Từ mâu thuẫn tới biểu tình: Kyrgyzstan chứng kiến "giọt nước tràn ly" của cuộc tranh giành quyền lực gay gắt

Đại sứ Nguyễn Quang Khai |

Mâu thuẫn gia tộc, khủng hoảng kinh tế và tranh giành quyền lực giữa hai miền là nguyên nhân dẫn tới khủng hoảng chính trị lớn ở Kyrgyzstan.

Ngày 4/10/2020, tại Kyrgyzstan đã diễn ra cuộc bầu cử Quốc hội (Jorky Kenesh). 16 đảng phái chính trị đã tham gia bầu cử, nhưng chỉ 4 đảng thân chính phủ và trung thành với Tổng thống đương nhiệm Sooronbay Jeenbekov đạt số phiếu cần thiết để tham gia Quốc hội.

Các đảng này gồm Birimdik (Thống nhất) 24,52%, Mekenim Kyrgyzstan (Quê hương tôi - Kyrgyzstan) 23,89%, Kyrgyzstan 8,73% và Butun Kyrgyzstan (Kyrgyzstan thống nhất) 7,11%. 12 đảng còn lại không vượt qua được ngưỡng 7% đều bị loại. Theo quy định, các đảng phải đạt 7% số phiếu trở lên mới được tham gia Quốc hội

Ngày 5/10/2020, 12 đảng phái không nhất trí với kết quả bỏ phiếu, đã tổ chức biểu tình lớn với sự tham gia của hơn 5 nghìn người, đòi hủy kết quả bầu cử và tổ chức bầu cử lại.

Cuộc biểu tình đã leo thang thành các cuộc đụng độ với lực lượng an ninh ở Thủ đô Bishkek, một phần Nhà Trắng, văn phòng của Tổng thống bị đốt cháy ngay trong đêm. Đến nay, có ít nhất 1 người chết và hơn 1,2 nghìn người khác bị thương.

Những người biểu tình đã xông vào Văn phòng Tổng thống, Ủy ban An ninh Quốc gia, giải thoát cựu Tổng thống Almazbek Atambayev, cựu Cố vấn của Tổng thống Sadyr Japarov và nhiều chính trị gia khác đang bị giam giữ.

Từ mâu thuẫn tới biểu tình: Kyrgyzstan chứng kiến giọt nước tràn ly của cuộc tranh giành quyền lực gay gắt - Ảnh 1.

Từ mâu thuẫn tới biểu tình: Kyrgyzstan chứng kiến "giọt nước tràn ly" của cuộc tranh giành quyền lực gay gắt. Ảnh: Sputnik

Ngày 6/10/2020, dưới áp lực của những người biểu tình, Uỷ ban bầu cử trung ương (CEC) đã buộc phải tuyên bố hủy kết quả bầu cử. Thủ tướng Kubatbek Boronov đã từ chức. Tổng thống Sooronbay Jeenbekov vẫn đang ở Bishkek và "kiểm soát tình hình" và ngày 9/10/2020 đã Tổng thống ban hành tình trạng khẩn cấp ở Bishkek.

Đồng thời, ông cũng đã nhiều lần kêu gọi phe đối lập đối thoại, nhưng đến nay vẫn chưa có cuộc đàm phán chính thức nào.

Những người biểu tình đã giành được thắng lợi nhanh chóng chỉ trong một đêm. Đây là sự kiện chưa từng có ở một nước cộng hòa hậu Xô Viết. Chính phủ hoàn toàn rút lui trước phe đối lập. Chính phủ từ chức, Uỷ ban bầu cử trung ương cam kết tổ chức bầu cử lại vào ngày 6/11/2020.

Các nhà lãnh đạo phe đối lập đã thành lập một Hội đồng điều phối để điều hành đất nước và cử nghị sỹ đối lập Myktybek Abdyldaev làm chủ tịch Quốc hội và Sadyr Japarov, người đã được trả tự do một ngày trước đó đứng ra thành lập chính phủ. Tòa án Tối cao đã nhanh chóng lật lại bản án kết tội chính trị gia bị bắt bỏ tù vì tội bắt giữ con tin.

Nguyên nhân nào dẫn đến cuộc khủng hoảng chính trị tại Kyrgyzstan?

Mâu thuẫn gia tộc. Vấn đề phức tạp ở Kyrgyzstan là mâu thuẫn giữa hai gia tộc đứng đằng sau hai đảng đối lập nhau Birimdik và Makenim. Thứ nhất là gia tộc của Tổng thống đương nhiệm Soonronbay Janbekov và thứ hai là gia tộc của một nhà tài phiệt địa phương Rimbek Matrimov bị nghi ngờ có liên quan đến tham nhũng.

Cả hai đảng đều đại diện cho các khu vực miền Nam Kyrgyzstan. Các đảng khác tham gia Quốc hội cũng đều ở miền Nam. Trong khi đó, các đảng phái miền Bắc lại không có chân trong Quốc hội. Mâu thuẫn nghiêm trọng giữa hai miền đất nước.

Vấn đề phức tạp chính trong cuộc bầu cử Quốc hội ở Kyrgyzstan là mâu thuẫn giữa hai gia tộc đứng đằng sau hai đảng đối lập nhau Birimdik và Makenim. Thứ nhất là gia tộc của Tổng thống đương nhiệm Sooronbay Janbekov và thứ hai là gia tộc của một nhà tài phiệt địa phương Raimbek Matraimov.

Kinh tế khủng hoảng trầm trọng. Tồng thu nhập quốc nội của Kyrgyzstan là từ ba nguồn chính: kiều hối của người lao động làm việc tại Nga chuyển về, buôn bán quá cảnh với các nước thuộc Liên minh Kinh tế Á-Âu, viện trợ và các khoản đầu tư của Trung Quốc trong dự án Vành đai-Con đường. Cả ba khu vực này đều bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19. Khó khăn kinh tế ở Nga làm nhiều người lao động từ Kyrgyzstan bị mất việc làm.

Lượng kiều hối từ Nga trước đây chiếm tới 1/3 GDP của Kyrgystan, đồng rúp của Nga mất giá đáng kể dẫn đến GDP của nước này cũng giảm theo. Do khủng hoảng kinh tế toàn cầu, Trung Quốc rút về tập trung giải quyết những vấn đề trong nước. Thêm vào đó. việc đóng cửa biên giới do đại dịch COVID-19 đã làm kim ngạch thương mại giảm đáng kể.

Đây là cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng nhất từ trước tới nay. Thâm hụt ngân sách vượt quá 14 tỷ soms (tiền Kyrgyzstan), mặc dù năm 2019 chỉ là 130 triệu soms.

Nợ quốc gia tăng nhanh, mức cao nhất kể từ 2017, trong khi thu nhập GDP giảm mạnh. Mặc dù được Nga xóa khoản nợ 240 triệu USD, nhưng nợ nước ngoài của Kyrgyzstan vẫn ở mức kỷ lục. Tính đến tháng 6/2020, nợ công nước ngoài của nước này lên tới 4 tỷ 81 triệu USD, chiếm đến hơn 65% GDP.

Kinh tế khó khăn, cộng thêm cuộc khủng hoảng chính trị trầm trọng làm cho tình hình Kyrgyzstan càng trở nên tồi tệ hơn.

Từ mâu thuẫn tới biểu tình: Kyrgyzstan chứng kiến giọt nước tràn ly của cuộc tranh giành quyền lực gay gắt - Ảnh 2.

Từ mâu thuẫn tới biểu tình: Kyrgyzstan chứng kiến "giọt nước tràn ly" của cuộc tranh giành quyền lực gay gắt

Tranh giành quyền lực giữa hai miến Nam-Bắc. Các nhà quan sát nhận định đây không phải là một cuộc cách mạng màu. Đây là cuộc tranh giành quyền lực giữa miền Bắc và miền Nam. Hiện nay, người miền Nam đang nắm quyền và tìm cách tiếp tục duy trì quyền lực và người miền Bắc bất bình nổi dậy.

Người miền Bắc và người miền Nam không thể chia sẻ quyền lực một cách hợp tình, hợp lý.

Tổng thống Sooronbay Jeenbekov là người miền Nam. Về chính thức, nguyên thủ quốc gia không được ủng hộ trực tiếp bất kỳ đảng phái chính trị nào, nhưng ông đã tập trung xung quanh mình những người trong cùng gia tộc.

Anh trai của ông là Asylbek thuộc đảng "Birimdik" và người thuộc dòng họ là Aliyarbek Abjaliev thuộc đảng Mekenim Kyrgyzstan, cựu nhân viên hải quan đã được vào Quốc hội. Hai đảng này đại diện cho gia tộc Jeenbekov-Matraimov, có vốn và nguồn lực lớn nhất tại các khu vực miền Nam có khoảng 70% dân số cả nước sinh sống.

Nỗ lực độc chiếm tiến trình chính trị ở đất nước dưới sự lãnh đạo nhóm người này đã gây nên sự bất bình và phản đối lớn tại Kyrgystan. Đại diện của các đảng đối lập đã thống nhất với nhau đòi bầu cử mới.

Thủ lĩnh phe đối lập Bir Bol, Altynbek Sulaimanov, nói rằng ở nước này chưa bao giờ có những cuộc bầu cử bẩn thỉu như vậy. Chính quyền bị cáo buộc sử dụng bừa bãi ngân sách và công khai hối lộ cử tri.

Sự can thiệp của bên ngoài. Nhiều nhà phân tích chính trị cho rằng, nguyên nhân dẫn đến các cuộc biểu tình ở Kyrgyzstan không chỉ là yếu tố bên trong mà còn cả yếu tố bên ngoài.

Theo các nguồn tin từ Bishkek, Mỹ đã rất quan tâm tới diễn biến tình hình ở Kyrgyzstan, đặc biệt tìm cách loại bỏ Tổng thống đương nhiệm Sooronbay Jeenbekov được coi là quá thân Nga và năm ngoái đã từ chối ký một thỏa thuận hợp tác nhân đạo với Washington. Trước cuộc bầu cử, các nhà ngoại giao Đại sứ quán Mỹ đã gặp các nhà lãnh đạo đối lập, thúc giục họ đoàn kết và không đầu hàng.

Tương lai Kyrgyzstan sẽ đi về đâu?

Trước sức ép của phe đối lập, chính quyền của Tổng thống S. Jeenbekov đã có nhiều nhượng bộ, không sử dụng vũ lực, sẵn sàng đối thoại để giải quyết tình hình. Thủ tướng Kubatbek Boronov từ chức và đưa Sadyr Japarov, chính trị gia vừa được những người biểu tình giải thoát khỏi nhà tù lên thay. Chủ tịch Quốc hội Dastanbek Dzhumabekov cũng được thay thế bằng một nhân vật đối lập Myktybek Abdyldaev. thị trưởng Bishkek Albek Ibraimov, người đứng đầu ba khu vực Nyryn, Talas và Issyk-Kul cũng đã nhanh chóng từ bỏ quyền lực.

Tuy nhiên, các cuộc bạo động vẫn tiếp tục. Những người nổi dậy đã chuyển từ việc chiếm giữ các tòa nhà hành chính sang chiếm giữ các cơ sơ kinh tế, trong đó có các mỏ vàng, đồng và than.

Phe đối lập đòi luận tội Tổng thống D. Jeenbekov. Thủ lĩnh đảng Chon Kazat (The Great March) Maksat Mamytkanov, đòi Tổng thống phải ra đi, giải tán CEC, thành lập một hội đồng điều phối, thông qua Hiến pháp mới.

Tổng thống S. Jeenbekov cho rằng một số lực lượng chính trị đã lấy lý do kết quả bầu cử để gây rối trật tự công cộng, chiếm đoạt quyền lực một cách bất hợp pháp. Ông cho rằng những gì đang xảy ra hiện nay đã được lên kế hoạch từ lâu.

Từ mâu thuẫn tới biểu tình: Kyrgyzstan chứng kiến giọt nước tràn ly của cuộc tranh giành quyền lực gay gắt - Ảnh 3.

Các tuyên bố của Tổng thống S. Jeenbekov cho thấy ông không có ý định từ chức. Theo Hiến pháp Kyrgyzstan, để luận tội Tổng thống phải cần ít nhất 80/120 phiếu của các đại biểu Quốc hội tán thành.

Trong trường hợp không có đủ số phiếu cần thiết nói trên, thì không loại trừ khả năng phe đối lập và Tổng thống sẽ ngồi vào đàm phán.

Trong mọi trường hợp, Moscow là đồng minh chiến lược của Bishkek sẽ tìm cách giữ bằng được S. Jeenbekov. Căn cứ quân sự của Nga tại Kyrgyzstan đã được lệnh đặt trong tình trạng thời chiến.

Kyrgyzstan là một nước theo chế độ nghị viện chứ không phải là một nước theo chế độ Tổng thống. Điều này có nghĩa là Quốc hội và Chính phủ mới nắm thực quyền, vai trò nguyên thủ quốc gia mang ý nghĩa biểu tượng nhiều hơn.

Nhiều nhà quan sát cho rằng, phe đối lập chỉ tìm cách phân chia với nhau các chức vị trong chính phủ vừa giải tán, và sau đó thông qua Quốc hội để hợp pháp hóa. Tương lai của Tổng thống S. Jeenbekov không phải là vấn đề chính ở Kyrgyzstan vào lúc này.

Ngay cả khi ông S. Jeenbekov ở lại chức vụ Tổng thống, ông sẽ không thể có được quyền lực thực sự. Ông sẽ phải đối mặt với số phận của một Tổng thống yếu kém trong một chính phủ mới gồm phần đông là các phần tử đối lập.

Tình hình bất ổn ở Kyrgyzstan sau bầu cử Quốc hội chỉ có thể giải quyết được bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở Hiến pháp của nước này. Các lực lượng chính trị của Kyrgyzstan cần khôi phục lại tiến trình chính trị, ngồi vào bàn đàm phán để giải quyết các bất đồng đảm bảo lợi ích của các bên vì một nước Kyrgyzstan hòa bình, ổn định và thịnh vượng.

*Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt lại

Cộng hòa Kyrgyzstan

Thủ đô: Bishkek

Thể chế: Lập hiến nghị viện

Quốc hội: Jogorku Kenesh

Diện tích: 199,951 km² (thứ 85 trên thế giới)

Dân số: 6,4 triệu người (Thứ 110 trên thế giới)

Ngôn ngữ chính thức: Tiếng Kyrgyz và Tiếng Nga

Ngày độc lập: Ngày 31/8/1991 (sau khi Liên Xô tan rã)

GDP (PPP): 25,915 tỷ USD (thứ 136 trên thế giới)

Bình quân đầu người: 4056 [6] đô la (thứ 143 trên thế giới)

GDP (danh nghĩa): 8,261 tỷ USD (thứ 142 trên thế giới)

Bình quân đầu người: 1,293 USR (thứ 154 trên thế giới)

Kyrgyzstan là thành viên của Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS), Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU), Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO), Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (ICO) và Liên hợp quốc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại