Từ tháng 5 đến tháng 10-2020, nắng nóng và nhiều bão hơn

SGGP |

Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia vừa công bố báo cáo dự báo tình hình thời tiết và thiên tai cả nước từ tháng 5 đến tháng 10-2020.

Theo dự báo, trong tháng 5, nhiệt độ trung bình trên phạm vi cả nước sẽ cao hơn trung bình cùng kỳ nhiều năm gần đây khoảng 0,5oC - 1oC. Riêng khu vực Bắc bộ, Bắc Trung bộ có thể cao hơn tới 1oC - 2oC so với trung bình cùng kỳ.

Tại miền Nam, thông thường từ tháng 5 sẽ bước vào mùa mưa, thời tiết dịu hơn, nhưng năm nay, nắng nóng sẽ còn tiếp tục xuất hiện nhiều ngày tại khu vực Đông Nam bộ trong nửa cuối tháng 4 đến nửa đầu tháng 5.

Trên phạm vi cả nước, các đợt nắng nóng gay gắt sẽ tập trung từ nửa cuối tháng 4 đến tháng 5 ở Tây Bắc bộ, từ tháng 5 đến tháng 6 ở Đông Bắc bộ, từ tháng 4 đến tháng 8 tại khu vực Bắc Trung bộ và Trung Trung bộ.

Mùa bão năm 2020 trên biển Đông có xu hướng hoạt động muộn hơn so với mọi năm, nhưng năm nay bão sẽ nhiều hơn năm 2019 và xấp xỉ trung bình nhiều năm.

Cụ thể, sẽ có khả năng xuất hiện khoảng 11 - 13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới trên biển Đông, trong đó có 5 - 6 cơn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, tập trung nhiều ở khu vực Trung bộ và Nam bộ trong những tháng cao điểm của mùa bão năm 2020.

Cập nhật đến chiều 19-4 của Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia cho biết, nhiều nơi tại Tây Bắc của miền Bắc, khu vực miền Trung, khu vực Tây Nguyên và cả miền Tây Nam bộ đã có nắng nóng gay gắt, độ ẩm chỉ còn 45%-60%, nhiệt độ vượt 35oC.

Trong đó, tại Biên Hòa - Đồng Nai là 35,6oC; tại Hậu Giang là 35,9oC; Tuyên Hóa - Quảng Bình: 36oC; Nam Đông - Thừa Thiên Huế 36,5oC…

Do ảnh hưởng rìa phía Nam của rãnh áp thấp có trục ở khoảng 25-28 độ vĩ Bắc nối với vùng áp thấp nóng phía Tây phát triển rộng về phía Đông nên từ ngày 20-4 đến ngày 22-4, nắng nóng sẽ xảy ra trên diện rộng ở khu vực Tây Bắc bộ, Bắc Trung bộ và Trung Trung bộ, có nơi trên 38oC, độ ẩm chỉ còn 30%-60%.

Ở khu vực Nam bộ, từ ngày 20-4 đến ngày 23-4 cũng có nắng nóng diện rộng, có nơi trên 37oC, độ ẩm 40%-60%. Từ ngày 24-4, nắng nóng sẽ giảm dần ở Nam bộ.

Cũng theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, tổng lượng mưa ở vùng ĐBSCL từ nay đến tháng 6-2020 phổ biến ở mức thấp hơn cùng kỳ; từ tháng 7 đến tháng 9 lượng mưa tương đương trung bình nhiều năm.

Thời điểm bắt đầu mùa mưa có thể xuất hiện vào giữa tháng 6-2020, muộn hơn so với cùng kỳ năm 2019 và trung bình nhiều năm.

Trong khi đó, tổng lượng dòng chảy của sông Mê Công về ĐBSCL từ tháng 3 đến cuối mùa khô năm 2020, dự báo ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm 15%-20% và ở mức tương đương cùng kỳ năm 2016.

Đối với bão năm 2020 trên khu vực biển Đông có xu hướng hoạt động muộn hơn so với trung bình nhiều năm...

Dự báo từ tháng 6 đến tháng 9-2020 là thời kỳ mùa lũ trên sông Mê Công và vùng đầu nguồn sông Cửu Long. Với những nhận định trên về tình hình lượng mưa năm nay thấp và muộn, các nhà chuyên môn dự báo ít có khả năng xuất hiện lũ sớm ở đầu nguồn sông Cửu Long.

Bên cạnh đó, đỉnh lũ năm 2020 ở đầu nguồn sông Cửu Long có khả năng chỉ ở mức từ báo động 1 đến báo động 2, thấp hơn đỉnh lũ của trung bình nhiều năm 0,2-0,4m.

Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cho rằng, nếu trường hợp lũ thấp và điều kiện thuận lợi thì khả năng vụ lúa thu đông năm 2020 ở ĐBSCL có thể sản xuất tới 750.000ha (tăng 27.000ha so cùng kỳ năm 2019), sản lượng ước đạt gần 4,2 triệu tấn (tăng 224.000 tấn so cùng kỳ 2019).

Thời vụ lúa thu đông ở ĐBSCL cần phân theo vùng nhằm bố trí thích hợp. Cụ thể, ở vùng ngập sâu thuộc Đồng Tháp Mười (gồm Đồng Tháp, Long An…) và tứ giác Long Xuyên (gồm An Giang, Kiên Giang…) áp dụng xuống giống lúa thu đông vào cuối tháng 6, đầu tháng 7.

Còn vùng ngập nông như ở Cần Thơ, Vĩnh Long, Hậu Giang, Tiền Giang... tương đối thuận lợi cho sản xuất 3 vụ, không bị ảnh hưởng nhiều của ngập lũ thì xuống giống vụ thu - đông vào đầu tháng 7 và kết thúc vào ngày 10-8.

Tuy nhiên, cần phải theo dõi chặt diến biến của lũ, mưa bão và tăng cường kiểm soát tình hình sản xuất lúa hè thu 2020 để có kế hoạch cụ thể cho vụ thu đông một cách hợp lý.

Về cơ cấu giống nên ưu tiên sử dụng một số giống lúa thơm với tỷ lệ chiếm khoảng 30% diện tích; đối với các giống lúa chủ lực phục vụ xuất khẩu cần chiếm tỷ lệ 50%-60%; hạn chế sản xuất các giống lúa chất lượng trung bình…

Các nhà chuyên môn cũng lưu ý, việc nhận định diễn biến lũ năm 2020 vào thời điểm này là sớm, do đó cần tiếp tục cập nhật khi có thêm các thông tin dự báo tình hình mưa trong thời gian tới.

Tinh thần chung là chủ động sớm việc ứng phó với các tình huống thiên tai bất thường có thể xảy ra trong mùa mưa lũ, nhằm bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của người dân và đảm bảo sản xuất hiệu quả...

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại