Từng là một trong những nhà đầu tư "quen mặt" trong lĩnh vực bất động sản, CTCP Bất động sản Thế kỷ (Cen Land, mã chứng khoán CRE) thời gian gần đây đang xúc tiến mạnh mảng mới là xuất khẩu lao động sang Nhật.
Trong đó, Cen Academy vừa tổ chức Lễ ra mắt "Chương trình đi Nhật cùng Cen" và ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược tại khách sạn Daewoo. Sự kiện này đánh dấu sự có mặt của CenLand Academy tại Nhật Bản trong lĩnh vực cung ứng nhân lực.
Cen Academy là công ty con do CenLand sở hữu 56%, hoạt động trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, được thành lập năm 2021 với vốn điều lệ 3 tỷ đồng.
Tại Nhật, CenLand cũng đã thành lập công ty Cen Nhật, hoạt động theo mô hình outsourcing (quản lý nhân sự...), tập trung vào một số ngành nghề thiếu nhân lực như logistics, nhà hàng khách sạn, sửa chữa, cơ khí, điều dưỡng.
Cùng xuất hiện tại sự kiện nói trên, Chủ tịch Cen Land Nguyễn Trung Vũ và Phó chủ tịch Phạm Thanh Hưng (Shark Hưng) cho rằng, trong bối cảnh nền tảng trực tuyến và trí tuệ nhân tạo ngày càng thống lĩnh, cơ hội việc làm của các bạn trẻ bị đe doạ. Đi nước ngoài làm việc vừa là giải pháp tạo công ăn việc làm cho các bạn trẻ, vừa mang về ngoại tệ cho đất nước.
Theo người trong ngành, thị trường xuất khẩu lao động Nhật Bản hiện đang có nhiều thách thức. Nếu như 10 năm trước chỉ có khoảng 80 công ty hoạt động trong lĩnh vực đưa lao động đi Nhật Bản nhưng hiện nay đã có gần 400 công ty tham gia.
Bên cạnh đó, Đồng Yên Nhật đã giảm giá xuống mức thấp nhất trong suốt 38 năm qua và chưa có dấu hiệu cho thấy sự phục hồi, dẫn đến thu nhập của người lao động nước ngoài ở Nhật giảm sút khi quy đổi ra đô la Mỹ. Điều này khiến cho nhu cầu đi lao động ở Nhật Bản giảm sút.
Mặc dù vậy, 2 lãnh đạo của Cen Land vẫn rất lạc quan. Được biết, Cen Land sẽ tập trung vào một số ngành nghề Nhật Bản đang khát nhân lực nhất là logistics, nhà hàng, khách sạn, sửa chữa, cơ khí và điều dưỡng.
Ngoài ra, ông Trần Văn Hùng, Phó chủ tịch Cen Land cũng cho hay, ở Nhật đang có rất nhiều ngôi nhà bỏ hoang hoặc được rao bán với giá chỉ biểu tượng, CenLand có thể thuê lại các căn nhà này từ các đối tác ở những quốc gia này để tổ chức hoạt động kinh doanh, khai thác làm chỗ ăn ngủ cho các học viên.
Chia sẻ cụ thể lý do chọn mảng xuất khẩu lao động sang Nhật Bản làm trọng tâm kinh doanh hiện nay, lãnh đạo CenLand cho biết có 3 nguyên nhân chính:
Thứ nhất, xuất phát từ thực tế Nhật Bản đang trong tình trạng già hóa dân số và dự kiến đến năm 2050, dân số Nhật sẽ giảm xuống còn 90 triệu người, trong đó, số người trên 65 tuổi dự kiến chiếm khoảng 40% và số người dưới 15 tuổi chỉ chiếm khoảng hơn 8%.
Hệ quả, Nhật Bản đang và sẽ thiếu lao động trầm trọng, đặc biệt là lực lượng nhân sự đã qua đào tạo và có kĩ năng tay nghề trong các ngành công nghệ thông tin, sản xuất và chăm sóc sức khỏe. Đến năm 2030, Nhật Bản dự kiến thiếu khoảng 630 nghìn lao động trong các ngành này.
Để thu hút lao động nước ngoài có chất lượng cao, Nhật Bản dự kiến sẽ kết thúc chương trình thực tập sinh vào năm 2027 và áp dụng những biện pháp cải thiện môi trường làm việc, gia tăng phúc lợi cho lao động và có chính sách mở cửa hơn với người lao động trẻ có tay nghề từ các quốc gia khác.
Thứ hai, Nhật Bản cũng đang một trong những thị trường lớn nhất của Việt Nam, chiếm hơn một nửa tỷ lệ thị trường lao động của người Việt ở nước ngoài. Theo Cục Quản lý lao động nước ngoài, Bộ Lao động, thương binh và xã hội thì Việt Nam hiện là quốc gia dẫn đầu về số lượng thực tập sinh nhập cảnh và làm việc tại Nhật Bản, với hơn 200.000 người, chiếm 1/4 tổng số lao động nước ngoài tại xứ sở mặt trời mọc.
Thứ ba, ở Nhật Bản, dân lao động nhập cư chỉ cần biết tiếng và có kỹ năng là người lao động có thể bắt đầu làm việc ngay lập tức và nhận lương đầy đủ.
Do đó, đây được xem như thời điểm thuận lợi để CenLand gia nhập vào thị trường này, thậm chí ông kỳ vọng mảng đưa người lao động đi Nhật sẽ mang lại doanh thu rất cao cho công ty sau vài năm nữa.
Động thái này là bước đi mới của Cen và Cenland trong bối cảnh ngành cốt lõi là bất động sản đang gặp rất nhiều thách thức. Năm 2023, lợi nhuận CenLand chỉ còn vỏn vẹn 2 tỷ đồng, so với thời đỉnh cao có năm gần 500 tỷ đồng.