Cảnh sát áp giải các nghi phạm trong vụ giết chết ông Diyawadana ngày 6-12-2021. Ảnh: AP
Đài Al Jazeera cho biết nạn nhân là ông Priyantha Kumara Diyawadana, quản lý nhà máy sản xuất dụng cụ thể thao ở quận Sialkot, phía Đông Pakistan. Ông Diyawadana bị một số công nhân nhà máy này giết chết vào tháng 12 năm ngoái.
Ngoài kết án tử hình 6 người, tòa án chống khủng bố ở Lahore cũng tuyên án chung thân đối với 9 người, 5 năm tù đối với 1 người và 2 năm tù đối với 72 người, theo một tuyên bố từ nhóm công tố viên. Tám trong số những người bị kết án là người chưa thành niên.
Một công tố viên nói rằng họ đã tích cực làm việc để đưa các nghi phạm ra toà cũng như hài lòng về phán quyết trên.
Tuy nhiên, luật sư của 1 trong 6 người bị kết án tử, Hafiz Israr ul Haq, cho rằng bản án "không công bằng". Người này lập luận đây là vụ bạo lực liên quan tới đám đông nên khó xác định chắc chắn vai trò của cá nhân.
Vào thời điểm xảy ra vụ giết người, các quan chức cảnh sát địa phương cho hay có tin đồn ông Diyawadana "xé một tấm áp phích tôn giáo và ném nó vào thùng rác".
Một số đoạn video được chia sẻ trên mạng xã hội quay cảnh đám đông đánh đập ông Diyawadana trong khi hô khẩu hiệu chống lại sự báng bổ. Các đoạn video khác cho thấy thị thể của ông Diyawadana bị đốt cháy. Nhiều người trong đám đông thậm chí không che giấu danh tính mà còn chụp ảnh "tự sướng" trước cảnh tượng kinh khủng trên.
Tổ chức cầu nguyện cho ông Diyawadana. Ảnh: AP
Ở Pakistan, một sự xúc phạm nhỏ đối với đạo Hồi cũng có thể châm ngòi cho các cuộc biểu tình và kích động những nhóm quá khích.
Vào tháng 4-2017, sinh viên đại học Mashal Khan bị một đám đông giận dữ giết chết vì cáo buộc "đăng tải nội dung báng bổ lên mạng internet". Một cặp vợ chồng theo đạo Cơ đốc cũng bị giết chết và thiêu xác ở Punjab sau khi bị cáo buộc xúc phạm Kinh Quran.
Kể từ năm 1990, ít nhất 82 người đã bị sát hại vì cáo buộc báng bổ ở Pakistan, theo một cuộc điều tra của đài Al Jazeera.