Bà nội viết hai bản di chúc, cái nào có hiệu lực?

Chỉ vài tháng trước, không hiểu vợ chồng chú Ba của tôi to nhỏ, "ngọt nhạt" gì với bà mà bà nội đã thay đổi di chúc.

Bà nội tôi năm nay 81 tuổi. Năm 2012, bà làm di chúc (viết giấy) để lại cho cô Năm (cô ruột của tôi) thừa kế căn nhà nhỏ tại huyện Hóc Môn TP.HCM. Năm 2013 bà lại viết di chúc cho người khác.

Cô Năm của tôi vốn không lập gia đình, ở với bà từ xưa tới giờ nên việc bà để lại nhà cho cô Năm hầu hết mọi người trong dòng tộc đều đồng ý. Chỉ vài tháng trước, không hiểu vợ chồng chú Ba của tôi to nhỏ, "ngọt nhạt" gì với bà mà bà nội đã thay đổi quyết định. Bà không cho cô tôi thừa kế căn nhà đó nữa mà làm di chúc để lại căn nhà cho con trai của chú Ba tôi (tức cháu nội của bà).

Việc làm của bà và chú Ba khiến cha mẹ, các cô chú khác rất bất bình và vì bà quá thiên vị cho cha con chú Ba (bởi trước đó chú Ba đã được bà cho một căn nhà lớn hơn). Hiện cô Năm tôi vẫn còn giữ bản di chúc năm 2012 mà bà nội ghi là cho cô Năm căn nhà trên. Hai bản di chúc đó thì bản nào có hiệu lực? Cô tôi có thể đi kiện đề nghị bà nội và gia đình chú Ba thực hiện đúng di chúc ban đầu hay không? (T.Đ.Thắng)

Hình minh họa

Hình minh họa

Trả lời

- Theo Điều 631, 648 Bộ luật dân sự (BLDS), bà nội của bạn có quyền để lại di chúc định đoạt tài sản của mình, giao tài sản cho con cháu hay người nào khác tùy ý bà.

- Theo điều 636 BLDS, người được hưởng di sản thừa kế theo di chúc chỉ phát sinh quyền, nghĩa vụ thừa kế kể từ thời điểm mở thừa kế, tức thời điểm người để lại di chúc (trường hợp này là bà nội của bạn) chết. Thế nên, khi bà nội của bạn vẫn đang còn sống thì di chúc bà cho cô Năm căn nhà trên chưa phát sinh hiệu lực.

Điều 652 BLDS quy định di chúc được xem là hợp pháp khi đảm bảo: người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt, không bị lừa dối, đe dọa hoặc cưỡng ép khi viết di chúc, nội dung di chúc không trái pháp luật, đạo đức xã hội, hình thức di chúc cũng không trái quy định của pháp luật.

Tại điều 662, thì người lập di chúc có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc vào bất cứ lúc nào. Trong trường hợp người lập di chúc bổ sung di chúc thì di chúc đã lập và phần bổ sung có hiệu lực pháp luật như nhau. Nếu một phần của di chúc đã lập và phần bổ sung mâu thuẫn nhau thì chỉ phần bổ sung có hiệu lực pháp luật. Trong trường hợp người lập di chúc thay thế di chúc bằng di chúc mới thì di chúc trước bị hủy bỏ.

Như vậy, đối chiếu các quy định trên, năm 2012, bà nội bạn di chúc để lại căn nhà cho cô Năm của bạn thừa kế nhưng sau đó lại thay đổi và viết di chúc khác. Cho dù bản di chúc sau này có sửa đổi, ghi cụ thể là hủy di chúc năm 2012 - không cho cô Năm nhà nữa hay chỉ là bản di chúc mới ghi để nhà lại cho cháu nội (tức có hai bản di chúc cùng tồn tại) thì theo điều 667 BLDS khi một người để lại nhiều bản di chúc đối với một tài sản thì bản di chúc sau cùng có hiệu lực pháp luật.

Chính vì vậy, cô Năm của bạn không có quyền kiện yêu cầu bà nội phải thực hiện di chúc ban đầu vì việc thay đổi di chúc, định đoạt tài sản là quyền của bà nội bạn - chủ sở hữu tài sản.

Sau này, trong trường hợp bà nội của bạn đã mất, nếu có bằng chứng xác thực cho rằng bà nội bạn viết bản di chúc sau (năm 2013) trong tình trạng không còn minh mẫn, tỉnh táo, bị ép buộc… thì cô Năm có quyền kiện đề nghị tòa xem xét hủy bỏ bản di chúc sau vì không hợp pháp để công nhận hiệu lực của bản di chúc ban đầu.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại