“Han” là đặc trưng văn hoá chỉ có ở Hàn Quốc. “Han” không có từ dịch nghĩa tương đương. “Han” chính là sự căm giận được tích tụ theo năm tháng và không bao giờ chấm dứt đối với người Hàn.
Tưởng như sự căm giận, hận thù sẽ bào mòn và huỷ hoại con người nhưng Hàn Quốc đã triệt để tận dụng căn tính dân tộc để biến mình trở thành siêu cường về kinh tế.
Nền kinh tế đứng thứ 11 trên thế giới và sự xâm lược văn hoá
Những năm 1960, Hàn Quốc là một quốc gia không có gì. Điểm duy nhất khiến người ta nhớ đến là đội quân lính đánh thuê Park Chung Hee lạnh lùng và tàn bạo.
Hàn Quốc những năm đó không có những thương hiệu toàn cầu đình đám mà chỉ có Samsung bị giễu nhại là Samsuck – mọi linh kiện sản xuất ra đều là rác.
Không Samsung, LG, Hyundai, không những oppa hấp dẫn, không gì cả. Hàn Quốc dường như là con số 0.
Nhưng rồi điều kỳ diệu đã xảy ra. Hàn Quốc bắt đầu chinh phục thế giới bằng tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân liên tục trong 40 năm đạt 7,6%.
Tổng sản phẩm quốc nội trên đầu người (tính theo sức mua tương đương) của nước này đã nhảy vọt từ 100 USD năm 1963 lên 10.000 USD vào năm 1995; 25.000 USD vào năm 2007 và đạt mức 32.400 USD vào năm 2014.
Đến năm 2015, Hàn Quốc là nước có nền kinh tế đứng thứ 11 trên thế giới và là nước châu Á đứng thứ 3 sau Nhật Bản và Singapore với thu nhập bình quân đầu người đứng thứ 28 trên thế giới.
Sự chuyển mình đáng kinh ngạc Hàn Quốc đã trở thành một điều kỳ diệu mang tên "Kỳ tích sông Hàn".
Nhưng thành công về kinh tế chỉ là một khía cạnh của Hàn Quốc. Họ, từ đất nước bị xâm lược, đang đi xâm lấn nước khác, không tiếng súng, tiếng bom, họ xâm lược bằng văn hoá.
Làn sóng Hallyu (làn sóng Hàn Quốc) đã trở nên quá phổ biến. Nó gây ảnh hưởng lên toàn châu Á và đang vươn mạnh ra thế giới.
Trước khi thủ tướng Thái Lan kêu gọi người dân xem “Hậu duệ mặt trời”, trước khi lượng người xem Gangnam Style khiến cho bộ đếm của Youtube bị lỗi thì Nàng Dae Jang Geum đã khiến người dân Iran phải đổi giờ ăn…
Vẻ đẹp Hàn Quốc đã trở thành chuẩn mực. Từ tóc nâu môi trầm thời phim “Mối tình đầu” cho đến những vẻ đẹp tự nhiên trong suốt mong manh như Song Hye Kyo đã trở thành mode khiến toàn nữ giới điên đảo.
Cơn sóng Hallyu đi qua để lại những vẻ đẹp tương tự nhau vì giờ đây kín những biển hiệu quảng cáo thẩm mỹ là “nâng mũi công nghệ hàn quốc” “phun thêu lông mày Hàn Quốc” hay “cắt mí vẻ đẹp Hàn Quốc”
Rồi thì người ta nói nhiều với nhau về cơn sốt giới trẻ, khi họ phát cuồng với những Idol đến từ đất nước này.
Tiếng Hàn đã được nhiều bạn trẻ tìm học, Hàn Quốc trở thành một địa điểm được lựa chọn để du lịch,…
Tất cả những điều này đã khiến cho nhiều người lo ngại về một cuộc xâm lăng trên phương diện văn hoá.
Ở khía cạnh này, Hàn Quốc đã vượt mặt nhiều quốc gia lớn khác bởi tham vọng của Trung Quốc khi thành lập một loạt học viện Khổng Tử là thất bại song làn sóng Hallyu thì không.
Suối Cheonggyecheon ở thủ đô Seoul những năm 1960 (Ảnh: Internet
“Han” – nỗi hận quyết định số phận
“Han” là một từ không thể chuyển ngữ được trong tiếng Hàn. Nó là một căn tính đặc trưng của người dân nước này, chỉ sự căm giận, uất hận.
Nhưng khác với nỗi căm hận thông thường, sự hận thù này không bao giờ chấm dứt.
Nỗi hận này đã tích tụ, dồn nén suốt 5000 năm với 400 lần bị xâm chiếm. Người Hàn có “han” với người Nhật, sự thù hận này đã có hơn 600 năm.
Nỗi căm giận việc bị Nhật Bản đô hộ khiến hàng nghìn phụ nữ phải trở thành nô lệ tình dục, trẻ em đến trường không được học tiếng Hàn, hàng triệu người bị bóc lột sức lao động đã khiến việc trả thù, vượt qua Nhật Bản là khát vọng của Hàn Quốc.
Trẻ em từ lúc đi học đã có tâm lý “Han”. Tại sao đồ dùng Nhật Bản lại luôn tốt hơn đồ Hàn Quốc, tại sao một nhóm nhạc yêu thích của giới trẻ luôn biểu diễn ở Nhật mà không phải ở Hàn…
Chính “Han” là động lực quan trọng để người Hàn Quốc lao động cật lực và có phần cực đoan để đánh bại đối thủ truyền kiếp của mình.
Họ lao động một cách hăng say đến cực đoan.
Năm 1995, khi một số điện thoại trong dòng sản phẩm mới của Samsung bị lỗi, Lee Kun Hee – Chủ tịch của công ty đã đưa ra một quyết định kịch tính: yêu cầu nhân viên đập nát và đốt hết kho hàng.
Vài trăm ngàn chiếc điện thoại bị phá huỷ, đám cháy có giá 50 triệu đô để nhắc nhở toàn thể công ty “chất lượng là nhân cách và giá trị của tôi”.
Thay đổi, sáng tạo và liều lĩnh, từ Samsuck (cách gọi chế giễu Samsung ngày trước), năm 2002, Samsung đã đánh bại Sony của Nhật. Năm 2005, giá trị vốn hoá thị trường của Samsung là 75 tỉ USD, gấp 2 lần Sony.
Chính “Han” cũng là động lực để Hàn Quốc có những sự thay đổi đầu tiên cho đến khi trở thành cơn sóng với tham vọng văn hoá.
“Thật ra phần lớn động cơ của Hàn Quốc đến từ nỗ lực chiến thắng những con quỷ của chính họ, cả trong quá khứ và hiện tại” – Euny Hong, tác giả của cuốn “Giải mã Hàn Quốc sành điệu cho biết.