Từ ‘thấu cảm’ trong đề thi Ngữ văn gây tranh cãi: Bộ GD-ĐT lên tiếng giải thích

LƯU LY |

Theo TS Sái Công Hồng, Bộ GD-ĐT đã làm việc với ban ra đề thi và khẳng định đề Ngữ văn THPT quốc gia 2017 không có sai sót.

Ông Sái Công Hồng - Phó cụ trưởng Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ GD-ĐT, cho biết Bộ GD-ĐT đã nhận được phản hồi thông tin về sử dụng từ “thấu cảm” trong phần Đọc hiểu, đề thi Ngữ văn.

Về tranh luận "Đề thi Ngữ văn có làm mất sự trong sáng của tiếng Việt?" và sử dụng từ "thấu cảm" trong đề thi Ngữ văn, gây xôn xao cộng đồng mạng, Bộ GD-ĐT khẳng định không có sai sót.

Theo đó, từ “thấu cảm” được trích trong Thiện, Ác và Smartphone của tác giả Đặng Hoàng Giang (NXB Hội nhà văn, 2017, tr.275).

TS Sái Công Hồng thông tin, trong quá trình soạn thảo đề thi, Bộ GD-ĐT đã yêu cầu tổ ra đề phân tích đề thi. Tổ ra đề khẳng định đề thi môn Ngữ văn chính xác.

Đề thi môn Văn được đánh số 2 phần riêng biệt gồm I và II, trong đó phần I có mục đích là đọc hiểu, còn đọc hiểu cái gì, lấy dữ liệu ở đâu, tiêu chí lấy dữ liệu như thế nào thuộc quy trình làm đề thi, Bộ GD-ĐT không công bố được.

Trước ý kiến, câu 2 thuộc phần I - Đọc hiểu có hỏi: “Theo tác giả, thấu cảm là gì” là câu hỏi “ngô nghê” vì đề bài đã có sẵn câu trả lời, ông Sái Công Hồng lý giải: “Thứ nhất, nếu đọc từ đầu phần 1 có lời đề dẫn yêu cầu rõ ràng 'đọc đoạn trích và thực hiện các yêu cầu sau', sau đó có 4 câu hỏi gắn với lời đề dẫn trên, câu hỏi 2 là một thành tố trong 4 câu hỏi đó.

Tranh cãi về 'thấu cảm'

Trước đó, từ thấu cảm trong phần Đọc hiểu, trích từ văn bản Thiện, Ác và Smartphone của tác giả Đặng Hoàng Giang (NXB Hội nhà văn, 2017, tr.275) gây tranh cãi.

Thầy Lê Văn, giáo viên Ngữ văn tại Hà Nội, cho rằng hơn 20 năm công tác trong nghề, ông chưa từng nghe thấy từ “thấu cảm” như trong đề thi đã đưa.

Trong câu đọc hiểu, tác giả đưa ra 3 định nghĩa. Thứ nhất, thấu cảm là khả năng nhìn thế giới bằng con mắt của người khác, đặt mình vào cuộc đời của họ.

Thứ hai, thấu cảm là sự hiểu biết thấu đáo, trọn vẹn một ai đó, khiến ta hiểu được những suy nghĩ của họ, cảm được những cảm xúc của họ và tất cả xảy ra mà không có sự phán xét.

Thứ ba, thấu cảm khiến ta hồi hộp khi quan sát một người đang đi trên dây ở trên cao, làm chúng ta cùng vui buồn với một nhân vật trong truyện.

"Việc giải thích này khiến người nghe càng đọc càng... khó hiểu.

Nếu thấu cảm như tác giả hiểu tường tận đến cùng và trọn vẹn suy nghĩ, cảm xúc của người khác thì hoàn toàn sai lầm vì đó là điều không thể. Vậy thấu cảm chỉ có thể là... nhà ngoại cảm mà thôi", thầy Lê Văn lý giải.

TS Trịnh Thu Tuyết - giáo viên dạy Ngữ văn tại trường THPT Chu Văn An, Hà Nội, nêu quan điểm: "Thấu cảm" chỉ là cách ghép từ khá chủ quan thường gặp trong ngôn ngữ giao tiếp.

Vì là cắt - ghép chủ quan nên cách hiểu nhiều khi phải mặc định, cũng khá chủ quan. Chỉ trở về khởi thủy, tạm hiểu theo cách chiết tự với hai yếu tố là hiểu và cảm.

Theo nữ tiến sĩ, đoạn văn của tác giả Đặng Hoàng Giang khiến người đọc khó "thấu cảm" được bởi không thể "nhìn thế giới bằng con mắt của người khác, đặt mình vào cuộc đời của họ" được.

Mỗi con người hãy cứ là chính mình với những quan sát, thấu hiểu, cảm thông.

PGS.TS Phạm Văn Tình - Tổng Thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam - cho biết Thiện, Ác và Smartphone của tác giả Đặng Hoàng Giang (NXB Hội nhà văn, 2017, tr.275) là văn bản chấp nhận được.

Theo TS Tình, một số ý kiến cho rằng văn bản đưa một số từ Hán Việt là "thấu cảm", "trắc ẩn" ảnh hưởng sự trong sáng của tiếng Việt, khó hiểu, lạ lẫm. Từ Hán Việt (chiếm một tỷ lệ lớn trong từ vựng tiếng Việt) là một bộ phận của tiếng Việt.

Mặc dù có xuất xứ từ nguyên là tiếng Hán, các từ này đã được Việt hóa cả về cách đọc và cách dùng (về ngữ nghĩa, theo cách của người Việt). Giới Việt ngữ học cho từ Hán Việt đã là tài sản của tiếng Việt.

TS Tình giải thích: Trắc là sự thâm sâu có thể đo được, thấy được; ẩn là kín đáo, có nghĩa "thương xót một cách kín đáo trong lòng".

Thấu là xuyên qua; cảm là cảm nhận, cảm thụ, cảm thấy, có nghĩa "thấu hiểu và cảm thông một cách sâu sắc". Đây là hai từ thể hiện chủ đề và góp phần làm nên thần thái đoạn trích này.

Hơn nữa, các từ thấu cảm, trắc ẩn đã có trong Từ điển tiếng Việt (Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng 2015, 2017).

Nên chọn văn bản thuần Việt

Nhận xét chung về đề thi THPT quốc gia môn Ngữ văn, thầy Trịnh Quỳnh, giáo viên Ngữ văn dạy online, chỉ ra "một số điểm chưa hay".

Đó là sự trùng lặp các ý ở câu 2, câu 4 phần đọc hiểu với phần nghị luận xã hội. Đề ra một số từ ngữ Hán Việt ít sử dụng như “trắc ẩn”, “thấu cảm”, “mẫn cảm”.

Học sinh cần phân biệt được giữa khái niệm trắc ẩn: Thương xót một cách kín đáo ở trong lòng với tình yêu thương có nhiều biểu hiện khác nhau như gắn bó, quan tâm, chia sẻ…

Từ ‘thấu cảm’ trong đề thi Ngữ văn gây tranh cãi: Bộ GD-ĐT lên tiếng giải thích - Ảnh 1.

Trích dẫn trong sách giáo khoa lớp 12 nói về sự trong sáng của tiếng Việt.

Theo giáo viên này, một hạn chế trong đề thi là sử dụng từ ngữ làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt khi lạm dụng các từ ngữ nước ngoài.

Đề thi nên sử dụng các từ ngữ tiếng Việt tương ứng như fan (người hâm mộ), Smartphone (điện thoại thông minh).

Thầy Quỳnh dẫn ra ví dụ sách giáo khoa Ngữ văn lớp 12, tập 1, trang 32 định hướng cho học sinh: Việc lạm dụng tiếng nước ngoài làm tổn hại sự trong sáng của tiếng Việt.

Sau đó, sách trích một ví dụ tương tự về việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt: “Các superstar thích dùng mobile phone loại xịn”. Thế nhưng, chính trong đề thi THPT quốc gia lặp lại ví dụ tương tự như trên.

Sách giáo khoa viết: "Sự trong sáng không dung nạp tạp chất. Do đó, sự trong sáng của tiếng Việt không cho phép pha tạp, lai căng, nghĩa là không cho phép sử dụng tùy tiện, không cần thiết những yếu tố ngôn ngữ khác.

Tuy nhiên, nếu trong tiếng Việt không có yếu tố nào đó để biểu hiện thì có thể vay mượn từ tiếng nước ngoài. Sự vay mượn như thế thường diễn ra ở mọi nguôn ngữ và là cần thiết vì nó làm phong phú cho từng ngôn ngữ".

Đồng thời, sách giáo khoa chỉ ra rằng trên sách báo tiếng Việt hiện nay có nhiều trường hợp lạm dụng tiếng nước ngoài trong khi tiếng Việt có từ ngữ tương ứng.

Có những người thích dùng các từ như computer (máy vi tính), producer (nhà sản xuất), manager (người quản lý), paparazzie (thợ săn ảnh), mobile phone (điện thoại di động)…

Đồng tình với ý kiến của thầy Trịnh Quỳnh, cô Nguyễn Hải Anh (giáo viên Ngữ văn, Hà Nội) chia sẻ, ở học kỳ I năm lớp 12, sách giáo khoa có hai bài đều nói về việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.

Theo cô Hải Anh, các ví dụ như fan, Smarphone nên hạn chế trong những hoàn cảnh chính thống, trang trọng. Đặc biệt, ngữ liệu của đề thi mang tính chất quốc gia càng không nên sử dụng.

Bộ GD-ĐT nên lựa chọn một văn bản khác có nội dung tương tự, thuần Việt. Nhất là trong bối cảnh hội nhập như hiện nay, việc giáo dục ý thức sử dụng sự trong sáng của tiếng Việt là điều cần thiết.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại