Tạp chí National Defense của Mỹ đưa tin, Đô đốc Paul Zukunft nói rằng Trung Quốc sẽ nhanh chóng cho ra mắt tàu phá băng tầm trung thứ hai của nước này.
Phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) hôm 13/3, ông Zukunft cho biết không loại trừ khả năng Trung Quốc có "mục đích tốt" đối với khu vực Bắc Cực, nhưng hiện tại Mỹ không nắm được ý đồ thực sự của Bắc Kinh.
Ông nói trước cử tọa: "Tôi không biết họ (Trung Quốc) có kế hoạch lâu dài như thế nào. Quý vị có biết chiến lược của Bắc Kinh ở Bắc Cực là gì không?
Ngoài các khu vực chung toàn cầu, họ có thể đặt ra giới hạn gì? Có xâm phạm đến lợi ích của Mỹ hay không?
Tôi không thể trả lời các câu hỏi này, chính vì vậy điều đó mang lại mối quan ngại rất lớn."
"Khi nhìn thấy một tàu phá băng tiến hành nghiên cứu khoa học, tôi không cảm thấy có gì đáng ngại. Nhưng nếu như tôi trông thấy một giàn khoan di động hiện diện ở Bắc Cực, tôi sẽ nghĩ rằng 'mình đã gặp phải vấn đề rồi'," ông nói thêm.
Tư lệnh Cảnh sát biển Mỹ, Đô đốc Paul Zukunft. (Ảnh: U.S. Coast Guard/PO2 Patrick Kelley)
Theo National Defense, Trung Quốc đang tạo ra những mối lo ngại đáng kể ở khu vực biển Đông với hoạt động bồi lấp, xây dựng đảo nhân tạo (phi pháp-PV) mà nước này tiến hành. Và hiện tại, Bắc Kinh bắt đầu hướng tầm mắt tới Bắc Cực.
Hồi tháng 1/2016, Trung Quốc đã biên chế tàu phá băng mới có tên Haibing 722 vào Hải quân. Nước này còn sở hữu một tàu phá băng khác là Xue Long, được hoàn thành từ năm 1993.
Theo Đô đốc Zukunft, Bắc Cực là khu vực có trữ lượng dầu lửa, khí tự nhiên và khoáng sản rất dồi dào. Hiện đã có một số quốc gia cho thấy ý định hiện diện và khai thác ở đây, đặc biệt là trong bối cảnh hiện tượng băng tan đang dần khai thông những tuyến hàng hải mới.
"Dưới đáy biển ở Bắc Cực chứa khoảng 13% trữ lượng dầu mỏ toàn cầu, khoảng 1/3 lượng khí đốt và nguồn khoáng sản có giá trị hàng nghìn tỉ USD," ông cho hay.
Tàu phá băng Haibing 722 của Hải quân Trung Quốc. (Ảnh: Huanqiu)
So với các quốc gia vùng Bắc Cực như Canada, Thụy Điển, Phần Lan và Nga, nước Mỹ sở hữu ít tàu có khả năng xuyên qua khu vực này hơn.
Lực lượng Cảnh sát biển Mỹ hiện sở hữu 3 tàu phá băng: USCGC Polar Star, USCGC Polar Sea và USCGC Healy. Chỉ có chiếc Polar Star và Healy đang hoạt động.
Mỹ ký thỏa thuận hợp tác cùng các quốc gia vùng Bắc Cực
Hãng AP (Mỹ) đưa tin, thỏa thuận của Diễn đàn cảnh sát biển vùng Bắc Cực giữa Mỹ, Canada, Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Thụy Điển và Nga đã được ký kết hồi tuần trước và được công bố hôm thứ Hai, 13/6.
Diễn đàn được khởi động vào tháng 10/2015 và các nhóm đã thảo luận để thiết lập chiến lược, mục tiêu cùng phương án để đạt được những mục tiêu hoạt động chung.
Đô đốc Paul Zukunft đánh giá thỏa thuân này đã giúp xây dựng "khuôn khổ trao đổi thông tin". Các bên cũng chốt lại một "bản hướng dẫn" về các hoạt động chung.
Các thành viên của thỏa thuận đã có kế hoạch tổ chức diễn tập vào năm tới để chuẩn bị cho kịch bản giải cứu diện rộng, trong tình hình ngày càng nhiều tàu du lịch đang phá hoại không thương tiếc vùng biển Bắc Cực.