Từ ngàn xưa, tại sao con người lại đeo trang sức?

Nguyễn Hải |

Từ trang sức, giày đắt tiền cho đến những chiếc đồng hồ "sang chảnh", làm gì có ai lại không thích một chút "lấp lánh"?

Nỗi ám ảnh với việc trang trí bản thân không phải chỉ là một hoạt động tầm thường. Nhiều bằng chứng khảo cổ học cho thấy, đeo trang sức đóng vai trò không nhỏ trong việc biến chúng ta trở thành con người như ngày nay.

Tại sao trang sức lại quan trọng?

Tại sao chúng ta giành quá nhiều tiền cho việc chăm chút bản thân? Nói một cách ngắn gọn, đó là vì chúng ta sử dụng món đồ đắt tiền đó để giao tiếp với người khác.

Ví dụ, hãy nhìn vào chiếc nhẫn đính hôn. Một quan niệm phổ biến ở nhiều quốc gia cho rằng, một chiếc nhẫn lấp lánh trên ngón áp út của bàn tay trái nghĩa là người đeo đã đính hôn và chuẩn bị lập gia đình. Như vậy chiếc nhẫn đó đã gửi đi một thông điệp cụ thể.

Nhưng hành vi "đầy nghệ thuật" này khác biệt như thế nào với những hành động khác mà con người chúng ta làm?

Theo Newsweek, câu trả lời ngắn gọn nằm ở suy nghĩ trừu tượng của con người.

Từ ngàn xưa, tại sao con người lại đeo trang sức? - Ảnh 1.

Chim xanh và cá nóc đều tập trung vào việc thu hút bạn đời. Thông điệp của chúng rất đơn giản: "Tôi ở đây và tôi khỏe mạnh". Không có cuộc hội thoại nào về cách chúng gửi đi thông điệp - chúng chỉ đơn giản... cứ thế mà làm thôi.

Trong khi đó thông điệp của chúng ta – thông điệp được gửi đi thông qua các món đồ đắt tiền – được lập trình bằng cách sử dụng các biểu tượng đã được đồng thuận từ trước (như một chiếc nhẫn kim cương) để đại diện cho một điều gì đó (đã đính hôn và chuẩn bị cưới).

Quá trình con người đồng thuận với nhau rằng, một thứ gì đó có thể đại diện cho một điều hoàn toàn khác, là yếu tố đã làm nên con người chúng ta. Và đồ trang sức đã là trung tâm của yếu tố này trong hàng trăm nghìn năm qua.

Trang trí cơ thể, mở rộng tâm hồn

Đối với các nhà khảo cổ, việc tìm thấy đồ trang sức trên cơ thể là thứ gần gũi nhất để hiểu được tư tưởng thời cổ đại. Sự xuất hiện lần đầu tiên của chúng trong ghi chép khảo cổ sẽ nói với chúng ta rằng, khi nào suy nghĩ của con người trở nên đủ phức tạp để nhận thức được các đặc tính cá nhân.

Ban đầu con người sống thành những nhóm nhỏ rải rác khắp Trái Đất. Mọi người đều quen biết lẫn nhau, và việc tương tác với những người lạ là điều rất hiếm hoi.

Từ ngàn xưa, tại sao con người lại đeo trang sức? - Ảnh 2.

Tuy nhiên khi dân số phát triển lên, xã hội trở nên phức tạp hơn và không phải ai chúng ta cũng quen biết. Điều đó nghĩa là chúng ta cần nói với người khác rằng mình là ai.

Vì vậy chúng ta bắt đầu leo lên những thứ nhất định để gửi đi thông điệp về bản thân cá nhân mỗi chúng ta (sự hiện diện, tình trạng hôn nhân, người lãnh đạo, người chữa bệnh) và các nhóm liên kết với mình.

Việc sử dụng các đồ trang trí cơ thể này cho phép con người tiếp tục mở rộng cộng đồng của mình, dẫn tới các hành vi và suy nghĩ phức tạp hơn nữa.

Khởi nguồn từ việc tự sơn cơ thể

Bằng chứng sớm nhất của việc trang trí này là những chất sắc tố đỏ - làm từ đất hoàng thổ - được người hiện đại (người Homo Sapien như chúng ta) sử dụng để sơn cơ thể từ 285.000 năm trước ở châu Phi.

Từ ngàn xưa, tại sao con người lại đeo trang sức? - Ảnh 3.

Điều thú vị là, nó cho thấy rằng không lâu sau đó (khoảng 250.000 năm trước), người Neanderthals cũng làm điều tương tự ở châu Âu.

Tuy nhiên, việc sơn cơ thể không kéo dài được lâu – khi bạn tắm, trời mưa hoặc đơn giản là vì nó trôi đi mất. Nó có giới hạn về thời gian tồn tại.

Hạt, các chuỗi hạt với thật nhiều hạt

Mặt khác, các loại hạt trang sức có thể tồn tại qua nhiều thế hệ. Khả năng sử dụng và tái sử dụng lâu hơn đáng kể so với thời gian và công sức tạo ra chúng – và vì vậy, khoảng ít nhất 100.000 năm trước, mọi người đã dần nhận ra các ưu điểm của những chuỗi hạt này.

Khoảng thời gian đó, người dân ở châu Phi và Israel thì tìm kiếm những vỏ sò màu trắng có tên gọi Nassarius, đục lỗ xuyên qua bề mặt của nó để chúng có thể được xâu chuỗi và sử dụng chúng bên cạnh việc sơn đỏ trên cơ thể.

Từ ngàn xưa, tại sao con người lại đeo trang sức? - Ảnh 4.

Không phải ngẫu nhiên mà các chuỗi hạt trang sức đầu tiên đều làm từ vỏ sò: chúng có hình dạng mà chúng ta thích (tròn), màu sắc mà chúng ta thích (trắng, màu kem, đen) và sáng bóng (đây là điều chúng ta đặc biệt thích). Các loại vỏ sò nhỏ cũng rất cứng, có khả năng chịu được việc bị mài mòn hoặc bị rơi (rất hữu ích).

Hơn nữa chúng có thể đeo được theo vô số cách khác nhau – cho phép chúng ta truyền đi nhiều thông điệp khác nhau.

Rất nhanh sau đó, chúng ta tìm ra các loại vật liệu có màu sáng và bóng bẩy khác (như xương, răng, ngà voi, gạc hươu, đá) để làm nên những đồ trang trí mới và truyền tải nhiều thông điệp hơn.

Trang trí bằng mực

Nhưng còn điều gì bền bỉ hơn cả các hạt trang trí? Chèn mực xuống lớp hạ bì của da – hay còn gọi là xăm mình.

Những tác phẩm điêu khắc từ châu Âu đã cho thấy rằng việc xăm mình có thể là phong tục từ ít nhất 30.000 năm trước, cho dù bằng chứng duy nhất về việc xăm mình hiện mới chỉ là người băng Tyrolean – hay thường được gọi là Ötzi.

Từ ngàn xưa, tại sao con người lại đeo trang sức? - Ảnh 5.

Hình xăm trên tay của người băng Ötzi

Được xem như nạn nhân của một vụ mưu sát từ 5.300 năm trước, Ötzi có trên mình 61 hình xăm khác nhau. Cùng thời kỳ đó là hai xác ướp Ai Cập thời kỳ Predynastic, ngoài ra còn một xác ướp khác có niên đại trẻ hơn, một công chúa người Siberia cách đây 2.500 năm.

Xăm mình cũng có một lịch sử ấn tượng trên khắp Thái Bình Dương.

Trang sức làm nên con người

Bởi vì đồ trang sức gắn chặt với việc giao tiếp, các nhà khảo cổ có thể lần theo không chỉ sự phát triển tâm trí của chúng ta, mà còn sự phát triển của xã hội.

Đối với chúng ta, càng có nhiều đồ trang sức được các nhà khảo cổ tìm thấy, nó càng chỉ ra nhiều tương tác hơn. Việc trao đổi đồ trang sức cho ta thấy rằng ai đang nói với ai, và những loại trang sức mới cũng phản ánh sự thay đổi của hoàn cảnh.

Tất cả các đồ trang sức đều có giá trị bởi vì nó nói với chúng ta điều gì đó về người đang đeo nó.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại