Ngày 20/10, trao đổi nhanh với PV Báo Gia đình & Xã hội, đại diện Trung tâm Dự báo khí tượng Thuỷ văn Quốc gia (TTDBKTTVQG) cho biết, qua phân tích kỹ thuật về thời tiết cho thấy, dự báo từ nay cho tới hết năm 2020, số lượng bão và áp thấp nhiệt đới còn có khả năng xuất hiện khoảng 4 - 6 cơn trên khu vực Biển Đông.
Trong đó, có khoảng từ 2 - 4 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ và phía Nam.
Hình ảnh bão Saudel đang tiến vào đất liền. Ảnh: TTDBKTTVQG cung cấp.
Riêng trong tháng 10/2020, sẽ có khoảng 2 cơn bão. Cụ thể, cơn bão Saudel đang diễn biến tích cực trên biển Đông, dự báo sẽ đổ bộ đất liền trong cuối tuần này.
Đại diện TTDBKTTVQG cho biết: "Các thông tin cụ thể về cơn bão Saudel đã được chúng tôi chuyển đến Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai để đơn vị này nhanh chóng có những phương án ứng phó kịp thời với bão".
"Cơn bão thứ hai được dự báo sẽ xuất hiện vào cuối tháng 10. Tuy nhiên, rất có thể bão sẽ chuyển thành áp thấp nhiệt đới khi vào tới đất liền. Chúng tôi sẽ thông tin cụ thể sau", đại diện TTDBKTTVQG cho hay.
Theo đại diện TTDBKTTVQG, từ nay đến hết tháng 11/2020, khu vực miền Trung và Nam Trung Bộ cần đề phòng các đợt mưa lớn dồn dập và kéo dài.
Riêng khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có nhiều khả năng xuất hiện các đợt mưa trái mùa vào những tháng mùa khô.
Về công tác ứng phó với bão Saudel, thông tin tới PV, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai cho biết, trước tình hình thời tiết cực đoan trên biển đông và khu vực miền Trung, đơn vị đã có Công điện số 28/CĐ-TW gửi Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh và số 29/CĐ-TW gửi Ban chỉ huy PCTT và TKCN các tỉnh thành phố từ Thanh Hóa đến Quảng Nam và các Bộ, ngành liên quan chỉ đạo triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn hạ du hồ Kẻ Gỗ, áp thấp nhiệt đới gần biển Đông và mưa lũ các tỉnh miền Trung.
Sáng cùng ngày, đoàn công tác của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đã đi cùng Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó khắc phục hậu quả với mưa lũ tại tỉnh Hà Tĩnh.
Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai cũng chỉ đạo các địa phương như Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị nghiêm túc triển khai điện của Thường trực Ban Bí thư, các Công điện của Thủ tướng Chính phủ và Công điện của BCĐ TW PCTT về ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ.
Theo TTDBKTTVQG vào hồi 13h ngày (20/10), vị trí tâm bão ở khoảng 15,8 độ Vĩ Bắc; 123,4 độ Kinh Đông, cách đảo Lu-dông (Phi-líp-pin) khoảng 220km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/h), giật cấp 10.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25km, đi vào Biển Đông và có khả năng mạnh thêm. Đến 13 giờ ngày 21/10, vị trí tâm bão ở khoảng 16,3 độ Vĩ Bắc; 118,0 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 650km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/h), giật cấp 11.
Vùng nguy hiểm do bão trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 14,5 đến 18,0 độ Vĩ Bắc; từ kinh tuyến 116,0 đến 120,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh.
Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Trong 24 - 48h tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 15-20km và có khả năng mạnh thêm.
Đến 13h ngày 22/10, vị trí tâm bão ở khoảng 16,7 độ Vĩ Bắc; 115,1 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 280km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (90-100km/h), giật cấp 12.
Trong 48 - 72h tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10-15km và có khả năng mạnh thêm. Đến 13 giờ ngày 23/10, vị trí tâm bão ở khoảng 16,9 độ Vĩ Bắc; 112,8 độ Kinh Đông, ngay trên khu vực quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (100-115km/h), giật cấp 14.