Từ khi nào đi phượt trở thành… đồ trang sức?

Bảo Nam |

Thiên nhiên kỳ thú, tự do, phóng khoáng đã không còn là mục đích của những chuyến đi phượt nữa. Giờ đây người ta đi phượt để lấy số má…

Phượt thủ không cần thiết phải có cùng đích đến. Có người thích lên rừng, có người khoái xuống biển, có phượt thủ chỉ đơn giản là thích rong ruổi trên các nẻo đường để giải phóng tâm hồn.

Suy cho cùng, những người thích đi du lịch, hay chất hơn, tự do hơn là đi phượt một cách đúng nghĩa đều gặp nhau ở một điểm cắt: Họ thích sự tự do, thích khám phá thiên nhiên kỳ thú.

Họ muốn thoát khỏi sự ngột ngạt của thành phố, cùng bạn bè tận hưởng những giây phút thật hoang dã, thật điên mà sự tự do tột bậc cho phép.

Những phượt thủ đã từng như vậy. Chỉ là đã từng thôi.

Từ khi nào đi phượt trở thành… đồ trang sức? - Ảnh 1.

Chúng ta đã đi từng phượt theo đúng nghĩa

Vài năm gần đây, trào lưu đi phượt bùng nổ như dịch bệnh, và nó ngày càng biến tướng về bản chất.

Mới đây, một group phượt rất đông trên Facebook chiêu binh mãi mã số lượng rất đông phượt thủ cùng kéo nhau lên Tam Đảo đập phá một trận ra trò nhân kỷ niệm 3 tháng thành lập. Theo cách gọi của giới trẻ thì đó gọi là đi "bão".

Kết quả của màn tuyển quân ấy rất thành công: 160 người, ngồi trên 100 chiếc xe máy kéo dài cả km rầm rập cùng hướng về Tam Đảo.

Họ tụ tập thành một nhóm rất đông để… uống rượu. Người nào đi một mình, theo quy định, sẽ bị phạt một bát rượu. Có bạn đồng hành đi cùng chỉ phải uống một ly.

Nhóm này khoe chiến tích trên Facebook: Đã lập được kỷ lục về số người đi phượt, về cả độ dài của đoàn phượt.

Đáng tiếc, 2 thành viên về sớm của nhóm này đã không may tử nạn sau khi đâm phải một chiếc xe ô tô chạy chiều ngược lại trên đường Phạm Văn Đồng. Đó là 2 thành viên trải qua trận rượu tưng bừng kéo dài đến rạng sáng, rồi chạy xe vội về Hà Nội để kịp đi làm buổi sáng.

Từ khi nào đi phượt trở thành… đồ trang sức? - Ảnh 2.

Cái giá quá đắt cho một lần đi phượt của đôi bạn trẻ

Tất cả những ý nghĩa căn bản nhất của khái niệm "đi phượt" đều đã không tồn tại trong chuyến hành quân lên Tam Đảo: Không khám phá, không tự do, không giải thoát được bất kỳ điều gì.

Trái lại, họ trói nhau trong cuộc nhậu thâu đêm. Họ tàn phá thiên nhiên bằng 100 chiếc xe máy cùng lúc kéo lên địa điểm từng rất bình yên trong quá khứ như Tam Đảo. Họ phá tan cả bầu không khí yên tĩnh của vùng đất này.

Nhóm phượt đêm này chỉ là một trong hàng trăm những nhóm phượt tự phát đang hình thành để bắt kịp trào lưu và cố gắng thực hiện những chuyến đi như chỉ để có một vật trang trí trong nhà.

"Tao đã đi phượt chỗ A, chỗ B" trở thành câu nói nâng cao chân kính cho khá nhiều bạn trẻ. Họ cảm thấy bản thân thật ngầu, thật từng trải khi chạy một mạch tới một điểm nào đó, chụp vài kiểu ảnh rồi đâm đầu vào những trận nhậu, và gọi đó là đi phượt.

Tôi biết rất nhiều, rất nhiều những bạn trẻ đã và đang đi phượt theo cách này.

Họ thậm chí còn không quan tâm đến mình đã đi qua những đâu, mà chỉ đơn giản là "đã trải qua chuyến đi đó, đã có mặt ở đó". Facebook đang giúp đỡ những thành phần này rất nhiệt tình bằng cách tạo ra khái niệm check-in.

Từ khi nào đi phượt trở thành… đồ trang sức? - Ảnh 3.

Một trong những cách "check-in" phản cảm đang xuất hiện khá nhiều trong thời gian qua

Những chuyến đi phượt trá hình, lấy số, làm màu đang biến giới trẻ thành những kẻ nhạt nhẽo, vô vị và thiếu trách nhiệm. Nhạt nhẽo bởi cách tận hưởng sự tự do, tận hưởng thiên nhiên như thể đang đứng trong một vườn cam và mở lon nước cam ra uống.

Vô trách nhiệm vì những chuyến đi này vốn dĩ tốn khá nhiều thời gian và sức lực. Có khá nhiều sinh viên xa quê từ bỏ cơ hội về với gia đình để theo chân những phượt thủ rởm đời lên núi sống ảo.

Hoặc tệ hơn là như trường hợp của 2 phượt thủ xấu số mới đây. Họ vô trách nhiệm tới mức uống rượu đến sáng rồi phóng xe từ Tam Đảo về Hà Nội.

Nghề chơi nào cũng lắm công phu. Nếu chỉ đơn thuần là kiếm những chiến tích để trang trí cho cuộc đời mình, đừng tự nhận là phượt thủ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại