Tự sự của những người dính bùa mê thuốc lú ma túy

Trần Huy |

Với sức lôi cuốn ghê người của nó, ma túy đã và đang khiến một bộ phận dân chơi bị lệ thuộc, khiến nhiều gia đình, dư luận xã hội bức xúc. Ngăn chặn, đẩy lùi hiểm họa ma túy là trách nhiệm không của riêng ai.

Tâm sự của dân chơi “không khói”

Thời gian qua, bên cạnh các loại ma túy truyền thống như: heroin, thuốc phiện, sự xuất hiện của ma túy mới như: “đá”, thuốc lắc, tài mà, ketamine… đã và đang khiến một bộ phận dân chơi là giới trẻ bị lệ thuộc.

Tiếp xúc với chúng tôi, anh Tô Việt T, 35 tuổi, nhà ở TP Thanh Hóa (Thanh Hóa) không giấu được sự chán chường. T sử dụng heroin từ năm 2000. 18 năm qua, là 18 năm T bị những cơn thèm thuốc hành hạ.

Từ một chàng trai khôi ngô, khỏe mạnh, sau những cuộc chơi thâu đêm, cơ thể T trở nên tàn tạ.

T tâm sự, là con trai út trong một gia đình khá giả có 3 anh em, từ nhỏ T được người thân chiều chuộng. Bước vào năm học lớp 12, trong một lần dự sinh nhật, nghe theo lời rủ rê của đám bạn: “Chơi thử một bi “hê” (heroin) đi, không nghiện đâu!”, T bèn tặc lưỡi.

Kể từ ngày đó, cuộc sống của T bị đảo lộn. Những buổi lên lớp đã thưa dần. Thay vào đó là những cuộc tụ tập, ăn chơi thác loạn với heroin.

Do thiếu tiền mua ma túy sử dụng, nên nhiều tài sản trong gia đình như: xe máy, tivi, điện thoại, dây chuyền… cứ thế “đội nón” theo T ra đi.

Năm 2007, T lập gia đình và có một cậu con trai kháu khỉnh. Những tưởng từ đây, T sẽ cai nghiện, tránh xa những hiểm họa ma túy. Nhưng nào có ngờ, chính những lần lên bar, hát karaoke với đám bạn, T càng ngập sâu vào heroin hơn.

Để rồi, đầu năm 2017, gia đình và chính quyền địa phương phải đưa T vào Cơ sở cai nghiện ma túy số 3, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP Hà Nội để cai nghiện.

“Theo phác đồ điều trị, đầu năm 2019, em sẽ về nhà. Lần này, em quyết không để ma túy lôi cuốn nữa. Em phải làm lại cuộc đời thôi, khổ lắm rồi anh ạ!”, ngước đôi mắt về phía xa, T bảo.

Nghe tâm sự của T về những cuộc chơi thâu đêm, về cơn ảo giác do ma túy đem lại cũng như sự ân hận của mình, chúng tôi thấy thật nhói lòng. Ma túy đã khiến con người ta trở nên mất lý trí, không còn phân biệt được hành động nào đúng, hành động nào sai.

Tự sự của những người dính bùa mê thuốc lú ma túy - Ảnh 1.

Để không bị cơn nghiện, "ngáo đá" hành hạ - hãy tránh xa ma túy.

Cùng với heroin, sự xuất hiện của ma túy “đá”, thuốc lắc đã khiến nhiều dân chơi mê sảng, rối loạn hành vi, loạn trí nhớ, cơ thể bị tàn phá.

Mai Tiến D ở TP Lạng Sơn (Lạng Sơn) năm nay 27 tuổi. Bề ngoài trông D khá thư sinh, nhưng ít ai biết rằng, D đã có gần 10 năm là đệ tử của heroin, ma túy “đá”.

D chơi “hê” từ cuối năm lớp 12. Giấc mơ được trở thành kỹ sư cơ khí thuở nhỏ của D theo đó bị bỏ dở. Không chỉ sử dụng heroin, D còn “đập đá”, nên cơ thể của D không tránh khỏi bị thuốc tàn phá.

Mặt mũi, chân tay bị những vết mụn nhỏ, lở loét đua nhau bủa vây do ma túy gây ra.

Trong câu chuyện với chúng tôi, D không ít lần nhắc đến vợ và người con đang học lớp 1 ở quê. Mỗi lần như vậy, D lại cúi gằm mặt xuống.

“Cai nghiện rồi, về nhà có còn đi chơi thác loạn với ma túy nữa không?”, tôi hỏi. “Em chừa rồi, chừa rồi”, D quả quyết.

Nâng cao trách nhiệm của gia đình và cộng đồng xã hội

Sáng 25-6, có mặt tại Cơ sở cai nghiện ma túy số 5, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP Hà Nội, chúng tôi thấy khá đông học viên của 7 cơ sở cai nghiện ma túy đóng trên địa bàn thành phố về đây tham dự cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật về phòng, chống ma túy” dành cho học viên các cơ sở cai nghiện ma túy trên địa bàn TP Hà Nội năm 2018.

7h15, trong phòng tập phục hồi sức khỏe, học viên Nguyễn Phi N, 38 tuổi, nhà ở quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cùng các thành viên trong Đội thi thuộc Cơ sở cai nghiện ma túy số 5 tập dượt lại tiểu phẩm “Động đến thiên đình” tham gia dự thi.

Được biết N “chơi” heroin từ năm 2003. Năm 2008 thì chuyển sang sử dụng ma túy “đá”.

Không muốn cơn nghiện, “ngáo đá” hành hạ nữa, cuối năm 2017, N viết đơn tình nguyện vào Cơ sở cai nghiện số 5 để cai nghiện. 1-2 tháng đầu khi vào đây, N liên tục bị đau đầu, sốt, người bủn rủn (do hậu quả của ma túy gây ra).

Thời gian sau khi cơn nghiện đã dứt, N thấy người khỏe hơn rất nhiều. Ngày ngày, ngoài giờ lên lớp học nghề, tìm hiểu kiến thức pháp luật, N còn tập thể hình, chơi thể thao.

“Trung tuần tháng 3-2018, khi nhận được thông tin thành phố tổ chức cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật về phòng, chống ma túy”, mình đã đăng ký tham gia. Mình cũng chính là người viết kịch bản tiểu phẩm “Động đến thiên đình”, N kể.

Đội thi của anh gồm 15 thành viên và tiểu phẩm trên đề cập đến sự xâm nhập của ma túy khiến xã hội rối loạn, động đến cả thiên đình, khiến Ngọc Hoàng tức giận...

Thông qua tiểu phẩm để người xem hiểu rõ hơn về những tác hại do ma túy gây ra, từ đó tránh xa ma túy.

Trong hội trường nơi diễn ra cuộc thi thật huyên náo. Những tràng pháo tay cổ vũ của các học viên, cổ động viên vang lên không ngớt.

Ở phần thi hùng biện, nữ học viên Hoàng Anh Đ, đến từ Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 đã khiến cả hội trường lặng đi vì những chia sẻ của mình. Đ trả lời các câu hỏi của Ban Giám khảo cuộc thi trong sự ăn năn hối hận.

Thông qua phần thi hùng biện của mình, Đ cho biết, bản thân từng có một thời gian là sinh viên với bao hoài bão. Nhưng vì ham chơi, a dua theo chúng bạn, không làm chủ bản thân, nên ma túy đã cướp đi tất cả.

“Tôi đã từng có một thời gian là sinh viên với biết bao hoài bão, muốn cống hiến sức mình cho tuổi trẻ, nhưng rồi ma túy đã cướp đi tương lai, cuộc sống của tôi.

Giờ đây, khi nhìn lại con đường vấp ngã, tôi mới thấy hiểm họa do ma túy gây ra là thế nào. Ma túy không còn là cụm từ xa lạ với chúng ta. Các bạn ơi! Hãy tránh xa ma túy nhé…!”, T tâm sự qua phần thi hùng biện của mình bằng chất giọng truyền cảm.

Bà Hồ Xuân Hương, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP Hà Nội, Trưởng Ban Tổ chức cuộc thi tìm hiểu pháp luật về phòng, chống ma túy (Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật TP Hà Nội) cho biết, ma túy là vấn đề mang tính toàn cầu.

Cuộc chiến phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy là một cuộc chiến vô cùng quyết liệt và đầy cam go. Trong những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền và các ngành, đoàn thể thành phố đã tập trung chỉ đạo quyết liệt về công tác đấu tranh phòng, chống ma túy.

Cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật về phòng, chống ma túy” được tổ chức nhằm mục đích phổ biến về kiến thức pháp luật về phòng chống tội phạm ma túy, các quy định của pháp luật về xử lý tội phạm và tệ nạn ma túy, cũng như nâng cao nhận thức của học viên về hậu quả, tác hại của ma túy, qua đó có ý thức hơn trong việc quyết tâm từ bỏ ma túy, hạn chế tái nghiện khi trở về cộng đồng.

Cũng theo bà Hồ Xuân Hương, để công tác phòng chống ma túy đạt hiệu quả hơn nữa, cần phải có sự chung tay của các cấp, các ngành, cộng đồng xã hội và đặc biệt là vai trò, trách nhiệm của gia đình trong việc quản lý, giáo dục thành viên trong gia đình về tác hại của ma túy và thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống ma túy.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại