Anh Đức khóc khi nhận lại đồ của ba. Ảnh: Người lao động
Theo ghi nhận của Tuổi trẻ, những chiếc túi xách, balo, đồng hồ, điện thoại, dây chuyền... là tư trang cuối cùng của khoảng 260 bệnh nhân Covid-19 rời cõi tạm, không kịp gặp người thân lần cuối, được nhân viên Bệnh viện dã chiến số 16 (quận 7, TP.HCM) giữ gìn cẩn thận, chờ trao cho người thân.
Tư trang được cất trong một căn phòng đặc biệt với 3 chiếc kệ sắt.
GS.TS Nguyễn Quang Tuấn (Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, phụ trách Trung tâm hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai đặt tại Bệnh viện dã chiến số 16) chia sẻ với Tuổi trẻ, những đồ đạc của bệnh nhân được y bác sĩ gom về phòng lưu trữ, chờ người thân của họ tới nhận. Những kỷ vật cuối cùng này có ý nghĩa rất lớn với những người ở lại.
"Nghĩa tử là nghĩa tận. Chúng tôi làm tất cả những việc này chỉ với mong muốn mang lại một chút ủi an cho thân nhân người đã mất", Giám đốc Tuấn bày tỏ với báo Tuổi trẻ.
Tư trang của F0 qua đời được bệnh viện giữ gìn cẩn thận để trao trả lại. Ảnh cắt từ video của VTC News
Theo nguồn trên, mỗi ngày phía bệnh viện sẽ mời thân nhân của khoảng 15-20 bệnh nhân Covid-19 đã qua đời tới nhận lại đồ đạc, tư trang. Những chiếc điện thoại đã tắt nguồn được y bác sĩ cắm sạc lại nguồn để chờ người nhà gọi đến.
Chị Lê Thanh Thảo (Chuyên viên phòng Công tác xã hội, Bệnh viện dã chiến số 16) kể trên tờ Thanh niên online, ngoài những món đồ có thông tin người mất thì có nhiều chiếc điện thoại, túi xách, quần áo... chưa tìm được chủ sở hữu. Bệnh viện vẫn lưu trữ và tìm mọi cách trao trả cho thân nhân bệnh nhân Covid-19 qua đời.
Chị nghẹn lòng kể về một trường hợp đồng nghiệp công tác ở bệnh viện, dù đã tới tuổi nghỉ hưu nhưng anh vẫn xung phong đi chống dịch. Sau đó anh nhiễm Covid-19 và qua đời. "Ngày mất, người tới nhận kỷ vật không phải vợ anh mà là đồng nghiệp vì chị cũng làm ở một bệnh viện và cũng đang điều trị Covid-19", báo Thanh niên dẫn lời chị Thảo.
Tờ Thanh niên thuật lại, chiều hôm qua (23/9), anh Huỳnh Quốc Đạt (38 tuổi, ở quận Bình Thạnh, TP.HCM) tới nhận lại đồ là chiếc điện thoại của ba vợ nhiễm Covid-19 qua đời ở tuổi 69.
Anh nhớ lại, ba vợ anh nhiễm bệnh đầu tháng 8/2021, điều trị ở nhà được 10 ngày thì mọi người đưa ông vào viện, nhưng ông đã mất 3 ngày sau đó. Ở nhà, vợ anh ngày nào cũng gọi vào số điện thoại của ba, nhưng không liên lạc được. Bỗng một ngày, vợ anh gọi được tới số của ba và được bác sĩ thông báo tới nhận lại đồ.
"Chính tôi là người chở ông đến đây, nhưng lúc đó ông quá yếu rồi nên không kịp nói lời trăng trối. Tôi cũng không nghĩ đó là lần cuối cùng mình gặp ông", anh kể với nguồn trên.
Người phụ nữ vừa khóc vừa ổn kỷ vật mẹ để lại. Ảnh: Người lao động
Theo Vietnamnet, sáng 21/9, anh Minh Đức (ngụ tại phường 11, quận 10, hiện là một F0 đang làm tình nguyện viên chăm sóc F0 tại bệnh viện) được thông báo tới nhận đồ dùng của người cha 83 tuổi, là một chiếc điện thoại, cục sạc, máy đo SpO2.
Nhận được đồ, anh vừa khóc vừa nói: "Khi ba nhập viện rất vội vã. Ba đi, không có quần áo gì hết. Hôm nay đến đây, con nhận đồ cuối cùng của ba đây. Con không biết làm sao. Thật sự, lúc này con rất nặng nề".
Còn chị Vương Tuyết Vân (ngụ tại quận 10) chia sẻ với Vietnamnet, em trai chị hơn 40 tuổi, chưa lập gia đình. Khi nhập viện vì Covid-19, người em đồng thời đang bị sốt xuất huyết và bị chảy máu trong. Đồ đạc em để lại là một chiếc điện thoại, kính cận, nhẫn cùng giấy tờ tùy thân.
Tin nhắn cuối cùng chị nhận được từ em là câu hỏi "Nhịp tim bao nhiêu là bình thường hả chị?". "Lúc đó, có thể em đã rất mệt. Em còn nhắn em nhớ mấy đứa cháu nữa. Sau đêm đó, em rơi vào hôn mê. Hôm nay đến đây, tôi lấy được toàn bộ các di vật của em. Gia đình chỉ mong điều đó thôi", chị xúc động nhớ lại.
Theo Vietnamnet, ThS.BS Trần Thái Sơn (Phó trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện dã chiến số 16) cho biết, Trung tâm Hồi sức Covid-19 của Bệnh viện Bạch Mai thành lập tại đây đã tiếp nhận và điều trị cho hơn 1.000 bệnh nhân Covid-19. Hàng trăm người được điều trị khỏi, song nhiều người không qua khỏi.
Ông kể, mỗi ngày, phía bệnh viện sẽ gọi cho người thân của bệnh nhân để thông báo tình hình sức khỏe, có những ngày tiếp nhận vài trăm cuộc gọi từ gia đình người bệnh. Các F0 tại đây đều không có người nhà đi cùng nên các y bác sĩ phải gói ghém cất giữ đồ đạc của họ cẩn thận.
(Tổng hợp)