông thôn, tôi bị 1 cháu bé 9 tuổi mới biết đi xe đạp đâm vào. Hôm đó, tôi chạy xe cũng khá chậm, dù tránh được nhưng bánh xe của cháu bé vẫn vẹt bô xe của tôi.

Tôi đã dẫn cháu đi bác sĩ và bác sĩ nói cháu chỉ bị ngoài da. Hôm đó, nhiều người dân ở đó cũng làm chứng là lỗi hoàn toàn do cháu bé. Tôi cũng đã chịu tiền khám và mua thuốc, nhưng gia đình bên đó vẫn đòi giữ giấy chứng minh của tôi. Chiều hôm đó, tôi đã điện thoại lại hỏi thăm và hôm sau đi ngang thì thấy bé đã khỏe và chạy xe đạp đi chơi. Hôm nay, tôi điện thoại để xin lại giấy tờ thì gia đình bên đó đòi tôi phải chịu tiền thuốc là 540 ngàn đồng, tiền đi chụp X- quang ở tay. Theo các anh chị, giờ tôi phải xử trí thế nào? Tôi có phải chịu tiền thuốc đó không khi lỗi tai nạn không phải là do tôi gây ra? Chân thành cảm ơn. Dũng Nguyễn (nguyendungxdct@gmail.com)

Trả lời: Theo khoản 1 Điều 604 Bộ luật Dân sự 2005 (BLDS) về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại:

1. Người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.

Nghị quyết 03/2006/NQ- HĐTP ngày 6.3.2006 theo quy định tại Điều 604 Bộ luật dân sự năm 2005, về nguyên tắc chung thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng chỉ phát sinh khi có đầy đủ các yếu tố sau đây:

1.1. Phải có thiệt hại xảy ra.

Thiệt hại bao gồm thiệt hại về vật chất và thiệt hại do tổn thất về tinh thần.

a) Thiệt hại về vật chất bao gồm: Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm quy định tại Điều 608 BLDS; thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm quy định tại khoản 1 Điều 609 BLDS; thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm quy định tại khoản 1 Điều 610 BLDS; thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm quy định tại khoản 1 Điều 611 BLDS.

1.2. Phải có hành vi trái pháp luật.

Hành vi trái pháp luật là những xử sự cụ thể của con người được thể hiện thông qua hành động hoặc không hành động trái với các quy định của pháp luật.

1.3. Phải có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại xảy ra và hành vi trái pháp luật. Thiệt hại xảy ra phải là kết quả tất yếu của hành vi trái pháp luật và ngược lại hành vi trái pháp luật là nguyên nhân gây ra thiệt hại.

1.4. Phải có lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý của người gây thiệt hại.

a) Cố ý gây thiệt hại là trường hợp một người nhận thức rõ hành vi của mình sẽ gây thiệt hại cho người khác mà vẫn thực hiện và mong muốn hoặc không mong muốn, nhưng để mặc cho thiệt hại xảy ra.

b) Vô ý gây thiệt hại là trường hợp một người không thấy trước hành vi của mình có khả năng gây thiệt hại, mặc dù phải biết hoặc có thể biết trước thiệt hại sẽ xảy ra hoặc thấy trước hành vi của mình có khả năng gây thiệt hại, nhưng cho rằng thiệt hại sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn chặn được.

Cần chú ý là đối với trường hợp pháp luật có quy định việc bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, thì trách nhiệm bồi thường của người gây thiệt hại trong trường hợp này được thực hiện theo quy định của văn bản quy phạm pháp luật đó.

2. Nguyên tắc bồi thường thiệt hại

2.1. Khi giải quyết tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, cần phải thực hiện đúng nguyên tắc bồi thường thiệt hại quy định tại Điều 605 BLDS. Cần phải tôn trọng thỏa thuận của các bên về mức bồi thường, hình thức bồi thường và phương thức bồi thường, nếu thỏa thuận đó không trái pháp luật, đạo đức xã hội.

Theo Khoản 1 Điều 609 BLDS 2005 về thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm:

“1. Thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm bao gồm:

a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;

b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;

c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại.”

Theo đó, Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP có hướng dẫn cụ thể thực hiện điều 609 BLDS như sau: Phần I: Về những quy định chung. 4. Chi phí hợp lý

Các khoản chi phí hợp lý quy định tại các điểm a và c khoản 1 Điều 609, các điểm b và c khoản 1 Điều 610 và điểm a khoản 1 Điều 611 BLDS là chi phí thực tế cần thiết, phù hợp với tính chất, mức độ của thiệt hại, phù hợp với giá trung bình ở từng địa phương tại thời điểm chi phí.

Mục 2.1.1. Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại bao gồm: Tiền thuê phương tiện đưa người bị thiệt hại đi cấp cứu tại cơ sở y tế; tiền thuốc và tiền mua các thiết bị y tế, chi phí chiếu, chụp X-quang, chụp cắt lớp, siêu âm, xét nghiệm, mổ, truyền máu, vật lý trị liệu... theo chỉ định của bác sỹ; tiền viện phí; tiền mua thuốc bổ, tiếp đạm, tiền bồi dưỡng phục hồi sức khỏe cho người bị thiệt hại theo chỉ định của bác sỹ; các chi phí thực tế, cần thiết khác cho người bị thiệt hại (nếu có) và các chi phí cho việc lắp chân giả, tay giả, mắt giả, mua xe lăn, xe đẩy, nạng chống và khắc phục thẩm mỹ… để hỗ trợ hoặc thay thế một phần chức năng của cơ thể bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại (nếu có).

Theo đó, trong trường hợp của bạn, bạn tham gia giao thông và gây thiệt hại cho người đi đường, mặc dù là lỗi vô ý nhưng bạn phải bồi thường cho người đó. Vấn đề bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm trước hết do các bên thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường và phương thức bồi thường. Bạn có thể tham khảo quy định trên. Các chi phí này phải có giấy tờ, hóa đơn, chứng từ và cơ sở thực tế để chứng minh.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại