Tất nhiên, mức định giá chưa bao giờ phản ánh hoàn toàn năng lực cầu thủ. CIES Football Observatory, Trung tâm cung cấp dữ liệu độc quyền và phân tích cầu thủ bóng đá từng định giá Neymar hay Dele Alli cao hơn Cristiano Ronaldo. Lionel Messi đứng dưới Harry Kane hay Romelu Lukaku trội hơn Kylian Mbappe. Mức định giá bất ổn, luôn thay đổi và đôi khi không gắn bó mật thiết với thực lực cầu thủ.
Quang Hải được Transfermarkt định giá 150.000 euro, thấp hơn Xuân Trường 50.000 euro, nhưng điều đó không có nghĩa Quang Hải kém hơn Xuân Trường. Hải "con" ghi 5 bàn ở giải U23 châu Á, giành giải cầu thủ hay nhất AFF Cup và Quả bóng Vàng Việt Nam 2018.
Ở trận địa V-League, Quang Hải cũng để lại dấu ấn dù tuổi đời lẫn tuổi nghề đều thua kém đàn anh. Quang Hải từng vô địch V-League, Xuân Trường thì không.
Quang Hải được định giá 150.000 euro, khoảng 4 tỉ đồng. (Ảnh: Ngọc Anh)
Tuy nhiên, Transfermarkt vẫn có lý do để xếp Xuân Trường lên trên, với lý do: Xuân Trường từng xuất ngoại, đá ở K-League, giải VĐQG hàng đầu châu Á hay hiện chơi cho Buriram, đương kim vô địch Thai League - giải đấu Transfermarkt có cơ sở dữ liệu thống kê. Trong khi đó, Quang Hải chỉ đá cho CLB Hà Nội, chơi tại V-League, nơi Transfermarkt hay nhiều trang thống kê uy tín khác "mù tịt" thông tin.
Người hâm mộ Việt Nam đã "bội thực" lời khen trong hơn 1 năm qua. Từ trang chủ FIFA, ESPN, Fox Sports Asia, Four Four Two đến báo chí Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, tất cả đều dành cho bóng đá Việt Nam những lời có cánh.
Fox Sports Asia gọi tuyển Việt Nam là "rồng vàng", hay "những chiến binh sao vàng", với ngụ ý một con rồng đang trỗi dậy mạnh mẽ ở Đông Nam Á, sẵn sàng đe doạ vị thế của những cột trụ châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia hay Ả Rập Xê Út.
Dù vậy, giữa lời khen và mức đánh giá vẫn tồn tại khoảng cách. Truyền thông thế giới khen bóng đá Việt Nam, song đó là lời khen cho U23 Việt Nam hay tuyển Việt Nam nhiều hơn khen nền bóng đá nói chung. ĐTQG hay đội tuyển trẻ chỉ cấu thành một bộ phận của nền bóng đá. Phần còn lại là giải VĐQG, là liên đoàn bóng đá, kết cấu tổ chức và văn hoá bóng đá trong đời sống xã hội nói chung.
Những thực thể đó đã đáng khen chưa, hay mỗi khi nhắc đến bóng đá Việt Nam, người ta chỉ biết "đè" thầy trò HLV Park Hang Seo ra để khen?
V-League đã làm tốt vai trò nâng tầm cầu thủ? (Ảnh: Ngọc Anh)
"Vượt qua người Thái" hay "bám đuổi người Hàn" là một vài mệnh đề được đề cập sau Asian Cup 2019, nơi tuyển Việt Nam vào tứ kết và chỉ chịu thua Nhật Bản - đội tuyển châu Á đi sâu nhất ở World Cup. Bóng đá Việt Nam đã trưởng thành, đang đi đúng hướng, có thể nói thế khi nhìn vào thành tích của các cấp độ ĐTQG. Nhưng bóng đá Việt Nam không chỉ có tuyển Việt Nam.
Bóng đá Việt Nam còn có V-League , một giải VĐQG "mù mờ" trong mắt các hãng thống kê. Một hệ thống bóng đá với nhiều "hạt sạn" và có lẽ chưa lấy lại niềm tin từ người hâm mộ.
Tháng 10/2018 vừa qua, AFC xếp hạng V-League vào nhóm 10 nền bóng đá đang phát triển của châu Á. Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia hay Thái Lan không nằm trong danh sách này, bởi tất cả đều được liệt vào nhóm phát triển. 18 năm tuyên bố lên chuyên, V-League vẫn "sánh vai" với các giải đấu từ Bhutan, Guam hay Tajikistan.
Chỉ có 5/14 đội dự V-League hiện tại đạt chuẩn AFC, bằng một nửa so với Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Myanmar. Bước ra sân chơi châu lục, các đội Việt Nam cũng chơi hững hờ. Ngoài Becamex Bình Dương thời HLV Mai Đức Chung, không còn đội bóng V-League nào tạo được hiệu ứng tốt.
Sự thua kém và mờ nhạt của V-League liệu có ảnh hưởng đến bóng đá Việt Nam? Trong hơn 1 năm qua, câu trả lời dường như là không. U23 hay tuyển Việt Nam xưng danh châu lục dù có bệ phóng không hoàn hảo.
Thế nhưng, để các cầu thủ Việt Nam lọt vào "mắt xanh" của các đội bóng quốc tế, được tuyển mộ vì lý do chuyên môn, và để bóng đá Việt Nam được ghi nhận một cách cơ học (thay vì cảm xúc), tự thân V-League phải thể hiện được vai trò của nó.
Nếu bóng đá Việt Nam có kết cấu và tổ chức chuyên nghiệp, nếu V-League được ghi nhận phát triển và thống kê bài bản như Thai League, K-League, J-League,... một CLB nước ngoài muốn mua cầu thủ Việt Nam cũng sẽ có thông số cụ thể để đo lường, phân tích.
V-League phát triển và có giá, cái giá ấy sẽ giúp cầu thủ dễ nâng tầm sự nghiệp hơn. 3 năm chơi bóng đỉnh cao của Quang Hải ở Việt Nam cần là điểm cộng, thay vì là điểm trừ trong hồ sơ của tuyển trạch viên.
Một giải đấu tốt là giải đấu nâng tầm được cầu thủ, chứ không phải "nằm yên" để chờ đợi cầu thủ nâng tầm mình. Bóng đá Việt Nam đang đi lên, và V-League phải cho thấy giải đấu này xứng đáng với lộ trình phát triển đó.