Từ người "ngoại đạo", ông Tập trở thành Thống soái tối cao của quân đội TQ như thế nào?

Nhà báo Kiều Tỉnh |

Bài học sâu sắc mà ông Tập Cận Bình nhận thấy sau khi lên nắm quyền là tình trạng tham nhũng trong nhiều năm đã để lại hậu quả lớn cho quân đội Trung Quốc.

Một phần quan trọng trong chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập, cùng với cuộc cải tổ lớn đối với Quân giải phóng nhân dân (PLA), là để khôi phục sức chiến đấu của lực lượng này, và bảo đảm quân đội trung thành với Trung Nam Hải.

Ngay sau khi trở thành lãnh đạo mới ở Đại hội toàn quốc khóa 18 của đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 11/2012, ông Tập Cận Bình liền bắt tay vào công cuộc cải cách và chấn chỉnh quân đội.

Ông phát biểu rằng lộ trình tái cơ cấu quân đội và các cơ quan đảng, chính quyền giống như xây dựng một tòa nhà lớn, cần phải có "tứ lương, bát trụ", tức là những rường cột vững chắc mà trước tiên là PLA phải tuân thủ phương châm đảng chỉ huy quân đội.

Cuộc tái cơ cấu quân đội được tiến hành trong nhiệm kỳ của ban lãnh đạo Trung Quốc khóa 18 (2012-2017), và sẽ còn tiếp tục sang nhiệm kỳ Đại hội 19, từ sau tháng 10/2017. Công cuộc này được chia làm ba giai đoạn: Thanh lọc đối tượng tham nhũng, biến chất; Chấn chỉnh và cải tổ theo cơ cấu tổ chức hoàn toàn mới; Xây dựng và hoàn thiện.

Đến nay, khi chỉ còn hơn hai tuần là Trung Quốc bước vào Đại hội 19, chương trình cải tổ PLA đã ở vào giai đoạn thứ ba.

Từ người ngoại đạo, ông Tập trở thành Thống soái tối cao của quân đội TQ như thế nào? - Ảnh 1.

Ông Tập tham dự Hội nghị công tác chính trị toàn quân tháng 10/2014 tại Phúc Kiến, Trung Quốc (Ảnh: Xinhua)

Ông Tập nắm chắc binh quyền

Hội nghị công tác chính trị toàn quân do Chủ tịch Tập Cận Bình, cũng là Chủ tịch Quân ủy trung ương Trung Quốc, triệu tập tại thị trấn Cổ điền, tỉnh Phúc Kiến vào tháng 10/2014, đánh dấu bước quan trọng trong thiết lập uy quyền của ban lãnh đạo khóa 18 đối với PLA.

Cách đây 88 năm, Mao Trạch Đông từng triệu tập cuộc họp tương tự tại cùng địa điểm, để xác định phương châm “Đảm bảo sự lãnh đạo tuyệt đối của đảng đối với quân đội”.

Dù có tới 20 năm kinh nghiệm công tác chính trị ở các địa phương, ông Tập Cận Bình không có nhiều mối liên hệ trong quân đội trước khi trở thành lãnh đạo Trung Quốc. Cuộc cải tổ PLA đã thay đổi điều đó.

Tại Cổ Điền, ông Tập nhấn mạnh "công tác chính trị là sợi dây sinh mệnh cả quân đội cách mạng, quân đội trước sau như một phải tuyệt đối nằm dưới sự lãnh đạo của đảng".

Nhà lãnh đạo cảnh báo giới quân sự bằng vụ án Từ Tài Hậu, cựu Phó chủ tịch Quân ủy bị lập án điều tra vào tháng 6/2014 trong chiến dịch chống tham nhũng của Trung Quốc. Ông Tập kêu gọi PLA "triệt để gột rửa ảnh hưởng của Từ Tài Hậu".

Tại cuộc duyệt binh quy mô lớn trên quảng trường Thiên An Môn ngày 3/9/2015, ông Tập tuyên bố khởi động cuộc tái cơ cấu quân đội, điều chỉnh PLA với cách thức tổ chức hoàn toàn mới, tinh giản 300.000 biên chế và mang dáng dấp một đội quân hiện đại kiểu phương Tây.

Đến ngày 30/7 vừa qua, khi ông Tập duyệt lực lượng PLA tại căn cứ Chu Nhật Hòa trong sự kiện kỷ niệm 90 năm thành lập PLA, báo đảng Trung Quốc Nhân dân Nhật báo gọi ông bằng chức danh "Thống soái tối cao".

Các sĩ quan, binh sĩ tham gia duyệt binh hô khẩu hiệu "Thống soái tối cao" và "Chủ tịch", thay vì gọi ông Tập là "Thủ trưởng" như thông lệ.

Phát biểu tại Chu Nhật Hòa, ông Tập yêu cầu PLA "vĩnh viễn nghe theo đảng, đi cùng đảng, đảng chỉ đâu thì đánh đó".

Nhân kỉ niệm 68 năm ngày Quốc khánh Trung Quốc (1/10/1949-1/10/2017), hãng Tân Hoa Xã có bài "Thống soái và binh sĩ cùng một lòng", trong đó có tới 17 lần nhắc "Tập Cận Bình là Thống soái của Quân đội".

Dư luận trong và ngoài Trung Quốc cho rằng trước thềm Đại hội toàn quốc khóa 19 của ĐCSTQ, họp tại Bắc Kinh từ ngày 18/10 tới, sự tôn vinh của quân đội cũng như các cơ quan nhà nước đối với Tập Cận Bình cho thấy về cơ bản ông đã nắm chắc được binh quyền.

Từ người ngoại đạo, ông Tập trở thành Thống soái tối cao của quân đội TQ như thế nào? - Ảnh 2.

Ông Tập Cận Bình duyệt binh ở căn cứ Chu Nhật Hòa, ngày 30/7/2017 (Ảnh: Xinhua)

Cuộc trẻ hóa quân đội

Hàng loạt thay đổi về nhân sự trong Quân ủy trung ương, Hội đồng tham mưu trưởng và các binh chủng của PLA đã được thực hiện trong vài tháng qua.

Nhân dân Nhật báo, Báo Giải phóng quân cập nhật thay đổi nhân sự cấp tướng ở 10 trong 15 cơ quan thuộc Quân ủy trung ương Trung Quốc, bao gồm: Lý Tác Thành thay Phòng Phong Huy làm Tham mưu trưởng Bộ tham mưu liên hợp Quân ủy; Miêu Hoa thay Trương Dương làm Chủ nhiệm Bộ công tác chính trị; Tống Phổ Tuyển thay Triệu Khắc Thạch làm Chủ nhiệm Bộ hậu cần; Lý Thượng Phúc thay Trương Hựu Hiệp làm Chủ nhiệm Bộ phát triển vũ khí trang bị; Trương Thăng Dân thay Đỗ Kim Tài làm Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra kỉ luật Quân ủy...

Lục quân, hải quân, không quân cho đến lực lượng tên lửa của PLA đều có sự điều chỉnh ở các vị trí tư lệnh hay chính ủy.

Đại học quốc phòng PLA, một đơn vị đào tạo, cũng có sự thay đổi đáng chú ý khi Thượng tướng Lưu Á Châu, con rể cố Chủ tịch Trung Quốc Lý Tiên Niệm, không còn giữ chức chính ủy, thay vào đó là tướng Ngô Kiệt Minh nhậm chức từ tháng 7/2017.

Đặc điểm lớn nhất trong cuộc cải tổ của ông Tập là đội ngũ lãnh đạo quân đội được trẻ hóa rõ rệt.

Các tướng lĩnh mới thăng tiến đều sinh ra trong thập niên 1950 hay 1960, trong đó người lớn tuổi nhất là Tổng tham mưu trưởng Lý Tác Thành sinh tháng 10/1953, người trẻ nhất là trung tướng Trương Thư Quốc - sinh tháng 8/1960, giữ chức Chính ủy Bộ hậu cần Quân ủy từ tháng 3/2017.

Các tướng lĩnh đều phải chứng tỏ "Lòng trung thành vô điều kiện" với ĐCSTQ, thực hiện nghiêm túc "4 nhận thức về tư tưởng, toàn cục, hạt nhân và ý thức thống nhất". Nhân dân Nhật báo nhấn mạnh "ý thức hạt nhân là quan trọng nhất", nói đến nhận thức về vai trò hạt nhân lãnh đạo trong Ủy ban trung ương ĐCSTQ của ông Tập Cận Bình.

Ngoài ra, các tướng lĩnh được đề bạt với tiêu chí phải "trong sạch liêm khiết, làm việc theo luật pháp, chí công vô tư", đồng thời "dám chịu trách nhiệm, có ý thức xây dựng quân đội vững mạnh hàng đầu thế giới".

Từ người ngoại đạo, ông Tập trở thành Thống soái tối cao của quân đội TQ như thế nào? - Ảnh 3.

Triển vọng của PLA

Từ trước tới nay, các thế hệ lãnh đạo Trung Quốc đều rất coi trọng vai trò của quân đội.

Việc lãnh đạo xây dựng được uy quyền trong PLA sẽ đảm bảo cho công cuộc đấu tranh chống tham nhũng thành công, từ đó tiến hành thuận lợi các chương trình cải cách khác để đạt được 4 mục tiêu mà ông Tập Cận Bình chủ trương trong "4 toàn diện", gồm "xây dựng toàn diện xã hội khá giả, toàn diện đi sâu cải cách, toàn diện trị quốc theo pháp luật, toàn diện nghiêm khắc quản lý đảng".

Dư luận phương Tây đánh giá, thời gian tới, sức chiến đấu của quân đội Trung Quốc sẽ có bước chuyển biến mới và được nâng cao rõ rệt, có khả năng tác chiến với công nghệ kỹ thuật cao, khắc phục nhược điểm "chưa đáp ứng được cuộc chiến tranh hiện đại với kỹ thuật và cường độ cao, nhất là cuộc chiến tranh quy mô lớn trong điều kiện kỹ thuật phức tạp có Mỹ tham chiến", như ông Tập đánh giá hồi tháng 4/2013.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại