Khi mới bước chân vào con đường kinh doanh, tôi tin rằng thành công nghĩa là kiếm được khoản tiền lên tới 7 chữ số. Và tôi đã 2 lần làm được điều này trong vòng 5 năm.
Sau 3 năm hoạt động, công ty luật tư nhân của tôi đã kiếm được doanh thu hàng năm vượt ngưỡng 1 triệu USD. Sau đó công ty thứ hai của tôi, một công ty đào tạo trực tuyến cũng bắt đầu mang lại doanh thu hơn 1 triệu USD trong 18 tháng liền. Tôi đã tìm ra cách kiếm tiền. Thế nhưng ngay khi mọi thứ có vẻ đang suôn sẻ, tôi đã mắc một số sai lầm về pháp lý, bảo hiểm và tài chính. Tất cả dẫn tới khoản lỗ lên tới hơn 1 triệu USD.
Tại thời điểm đó, tôi cảm giác mình đã thất bại nặng nề. Nhưng giờ nhìn lại, tôi không còn suy nghĩ như vậy nữa. Chính những sai lầm đó đã giúp tôi học được cách quản lý hiệu quả những nguồn lực có sẵn, từ đó trở thành một nữ doanh nhân, một giám đốc điều hành giỏi giang hơn.
Năm 2012, tôi bắt đầu khởi nghiệp trở lại với công ty hiện nay. New Law Business Model đào tạo các luật sư để giúp các gia đình cũng như các chủ doanh nghiệp không lặp lại những sai lầm đắt giá như tôi đã mắc phải. Giờ đây, nhờ vào phương thức hoạt động cẩn trọng, công ty của tôi đã thu về khoản doanh thu lên tới 5 triệu USD mỗi năm và cho phép tôi có một cuộc sống mình yêu thích.
Ali Katz từng thua lỗ 1 triệu USD trước khi thành lập New Law Business Model. Ảnh: Ali Katz
Dưới đây là 4 bài học kinh nghiệm mà tôi đã rút ra:
1. Học hỏi những gì mình không biết
Trong trường luật, tôi thường ngồi hàng ghế đầu, thường xuyên giơ tay và đặt ra những câu hỏi mà các bạn cùng lớp không hỏi. Thế nhưng khi bước chân vào kinh doanh, tinh thần sẵn sàng đặt ra những câu hỏi “ngu ngốc” không còn nữa. Là một chủ doanh nghiệp, tôi không muốn phô bày ra sự thiếu hiểu biết của mình.
Ví dụ, tôi biết rõ mình cần phải xem một số bản báo cáo tài chính của công ty, nhưng tôi lại không biết nên bắt đầu từ đâu. Ngay cả sau khi thuê nhân viên kế toán có chứng chỉ CPA (Certified Public Accountant - Chứng chỉ kế toán viên công chứng), tôi vẫn tiếp tục đưa ra quyết định dựa trên lượng tiền tôi có trong tài khoản ngân hàng, với suy nghĩ rằng mọi thứ sẽ tự diễn ra.
Nếu chịu khó học hỏi những gì mình không biết và hỏi xin sự giúp đỡ từ nhân viên kế toán, tôi đã có thể tiết kiệm được 50.000 USD tiền thuế trong năm tiếp theo, thay vì nhận được thông báo hóa đơn thuế lên tới 100.000 USD. Tôi đã phải đi vay tiền để trang trải khoản thuế này.
Sau bài học đắt giá với tờ hóa đơn thuế đó, tôi rút ra được rằng mình cần chia sẻ thông tin dự toán thu nhập và chi phí trong năm với nhân viên kế toán của tôi, ít nhất là tới thời điểm giữa tháng 11.
Bây giờ, tôi yêu cầu phải lập dự toán thuế với ít nhất 3 lựa chọn cho các tình huống khác nhau, trong đó có thể bao gồm chi phí gia tăng, doanh thu chưa thực hiện, thiết lập tài khoản hưu trí hoặc các kế hoạch thuế khác. Nhờ đó, tôi có thể lên chiến lược hoạch định thuế trước khi mọi thứ trở nên quá muộn.
2. Xác lập thỏa thuận dưới dạng văn bản
Mặc dù là một luật sư nhưng lúc mới bắt đầu kinh doanh, tôi thường khá e ngại yêu cầu xác lập các thỏa thuận dưới dạng văn bản hoặc nghĩ rằng chúng không cần thiết.
Nếu tôi thực sự muốn làm việc với ai đó, tôi sẽ thấy lo lắng hoặc không yên tâm khi đưa ra yêu cầu lập văn bản thỏa thuận, vì thế tôi hay để mọi thứ tự nhiên diễn ra mà không cần đến thỏa thuận đó. Hoặc nếu đang cộng tác với bạn bè, tôi hay nghĩ rằng văn bản thỏa thuận là không cần thiết vì chúng tôi tin tưởng lẫn nhau.
Sản phẩm web đầu tiên của tôi là một trang web giúp các bậc cha mẹ dễ dàng cung cấp tên người giám hộ hợp pháp cho con học trực tuyến. Ban đầu, tôi xây dựng trang web này cùng một người bạn.
Tuy nhiên khi tôi chuyển dự án này sang một nhà phát triển khác, bạn tôi tuyên bố mã nguồn là của anh ấy và tôi phải mua nó từ anh ấy với giá 25.000 USD, dù trước đó tôi đã trả 25.000 USD cho phần việc anh ấy đã hoàn thành. Nguyên nhân của việc này là do trước đó chúng tôi đã không lập văn bản thỏa thuận với điều khoản “công việc làm thuê” trong đó.
Bất kể đang ở giai đoạn nào trong công việc kinh doanh, bạn cần có trong tay hai thỏa thuận tiêu chuẩn: một thỏa thuận sử dụng khi bạn là nhà cung cấp dịch vụ (thỏa thuận này bạn có thể và nên kết hợp vào quy trình bán hàng của mình), và một thỏa thuận sử dụng khi bạn là khách hàng đi thuê dịch vụ từ các nhà cung cấp khác.
Hãy nhớ rằng văn bản thỏa thuận thực sự có tác dụng bảo vệ các mối quan hệ, cho dù bạn và đối tác chưa bao giờ làm việc cùng nhau trước đây hay người đó là bạn thân của bạn, bởi vì chúng yêu cầu bạn phải luôn rõ ràng về kỳ vọng và lợi ích của các bên.
3. Đừng tiếc tiền để có sự hỗ trợ chuyên nghiệp
5 năm sau khi thành lập công ty luật đầu tiên, năm 2008, tôi chuyển nhượng hoạt động tư vấn luật của công ty cho một luật sư đã có 25 năm kinh nghiệm. Có vẻ như anh ấy có chuyên môn vững vàng để giữ cho mọi thứ tiếp tục hoạt động suôn sẻ. Nhưng chỉ 6 tháng sau, anh ấy trả lại việc kinh doanh, nói rằng công ty không còn khách hàng nữa, và rằng anh ấy không thể thực hiện các khoản thanh toán như đã hứa.
Khi xem lại sổ sách hoạt động, tôi nhận ra rằng anh ấy đã chấm dứt một số hoạt động vốn là động lực cho sự phát triển của công ty, ví dụ như các chiến dịch marketing giúp mang đến lượng khách hàng mới cho công ty. Đó là khoản chi phí tôi vẫn luôn ưu tiên và tôi nhận ra rằng là một phần của quá trình mua-bán, đáng lẽ đây phải là một thông tin quan trọng cần truyền đạt.
Vì không muốn bất cứ ai trong công ty bị ảnh hưởng, tôi quyết định tự bỏ tiền để chạy lại các chiến dịch này trong 6 tháng, trong khi giới thiệu các khách hàng cũ đến những luật sư khác cũng như giúp các đồng nghiệp tìm công việc mới.
Giờ đây nhìn lại, tôi nhận ra rằng đáng lẽ mình nên sử dụng số tiền đó để thuê các chuyên gia tư vấn chuyên nghiệp hỗ trợ quá trình chuyển đổi. Tôi có thể tốn 15.000 USD tới 25.000 USD để thuê một luật sư và một kế toán viên có kinh nghiệm trong lĩnh vực mua bán nghiệp vụ pháp luật.
Suy nghĩ rằng mình có thể tiết kiệm tiền bằng cách tự xử lý các vấn đề pháp lý và tài chính đồng nghĩa với việc tôi bị mất đi 250.000 USD thay vì kiếm được khoản tiền này khi chuyển nhượng lại hoạt động này lúc đầu.
4. Tự tin ra quyết định về tiền bạc
Trong những năm đầu kinh doanh, tôi đã ra rất nhiều quyết định liên quan tới vấn đề tiền bạc trong tâm trạng lo lắng, sợ hãi. Tôi cố gắng tự làm tất cả mọi việc, ngay cả khi mình không phải là người giỏi nhất để thực hiện công việc đó.
Hiện tại, công ty khởi nghiệp của tôi vẫn chưa tạo ra đủ lợi nhuận để tôi trả lương cho bản thân, nhưng dù như vậy, tôi vẫn xoay sở để trả lương cho một giám đốc tài chính bán thời gian và một nhân viên kế toán, chịu trách nhiệm sắp xếp sổ sách và xem xét tài chính với tôi hàng tuần để đảm bảo rằng tôi sẽ không lặp lại những sai lầm trong quá khứ. Tôi cũng đang trả tiền cho luật sư để tùy chỉnh các điều khoản dịch vụ, chính sách bảo mật và thỏa thuận của chúng tôi với các đối tác thành viên.
Việc thuê các cố vấn pháp lý và tài chính phù hợp cũng có giá trị như việc thuê ai đó chạy quảng cáo trên Facebook, thiết kế trang web, giao tiếp với khách hàng hoặc thậm chí quản lý lịch trình của chính bản thân tôi. Tôi biết rằng tôi phải có khả năng nhìn thấy tất cả các dữ liệu một cách rõ ràng, từ đó mới đưa ra được các quyết định chiến lược khôn ngoan trong quá trình phát triển công ty.
Nếu bạn đang phát triển một công việc kinh doanh hoặc đó chỉ là việc làm thêm, hãy hiểu rõ về dịch vụ bạn cung cấp cũng như thị trường mục tiêu của mình, đồng thời đảm bảo rằng bạn biết cách tiếp cận thị trường này.
Ngoài ra hãy lựa chọn đúng người để có một đội nhóm thành công. Đây là một trong những khoản đầu tư quan trọng nhất mà bạn có thể thực hiện trong quá trình phát triển công ty của bạn.