1. Ngót hai chục
năm trước, người viết nghe được một câu chuyện, nghe xong cười chẳng nổi, mà
khóc cũng chẳng xong.
Năm 1998, Việt Nam tham dự giải cờ Tướng trẻ châu Á tại Giang Tô, Trung Quốc. Kỳ thủ trẻ Nguyễn Thành Bảo xuất sắc hạ gục Hồng Trí của Trung Quốc để đem cúp vàng về Việt Nam. Cho đến giờ, đấy vẫn là một trong những thành tích danh giá nhất của cờ Tướng Việt Nam.
Đấy sẽ mãi là một câu chuyện đáng tự hào, nếu không có việc hộ chiếu của Nguyễn Thành Bảo chỉ được làm xong đúng 1 ngày trước khi đoàn cờ Tướng Việt Nam lên đường, và ngày sinh trong hộ chiếu của Bảo là... 31/2/1978. Giới hạn tuổi cho giải đấu đấy là 20.
Đầu những năm 2000, Thành Bảo được đích thân ông Đoàn Ngọc Giao - giám đốc Sở TDTT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu gọi về đầu quân với những chế độ đãi ngộ vượt bậc.
Đùng một cái, Thành Bảo bỏ Bà Rịa - Vũng Tàu sang Gia Lai, vi phạm hợp đồng, bị cấm thi đấu ở giải VĐQG do Bà Rịa - Vũng Tàu tố cáo. Cay cú, Thành Bảo vác gạch đuổi đánh HLV Nguyễn Thanh Duân ngay tại giải đấu năm ấy, khiến BTC một phen khiếp vía.
2. Chẳng biết là vô tình hay cố ý, mà khi cái tên Nguyễn Thị Huyền - cô gái chân đất chạy thẳng đến Olympic Rio đang còn nóng hổi, thì người ta phát hiện ra rằng Nguyễn Thị Nụ, ngôi sao điền kinh một thời đang phải chật vật với thương tật, trắng tay, bị hắt hủi khỏi ngành thể thao không thương tiếc.
Võ Trần Trường An - trả lại huy chương, rời đường bơi để trở lại dòng đời.
Rồi khi cả Việt Nam đang say sưa với giấc mơ "Tiểu tiên cá" Ánh Viên đưa nước nhà sánh vai năm châu trên đấu trường Olympic, với khóa tập huấn "khủng" ở Mỹ, người ta lại nhớ ra rằng tròn 20 năm trước, Việt Nam có Võ Trần Trường An.
Trường An năm ấy dự Olympic ở tuổi 15, để rồi 4 năm sau, ở cái tuổi còn chưa bằng Ánh Viên bây giờ, cô từ giã thể thao. Suốt gần 20 năm, cho đến tận bây giờ, vận động viên Olympic ngày nào chưa một lần đặt chân xuống lại hồ bơi, trả lại toàn bộ huy chương, để bơi vào dòng đời.
Trường An quay lại cuộc sống của một con người bình thường, cùng nỗi trăn trở giá ngày ấy được học văn hóa, thay vì chọn con đường thể thao đỉnh cao.
Mới đây nhất, sau khi Hoàng Xuân Vinh găm viên đạn cuối cùng vào bia đạt 10,7 điểm, đem về tấm huy chương vàng thỏa giấc mơ vàng Olympic cho Việt Nam, người ta lại chợt nhớ ra rằng trước anh, chúng ta thậm chí đã từng làm được hơn cả thế, với cố xạ thủ Trần Oanh.
Hoàng Xuân Vinh về nước trong vinh quang và những lời tung hô rợp trời, cùng những món tiền thưởng khổng lồ. Hôm nay, chính rằm tháng Bảy là ngày giỗ của cố xạ thủ Trần Oanh. Ba mươi năm trước, ông ra đi trong cảnh bần hàn, chỉ có một bát cháo trắng lót lòng trước khi nhắm mắt.
Bàn thờ cố xạ thủ Trần Oanh vẫn chừa chỗ cho tấm giấy chứng nhận 16 năm vô vọng.
Trên bàn thờ cố xạ thủ Trần Oanh, người góa phụ Cao Thị Xang năm nay đã 90 tuổi vẫn chừa một chỗ cho tấm giấy chứng nhận người chồng quá cố là vận động viên xuất sắc nhất thế kỷ XX của Việt Nam, đã chờ đợi 16 năm từ ngày nghe phong thanh ông được phong tặng, mà vẫn bặt vô âm tín.
3. Võ Trần Trường An, ngôi sao Olympic hai mươi năm về trước từng nghẹn ngào thốt lên rằng giá như được chọn lại, cô sẽ chọn sự nghiệp đèn sách, thay vì đi theo thể thao chuyên nghiệp.
Trong số 555 vận động viên Mỹ tham dự Olympic Rio 2016, có đến gần 80% trong đó đã và đang là sinh viên. Trong khi đó tại Việt Nam, chọn theo đuổi thể thao chuyên nghiệp, đồng nghĩa với việc chọn con đường học bổ túc văn hóa, con đường mà Võ Trần Trường An ngày nào đã đi, và đã ân hận.
Tương lai của Nguyễn Thị Nụ ở đâu, với hai bàn tay trắng và cơ thể thương tật?
Chọn thành tích thể thao, hay chọn kiến thức văn hóa để vận động viên có được mặt bằng văn hóa đủ giúp họ vững bước trên đường đời sau nghiệp thi đấu. Chọn thể thao học đường, hay chọn tập trung đào tạo vận động viên theo kiểu gà nòi. Với các nhà quản lý thể thao Việt Nam, chắc hẳn câu hỏi, bản thân nó đã tự là câu trả lời.
Năm năm sau ngày một bài báo phản ánh việc nhà vô địch SEA Games môn điền kinh Nguyễn Thị Nụ phải đi nhổ cỏ, thay vì làm công tác chuyên môn, cô gái từng đem những thành tích huy hoàng về cho thể thao nước nhà phải khăn gói rời ngành thể thao - cần câu cơm duy nhất cô từng biết đến với hai bàn tay trắng, và cái đầu gối thương tật vĩnh viễn.
Năm năm sau ngày tưởng như cuộc đời sẽ khá hơn với tiếng chuông gióng lên, Nguyễn Thị Nụ thất nghiệp, phải mổ gối bằng tiền từ thiện, được kêu gọi bởi chính những cựu vận động viên như Thúy Vinh, Thúy Hiền. Tấm bằng đại học TDTT không giúp được Nụ giữa đời thường, và chỉ có những vận động viên mới yêu thương, đồng cảm với nhau nhất.
Hứa Hải Phong - xạ thủ từng đem chiếc huy chương vàng Olympic đầu tiên về cho Trung Quốc được thế hệ trẻ Trung Quốc biết đến với câu chuyện được đưa vào sách giáo khoa tiểu học. Hoàng Xuân Vinh, rồi đây thành tích và câu chuyện của anh chắc hẳn sẽ được nhắc lại trong các đề thi, bên cạnh những khổ thơ hay, những vấn đề thời đại nóng hổi.
Những thành tích huy hoàng rồi cũng sẽ qua, chỉ có nỗi đau là còn lại mãi.
Khi "cơn sốt" mang tên Hoàng Xuân Vinh đi qua, chắc hẳn cái tên lẫy lừng một thời, con người từng cống hiến trọn vẹn tuổi thanh xuân cho thể thao Việt Nam - Trần Oanh, rồi đây sẽ lại trở về với vị trí của mình, trong lòng những người thân của gia đình, và những đồng đội ít ỏi ngày nào - còn sống.
Niềm tự hào về những thành
tích đỉnh cao của thể thao của Việt Nam sẽ luôn lung linh, là của chung mọi người,
còn nỗi đau phụ bạc, ruồng rẫy, khốn khó cùng cực sẽ mãi nằm lại phía sau lưng,
và chẳng phải là của ai cả, trừ những người phải hứng chịu.