Từ phóng sinh đến sát sinh

AN SƠN |

Rằm tháng Bảy và rằm tháng Giêng là hai dịp lễ trọng của người Việt. Đặc biệt rằm tháng Bảy lại kèm theo lễ xá tội vong nhân với ý nghĩa giải thoát cho các "oan hồn" vất vưởng, cho nên các cách thức cúng càng cầu kỳ.

Tất cả các kiểu cúng lễ trên đời đều do con người ở mỗi nơi nghĩ ra, tùy theo niềm tin và nhận thức của họ. Suy cho cùng, các luật lệ trên trần gian đều do người còn sống toàn quyền quyết định và “tự tung tự tác”. Người chết rõ ràng không có cách nào để thể hiện sự đồng thuận hay phản đối. Căn cứ vào thực tế cúng lễ, cũng ở cõi âm nhưng người Á Đông có điều kiện “vật chất” khá thoải mái nhờ vàng mã người thân đốt xuống. Người phương Tây khi còn sống nói chung được hưởng nhiều tiện nghi (do kinh tế phát triển hơn) đâm ra khi thác xuống phải chịu đói rét thiếu thốn không có quần áo, người hầu, nhà lầu, xe hơi… để bù vào?!

Những người theo đạo Phật có thêm nghi lễ phóng sinh sau khi cầu siêu hoặc bất cứ buổi cúng nào có tính chất giải nghiệp. Nghi lễ này dựa trên quan điểm của Phật Thích Ca về việc sát sinh. Những đệ tử của Phật không chỉ không giết chóc mà còn ngăn người khác bằng việc cứu những con vật có nguy cơ bị giết.

Thuở người còn mưu sinh bằng săn bắt, hái lượm, việc này cũng khá hợp lý. Ngày nay chả ai chuộc chó, mèo, gà, lợn... để thả đi. Vì chúng mặc định phải được nuôi hoặc bị làm thịt. Vậy nên để phóng sinh, người ta buộc phải ra chợ mua những loài vật có thể sống trong môi trường hoang dã, lý tưởng là các loài thủy sinh cá, ốc, lươn, cua… Vì nếu không có người phóng sinh mua, các con này vẫn được tiêu thụ như thực phẩm. Nên không có chuyện bắt ốc hay nuôi cá chỉ để phóng sinh. Trừ việc nuôi cá chép vàng để bán cho người cúng ông Táo vào 23 tháng Chạp. Đây cũng là một kiểu cúng bịa, cốt để bày biện cho đẹp mâm cúng. Bởi theo truyền thống phải cúng cá giấy cùng với quần áo giấy mới đồng bộ. Cúng cá sống chẳng khác nào mong nó chết (cũng như vàng mã phải hóa đi) để ông Táo làm vật cưỡi.

Khó hiểu nhất là việc phóng sinh bồ câu. Đây là loài chim nuôi, khi bị mua để phóng sinh trong thành phố, chắc chắn chúng sẽ gặp khó khăn trong việc kiếm ăn và dễ bị bắt làm thịt hoặc chết đói. Tuy nhiên nó đem lại những hình ảnh đẹp khi chụp ảnh quay phim nên bồ câu vẫn là loài vật được ưa chuộng. Nếu được phóng sinh ở gần chuồng, chúng chỉ việc quay về với chủ cũ và tiếp tục được đem bán. Rất là tiện lợi.

Để có thể phóng sinh chim sẻ trước hết phải có những người bẫy và đem chúng đi bán. Vì vậy việc phóng sinh ở đây nằm trong một vòng tròn luẩn quẩn, có dấu hiệu tạo nghiệp khá rõ: Vì anh phóng sinh nên tôi mới đi bẫy chim. Tất nhiên cũng có trường hợp người ta bẫy chim sẻ về để ăn, thường không phải để chống đói mà để làm mồi nhậu. Dù với động cơ nào, việc bắt giết chim sẻ cũng có hại. Vì sẻ là thiên địch của các loài sâu bọ phá hại mùa màng.

Việc phóng sinh thiếu tìm hiểu còn dẫn đến những ẩn họa khôn lường từng được ghi nhận. Như việc thả ốc bươu vàng, rùa tai đỏ, cá chim trắng, cá hải tượng… đều là những sinh vật ngoại lai có hại cho hệ sinh thái bản địa. Nghĩa là phóng sinh được một con nhưng làm rất nhiều con khác bị “sát sinh”.

Căn cứ vào các lệ bộ khi nhà chùa làm lễ phóng sinh có thể thấy đây không đơn thuần là việc thả động vật ra tự nhiên, hình như còn thể hiện mong muốn khai tâm cho chúng bằng lời kinh và hướng cho chúng vào một kiếp sau tốt đẹp, tỉnh thức hơn... Đại loại vậy.

Chúng ta cứ coi như đã đạt tới một kiếp sống tốt đẹp rồi, vậy chắc là nên tỉnh thức trong càng nhiều hoạt động càng tốt. Qua việc quyết định chọn việc gì để làm và làm đến đâu thì vừa… Chẳng hạn với tôi mắc màn cũng là một hình thức “phóng sinh” vì nó tránh cho tôi động tác đập muỗi và cũng tránh luôn sự mệt mỏi vì bị muỗi đốt.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại