Từ sắc màu thần thoại đến mức giá “trên trời”, đây chính là báu vật của người Iran mà họ vẫn… giẫm lên hàng ngày

Đạt Lê |

Báu vật này có tuổi đời lên tới 2.500 năm nên không thiếu những truyền thuyết về nó, và giá trị thực tế cũng khiến bạn phải đứng hình!

Đất nước Iran từng là vương quốc Ba Tư hùng mạnh, và vật báu mà mọi người dân đều trân trọng mà nhiều người muốn nhắc đến ở đây chính là tấm thảm Ba Tư.

Tại sao ư? Bởi những câu chuyện nổi tiếng về tấm thảm đều chỉ xoay quanh các bậc đế vương mà thôi!

Hãy bắt đầu với tấm thảm bay thần kỳ trong 1.001 đêm. Bạn có biết nó là hiện thân của cái xấu?

Những câu chuyện về thảm bay trong Nghìn lẻ một đêm đã làm say đắm hàng triệu độc giả trên thế giới. Câu chuyện nổi tiếng nhất là về Hoàng tử Husain - người con trai cả của quốc vương Indies.

Chàng đã du hành đến Bisnagar ở Ấn Độ và mua được một tấm thảm phép thuật. Nó có thể dịch chuyển chủ nhân từ chỗ này tới chỗ khác chỉ trong nháy mắt.

Từ sắc màu thần thoại đến mức giá “trên trời”, đây chính là báu vật của người Iran mà họ vẫn… giẫm lên hàng ngày - Ảnh 1.

Một câu chuyện khác liên quan đến Solomon. Chiếc thảm của Solomon có vẻ chậm chạp hơn một chút so với của Hoàng tử Hisain, nhưng vẫn có thể “bay trên không trung nhanh đến nỗi người cưỡi lên có thể ăn sáng ở Damascus và ăn tối ở Medina” (quãng đường hơn 1.200km).

Có lẽ thảm của Solomon bay “hơi chậm” là do kích thước vĩ đại của nó. Theo lời đồn, đó là một tấm thảm vuông có cạnh dài tới gần 100km.

Nhưng bạn biết không, những tấm thảm thần mà mọi đứa trẻ đều ao ước lại bị… “hắt hủi” bởi người Iran.

Các nhà khảo cổ đã tìm thấy một bản thảo vào thế kỉ 13 do học giả người Do Thái - Isaac Ben Sherira - viết. Bản thảo này được phát hiện trong một lâu đài gần bến cảng Caspi thuộc Iran ngày nay.

Từ sắc màu thần thoại đến mức giá “trên trời”, đây chính là báu vật của người Iran mà họ vẫn… giẫm lên hàng ngày - Ảnh 2.

Theo vị học giả, người Hồi giáo cho rằng, thảm bay có nguồn gốc xấu xa, ma quái. Chỉ có những tên trộm hay kẻ sống ngoài lề xã hội mới dùng chúng mà thôi.

Dù vậy, đôi khi hoàng gia cũng sử dụng trong tình thế hiểm nghèo. Ví dụ như vào năm 1213, hoàng tử xứ Toran đã tẩm độc vào thảm và cho nó bay đến lâu đài của kẻ thù, tiêu diệt toàn bộ đội bắn tên.

Cũng theo học giả Ben Sherira, thảm bay bị chối từ bởi người Iran vì 2 lý do. Thứ nhất, bay là một đặc quyền của thánh thần mà kẻ phàm trần không nên bắt chước. Thứ hai, tốt hơn là chúng ta cứ đi ngựa hay lạc đà để… các chủ trang trại còn có kế sinh nhai nữa chứ! Lập luận của vị học giả từ tuốt thế kỉ 13 nghe cũng hợp lý phết nhỉ?

Dù sao, nếu bạn còn muốn khám phá tiếp thì đây là những câu chuyện bớt “ảo” hơn về tấm thảm Ba Tư.

Thảm đá quý của vua Balash (trị vì 484 - 488)

Vị vua này được cho là sở hữu một viên kim cương khổng lồ độc nhất vô nhị. Nhưng nó đã bị cướp mất và trên đường tháo chạy, bọn trộm lại… đánh rơi.

Từ sắc màu thần thoại đến mức giá “trên trời”, đây chính là báu vật của người Iran mà họ vẫn… giẫm lên hàng ngày - Ảnh 3.

Viên kim cương vỡ ra thành ngàn mảnh, trải dài như một tấm thảm lấp lánh huyền ảo.

