Ngay sau khi Ủy ban Bầu cử Trung ương Nga (SIK) công bố kết quả sơ bộ của cuộc bầu cử Tổng thống Nga trong đêm 18/2, nhà báo Nga Igor Britov từ Moskva đã gửi cho Trí thức trẻ bài báo độc quyền với đầu đề "Chiến thắng mới nhất của một Putin bất khả chiến bại" phân tích về sự kiện thu hút sự chú ý của dư luận khắp thế giới này.
---
Bất chấp những đòn công kích quyết liệt từ phe đối lập và những mưu toan của Phương Tây bôi nhọ uy tín ông, Vladimir Putin đã giành chiến thắng vang dội. Putin giống như chiếc động cơ nguyên tử cực mạnh gắn trên tên lửa có cánh của Nga có khả năng vượt qua mọi "rào chắn" mà chính ông đã giới thiệu trong Thông điệp liên bang ngày 1/3.
Thật ra khả năng Vladimir Putin giành chiến thắng đã được khẳng định từ trước, bởi uy tín vững vàng của ông trong cử tri Nga. Nhưng điều người ta chờ đợi là ông sẽ thắng như thế nào, có vượt qua những kết quả đầy ấn tượng trong những cuộc bầu cử trước đây hay không.
Năm 2012 Putin đắc cử với 63,6% số phiếu, năm 2004 là 71,31% và năm 2000 là 53%. Như vậy, kỷ lục của năm 2004 đã bị phá vỡ: với 99% số phiếu đã kiểm tính đến 10 giờ ngày 19/3 (giờ Hà Nội), tỷ lệ phiếu dành cho đương kim Tổng thống Putin là 76,65%.
Một trong những nhiệm vụ chính của Ủy ban Bầu cử Trung ương Nga (SIK) năm nay là bảo đảm sự "trong sạch" của cuộc bầu cử. Hai công cụ quan trọng được sử dụng bao gồm: các thiết bị ghi hình (videocamera) và hoạt động quan sát, theo dõi của xã hội.
Ảnh: Sputnik
Khác với những lần trước, năm nay tất cả các điểm bỏ phiếu đều lắp đặt thiết bị ghi hình, mọi động thái ở các điểm bỏ phiếu đều được truyền phát online, ai cũng có thể theo dõi. Còn hoạt động quan sát, giám sát của xã hội được thực hiện thông qua các quan sát viên bầu cử, trong đó có hơn 1.500 quan sát viên quốc tế.
Tổng thống Vladimir Putin đã không tham gia tranh luận với các ứng cử viên khác trong tiến trình tranh cử. Về việc này, ông nhận được phản ứng khen-chê từ ba phía: một phía thì chỉ trích, phía khác tỏ ra không hiểu và một phía nữa thì tán đồng, cho rằng đương kim Tổng thống xử lý như thế là đúng đắn.
Cá nhân tôi cho rằng, nếu ai đó nghĩ ông Putin sợ tranh luận trực diện với các đối thủ là hoàn toàn sai. Ông Vladimir Putin là người vô cùng giàu kinh nghiệm tranh luận, trao đổi, đối đáp. Cứ xem những cuộc họp báo dài lê thê với phóng viên trong và ngoài nước - mà không ít khi có những câu hỏi rất khiêu khích, móc máy và tinh quái - hay những cuộc giao lưu trực tuyến với người dân năm nào cũng diễn ra thì đủ biết.
Thêm nữa, lập trường, quan điểm, thái độ, ý kiến của Putin được ông thường xuyên thể hiện rõ trong rất nhiều cuộc gặp gỡ, hội nghị, thăm viếng ở trong và ngoài nước. Là Tổng thống, hoạt động của Putin được truyền thông sâu rộng. Thành ra, cử tri Nga và dư luận khắp nơi đều hiểu biết quá rõ về ông.
Cũng phải nói thế này: mặc dù Vladimir Putin không trực tiếp tham gia các cuộc tranh luận trước bầu cử - mà chúng ta đều biết lắm khi các ứng cử viên sử dụng những lời lẽ rất không văn minh, rồi có chuyện hắt nước lên người nhau và cũng có người phải rơi nước mắt ngay tại trường quay truyền hình vì tức giận đối thủ - nhưng tên tuổi Putin và hình bóng ông luôn song hành với những cuộc tranh luận đó. Bởi lẽ các đối thủ của ông luôn nhắc đến ông để chỉ trích chính quyền.
Nữ ứng cử viên duy nhất, Ksenia Sobchak là người công kích Tổng thống Putin ác liệt nhất, từ chuyện "cầm quyền quá lâu" đến chi phí quân sự "quá cao" hoặc "sáp nhập Crimea" và can dự quân sự ở Syria… Tất nhiên là Sobchak cũng bị chính các ứng cử viên khác phản bác trong những chủ đề này, mặc dù họ đều mạnh mẽ công kích Putin và chính quyền ở những lĩnh vực khác.
Ở nước ngoài người ta cũng tìm nhiều cách để hạ thấp uy tín Tổng thống Vladimir Putin. Đòn đánh đầu tiên xuất phát từ Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) với quyết định không cho đoàn thể thao Nga tham gia chính thức Đại hội Olympic mùa Đông PyeongChang 2018 dưới quốc kỳ Nga. Nhiều thế lực trong làng thể thao quốc tế chịu sức ép chính trị đã tìm cách cáo buộc Nhà nước Nga phát triển chương trình sử dụng chất kích thích trong thể thao!
Trước ngày bầu cử không lâu, Anh và Phương Tây đã tung ra chiến dịch mới công kích Nga và chính quyền Putin qua vụ đầu độc cựu điệp viên Nga hai mang Sergei Skripal ở Anh.
Sau khi vụ việc xảy ra, ngay lập tức, London đã cáo buộc Moskva và thậm chí đích thân Ngoại trưởng Anh Boris Johnson khẳng định Tổng thống Putin ra lệnh sử dụng vũ khí hóa học trên lãnh thổ Anh trong vụ đầu độc này.
Ở đây ta thấy rõ toan tính của Phương Tây: Làm cho tình hình trước bầu cử nóng lên, phức tạp thêm và làm xấu hình ảnh Putin trong con mắt cử tri Nga. Nhưng toan tính đó đã phản tác dụng - bởi xã hội Nga mỗi khi phải chịu áp lực lớn từ bên ngoài thì chẳng những không bị chia rẽ, mất phương hướng mà càng thống nhất, đoàn kết hơn. Tôi có thể khẳng định, chính sách thiển cận đó của Phương Tây không làm cho ông Putin mất phiếu, trái lại, càng làm cho chiến thắng của nhà lãnh đạo Nga thêm vang dội.
Ảnh: Reuters
Là nhà báo Nga theo dõi khá sát quan hệ giữa Nga và Việt Nam, tôi muốn cung cấp thêm thông tin sau đây:
Vừa trở về sau chuyến thăm Việt Nam mới đây, đại biểu Duma quốc gia (Hạ nghị viện) Nga Leonid Kalashnikov trong một chương trình truyền hình Nga đã so sánh vụ Skripal trúng độc ở Anh với sự kiện Vịnh Bắc Bộ. (ND-Sự kiện Vịnh Bắc Bộ là sự kiện do Mỹ dựng lên đầu tháng 8/1964 nhằm vu cáo Hải quân Việt Nam tấn công tàu Ma-đốc của Mỹ ở Vịnh Bắc Bộ để lấy cớ ném bom miền Bắc Việt Nam ngày 5/8/1964, mở đầu cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân kéo dài ở miền Bắc Việt Nam).
Theo ông này, London đã cố tình khiêu khích để làm phức tạp tình hình nước Nga không chỉ trong cuộc bầu cử Tổng thống mà cả trong tương lai, chí ít là trong thời gian 6 năm tới, khi ông chủ Điện Kremlin vẫn là Vladimir Putin.
Vậy vì sao cử tri Nga mạnh mẽ ủng hộ Vladimir Putin? Có nhiều nhân tố, nhưng trong khuôn khổ bài này tôi nêu ra một vài nguyên nhân như sau:
Nguyên nhân thứ nhất, đó là người Nga rất tín nhiệm ông Putin.
Thứ hai, đặc điểm của xã hội Nga là vẫn có sức ỳ nhất định, có sự bảo thủ nhất định – như tục ngữ Nga đã nói "Con chim nhỏ trên tay còn hơn con hạc bay giữa trời". Tốt hơn cả là bằng lòng với những gì đang có còn hơn là theo đuổi một thứ gì vô định, viển vông. So với những năm 90 thì giai đoạn Putin cầm quyền tốt hơn nhiều, tình hình hiện nay tuy vẫn còn nhiều khó khăn nhưng đã ổn định.
Thứ ba, bảy ứng cử viên còn lại rõ ràng đều thua xa ông Putin, không chỉ về chính trị mà cả về những phẩm chất con người.
Thứ tư, như tôi đã viết ở trên, chính áp lực của Phương Tây đã củng cố sự đoàn kết thống nhất của người Nga, trái ngược với những toan tính của các giới chính trị những nước đó.
Ảnh: AP
Có thể đánh giá cuộc bầu cử năm nay là một bước sa sút của Đảng Cộng sản Liên bang Nga (KPRF). Ứng cử viên của Đảng này, ông Pavel Grudinin về thứ hai nhưng số phiếu ít hơn đáng kể so với kết quả mà Chủ tịch Đảng, Gennady Ziuganov giành được trong bốn lần tranh cử trước đây, thường xấp xỉ 17%.
Pavel Grudinin không phải là đảng viên KPRF, là một nhà doanh nghiệp khá nổi tiếng vài năm gần đây trong lĩnh vực nông nghiệp, được KPRF lựa chọn ra tranh cử Tổng thống thay Ziuganov để có thể "đổi mới" hình ảnh của Đảng.
Nhưng kết quả bầu cử thêm một lần nữa cho thấy KPRF đang khủng hoảng người lãnh đạo, đảng cần một thủ lĩnh trẻ hơn, năng động hơn để có thể tạo ra xung lực cho sự phát triển của Đảng, và "làm mới" hình ảnh người cộng sản ở nước Nga.
Cũng có một nguyên nhân đáng kể nữa là sự chia rẽ trong phong trào cánh tả, cộng sản ở Nga. Ra tranh cử lần này còn có ông Maxim Suraikin, Chủ tịch Đảng "Những người cộng sản Nga". Đảng này thường công kích đường lối, chính sách của KPRF, do đó cũng gây bối rối và thất vọng trong các cử tri của cánh tả.
Việc "lão tướng" Vladimir Zhirinovski, Chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do Nga (LDPR) lần thứ sáu ra tranh cử, tiếp tục xếp thứ ba là đúng với dự đoán. Sự "ổn định" của LDPR cho thấy một bộ phận đáng kể cử tri Nga vẫn tin vào nhân vật dân túy này. Cử tri dành gần 6% số phiếu cho Zhirinovski chủ yếu là ủng hộ lập trường đối ngoại của ông – cứng rắn với Phương Tây, vì một nước Nga hùng cường, có ảnh hưởng rộng lớn trên thế giới.
Nữ ứng cử viên duy nhất, đại diện của giới showbiz Nga Ksenia Sobchak xếp thứ tư là kết quả đáng lưu ý. "Chống lại tất cả" là khẩu hiệu tranh cử của ứng cử viên Đảng Sáng kiến Dân sự này.
Lúc đầu, Sobchak đã khiến dư luận quan tâm và bầu không khí tranh cử có phần sôi động lên. Nhưng điểm số tín nhiệm của Sobchak nhanh chóng giảm xuống. Trong con mắt hàng triệu người Nga, nữ nhà báo truyền hình này vẫn chỉ là một "hotgirl" xa rời cuộc sống của người dân bình thường, chứ không thể là một chính khách nghiêm túc.
Một điều khiến Sobchak mất điểm quan trọng là những tuyên bố của ứng cử viên này cổ súy cho lối sống, cho xã hội Phương Tây và LB Nga nên ưu tiên cho Phương Tây trong chính sách đối ngoại của mình. Người Nga không chấp nhận những quan điểm đó.
Kết quả cuộc bầu cử cho thấy Vladimir Putin là thủ lĩnh thật sự của nước Nga. Với tỷ lệ ủng hộ rất cao của cử tri, Vladimir Putin hoàn toàn xứng đáng là người đại diện của toàn dân Nga. Rất có thể sẽ có nhiều đổi mới và bất ngờ trong nhiệm kỳ thứ tư – nhiệm kỳ cuối cùng của Tổng thống Putin.
Chắc chắn ông Putin sẽ không tìm cách sửa đổi Hiến pháp để tiếp tục ở lại Điện Kremlin sau năm 2024. Về lý thuyết, ông có thể lại tái tranh cử vào năm 2030, ở tuổi 77, song chuyện "ngồi lâu" trên ghế quyền lực thì chính Tổng thống Putin đã từng nói khá hài hước: "Các bạn nghĩ tôi là người bất tử ư?".
Do đó, có thể dễ dàng dự đoán rằng trong 6 năm tới, Tổng thống Vladimir Putin sẽ nỗ lực cải thiện đời sống người dân Nga, bảo đảm sự bình yên, ồn định và vị thế vững vàng cho nước Nga. Bởi đó là khát vọng của đời ông.
*Tiêu đề do tòa soạn đặt lại.