1. Sư tử cái: không chỉ là "hư danh"
Ta thường nghe "dữ y hệt sư tử cái" như một cách nói không mấy tốt đẹp về người phụ nữ. Nhưng ngoài tự nhiên thì vai trò của con cái đối với đàn sư tử ra sao?
Trên thực tế, con đực vẫn có vai trò quan trọng nhưng con cái cũng "không phải dạng vừa đâu".
Khác với suy nghĩ của nhiều người, không phải các chàng mà sư tử cái mới là những chiến binh săn mồi thực thụ. Chúng có vóc dáng nhỏ hơn nhưng cực kỳ nhanh nhẹn và linh hoạt.
Ngoài ra, bầy sư tử lúc nào cũng vây quanh một nhóm con cái có quan hệ huyết thống với nhau.
Còn sư tử đực thì... có thể thay đổi! Nó có nhiệm vụ đi tuần tra và bảo vệ bầy, cho tới khi bị đuổi đi hoặc giết chết bởi một con đực khác khỏe mạnh hơn.
2. "Queen bee": loài ong mật do nữ hoàng thống trị
Tương tự như "sư tử cái" thì "queen bee" cũng là một cách nói có căn cứ khoa học đàng hoàng. Bởi tổ ong mật luôn có một nữ chúa tối cao và là mẹ đẻ của cả đàn ong.
Ong chúa có kích thước lớn hơn tất thảy và cũng là con cái duy nhất có khả năng sinh sản. Vào mấy tháng hè, nó có thể sinh ra tới 1.500 trứng mỗi ngày.
Con gái của ong chúa chính là ong thợ. Chúng bao quanh và đáp ứng mọi nhu cầu từ thức ăn, chải chuốt đến việc dọn vệ sinh cho "nữ vương".
Trong khi đó, ong đực chỉ có nhiệm vụ duy nhất là... duy trì nòi giống. Việc này tuy "nhẹ" nhưng "lương thưởng" chả cao tý nào!
Ong đực thường chết sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ giao phối. Ngoài ra, nếu ong cái có 2 nhiễm sắc thể thì ong đực chỉ có một mà thôi, vì vậy nó rất dễ mắc các bệnh nguy hiểm.
3. Vịt: Yêu là chuyện của nàng
Lý do là bởi âm đạo của vịt cái có hình xoắn ốc theo chiều kim đồng hồ, với nhiều chỗ sắc và "cú ngoặt" bất ngờ. Trong khi đó, dương vật của vịt đực lại xoắn ngược chiều kim đồng hồ.
Vịt đực: không bao giờ có thể "ép uổng" con cái trong chuyện "yêu"
Vì vậy, các nhà nghiên cứu ở ĐH Yale kết luận rằng nếu vịt cái đã từ chối thì con đực khó mà bắt ép nó được. Trên thực tế, 95% vịt con sinh ra đều là kết quả của những mối tình tự nguyện.
4. Cá voi sát thủ: khi các mẹ làm chủ cuộc săn
Cá voi sát thủ là loài rất thông minh và có tổ chức xã hội cao, trong đó bà mẹ lớn nhất sẽ dẫn dắt cả đàn.
Chúng là một trong số ít loài vật mà con cái có thể sống tiếp nhiều năm sau khi đã qua thời kỳ sinh sản.
Cá voi đực chỉ thọ khoảng 50 tuổi. Đây cũng là tuổi mà con cái ngừng sinh đẻ, nhưng nó sẽ sống tiếp thêm 40 năm nữa và bắt đầu giữ vai trò lãnh đạo.
Cá voi mẹ sẽ bơi lên phía trước, định vị phương hướng và nhờ vào kinh nghiệm "lão làng" của mình để dẫn các con tìm đến nơi có nguồn thức ăn dồi dào.
5. Linh cẩu đốm: Con nào dữ hơn ắt hẳn là con cái
Linh cẩu đốm châu Phi là loài lớn nhất trong họ hàng linh cẩu. Và rất khó phân biệt đực - cái ở loài này vì con cái cũng có... dương vật giả. Thậm chí bộ phận này còn giúp con cái đi vệ sinh và quan hệ tình dục.
Dương vật giả của linh cẩu cái khiến rất khó phân biệt nó với con đực
Vì ngoại hình quá giống nhau nên cách dễ nhất để phân biệt linh cẩu đực hay cái có lẽ là quan sát... thái độ. Linh cẩu cái to lớn, quyền uy và hung dữ hơn nhiều.
Linh cẩu cái to và hung dữ hơn hẳn con đực
Đàn linh cẩu từ 60-100 cá thể đều được dẫn dắt bởi những con cái. Thậm chí, con cái chưa trưởng thành vẫn có "tiếng nói" trong đàn hơn con đực.
Một số nhà nghiên cứu cho rằng lí do của việc này là do quá trình tiến hóa. Linh cẩu đốm châu Phi không có mùa sinh sản cố định.
Cách 1-2 năm mới đẻ ra hai con, một trong số chúng lại chết khi chưa kịp trưởng thành. Để duy trì nòi giống, vai trò của linh cẩu cái phải được đề cao hơn. Chúng không chỉ trực tiếp mang thai mà còn chăm sóc con non tốt hơn so với linh cẩu đực.
6. Cá vây chân: Nàng là tất cả nguồn sống
Loài cá vây chân lúc nào cũng nằm trong vòng bí ẩn vì chúng sống dưới đáy biển sâu thẳm, lạnh lẽo và thiếu lương thực.
Vì thiếu thức ăn, con cá mái khổng lồ hạn chế di chuyển, bơi rất nhẹ nhàng và giăng ra những "chiếc tua" như cảnh báo kẻ săn mồi hãy tránh xa.
Nhưng... ơ kìa, bạn có thấy một vật thể nho nhỏ bám rất chắc dưới bụng cá không? Đó chính là con cá vây chân trống đấy!
Theo bản năng tự nhiên của mình, các con cá vây chân trống sẽ dành cả "thanh xuân" để theo đuổi một nàng cá mái. Tìm được rồi, "hắn" sẽ bám vào, hấp thụ chất dinh dưỡng của con mái và đáp lại bằng cách... tham gia vào quá trình sinh sản.
Nếu không tìm được con mái, cá trống sẽ chết. Vậy mới nói cá vây chân mái là toàn bộ nguồn sống của "các chàng", theo nghĩa đen!
Theo The Dodo, Love Nature