Vị vua nhìn thấy viên kim cương tan tành thì trái tim ông như cũng vỡ vụn, từ chối trở về cung điện. Các cận thần của ông bèn nghĩ ra cách sau.

Họ dệt ra một tấm thảm đầy màu sắc và vô cùng tinh tế, giống hệt như “tấm thảm kim cương” kia.

Theo truyền thuyết, tấm thảm “nhân tạo” này sẽ trải dài, dài mãi và vị hoàng đế có thể lần theo nó để trở về cung điện.

Người đời sau cho rằng câu chuyện này ngụ ý về vai trò chữa lành vết thương tâm hồn của nghệ thuật, cụ thể là nhờ tấm thảm Ba Tư.

“Mùa xuân của Vua Khosro” - Một trong những tấm thảm quý giá nhất bị cướp mất

Đó là tấm thảm cực kỳ lớn và nặng đến… vài tấn, được chế tác dưới thời vua Khosro I (531 - 579). Choáng hơn nữa là bất chấp kích thước “quá khổ” của mình, tấm thảm gần như được dệt bằng tơ lụa hảo hạng!

Các nhà sử học mô tả nó như sau:“Đường viền của thảm được dệt thành những đóa hoa tuyệt đẹp, nở trên hòn đá màu xanh, đỏ, vàng, trắng.

Giữa tấm thảm là những hòn đá trong suốt phản chiếu bóng hình của nước. Cây cỏ và các loại quả cũng mọc lên từ những hòn đá đầy sắc màu như vậy”.

Vua Khosro I được cho là đã bước dọc theo tấm thảm mỗi ngày suốt mùa đông lạnh giá, để tự nhắc mình về một mùa xuân tươi đẹp phía trước.

Buồn thay, đến năm 637, người Ả Rập tới xâm lược, cướp mất tấm thảm mùa xuân. Nó bị cắt nhỏ thành nhiều mảnh và bán ra khắp mọi nơi.

Và sự thật là...

2.500 năm trước, thảm Ba Tư bắt đầu được dệt bởi các bộ tộc du mục để chống lại sự lạnh giá và ẩm ướt từ nền đất. Nhưng chính kĩ thuật dệt điêu luyện và khối óc sáng tạo đã đưa thảm Ba Tư trở thành nghệ thuật đỉnh cao, truyền từ đời này qua đời khác.

Từ sắc màu thần thoại đến mức giá “trên trời”, đây chính là báu vật của người Iran mà họ vẫn… giẫm lên hàng ngày - Ảnh 4.

Qua hàng ngàn năm, những tấm thảm chứng kiến cả thịnh vượng, suy tàn và binh biến khói lửa của người Iran.

Ngày nay, dệt thảm tiếp tục là nghề thủ công phổ biến nhất ở Iran và đem lại lợi nhuận xuất khẩu lớn thứ 2 cho đất nước, chỉ sau dầu mỏ.

Đặc biệt hơn, dù đã có máy móc hiện đại nhưng thảm dệt tay mới là quý giá nhất. Nó chứa đựng tâm tình của người thợ thủ công. Họ gửi vào đó một chuyện tình, một ngụ ngôn hay một tấm bản đồ cổ cũng không biết chừng.

Từ sắc màu thần thoại đến mức giá “trên trời”, đây chính là báu vật của người Iran mà họ vẫn… giẫm lên hàng ngày - Ảnh 5.

Thảm Ba Tư với nhiều người Iran không chỉ là biểu trưng của quyền thế và sự thịnh vượng mà còn là thiên đường của hàng ngàn sắc màu cuộc sống.

Bạn chỉ được phép bước chân trần lên tấm thảm.

Thậm chí đối với thảm quý, người ta còn treo trên tường và mua bảo hiểm cho nó nữa.

Một tấm thảm Ba Tư có nguồn gốc từ thế kỉ 17 từng được rao bán với mức giá ngất ngưỡng 3,5 triệu USD (khoảng 73 tỷ VND) ở New York.

Từ sắc màu thần thoại đến mức giá “trên trời”, đây chính là báu vật của người Iran mà họ vẫn… giẫm lên hàng ngày - Ảnh 6.

Một tấm thảm Ba Tư từ thế kỉ 17 được bán với giá 3,5 triệu USD tại Nazmiyal Antique Rugs, New York.

Tại nhiều cung điện, lâu đài hay các viện bảo tàng khắp thế giới, nếu bạn thấy một tấm thảm Ba Tư được trang hoàng lộng lẫy thì rất có thể nó chính là thứ quý giá bậc nhất của toàn bộ tòa nhà đó.

Theo Medium, Little Persia, NY Times...

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại