Huyền thoại Trần Oanh: "16 năm, mỏi mòn mong tấm giấy chứng nhận"

Phạm An |

Để đem vinh quang về cho Tổ quốc là cả một sự hy sinh lớn lao của gia đình cố xạ thủ Trần Oanh. Để rồi khi ông nằm xuống, vợ con của ông lại ngậm ngùi với sự thờ ơ của thời cuộc.

Nhắc về cựu xạ thủ Trần Oanh (SN 1927, quê ở thôn Ngọc Đường, xã Hải Yến, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa), bà Cao Thị Xang (vợ ông Trần Oanh) tự hào bao nhiêu, vui vẻ bao nhiêu thì càng về cuối câu chuyện, bà càng ngậm ngùi, xót xa bấy nhiêu.

Bởi theo bà, ông Trần Oanh và VĐV Hoàng Xuân Vinh (VĐV môn bắn súng vừa đạt huy chương vàng Olympic Rio năm 2016) cùng là VĐV bắn súng, cùng đưa quốc kỳ Việt Nam lên tầm cao nhất cho thể thao nước nhà.

Nhưng giờ đây, VĐV Hoàng Xuân Vinh càng được tung hô, bà lại nghẹn ngào, xót xa cho chồng bấy nhiêu.

Huyền thoại Trần Oanh: 16 năm, mỏi mòn mong tấm giấy chứng nhận - Ảnh 1.

Bà Xang luôn tự hào về chồng mình. Ảnh PA.

"Trường bắn tên ông Trần Oanh to hay nhỏ, cao hay thấp?"

Đó là câu trả lời của bà Xang, khi bà được hỏi bà có biết trường bắn được đặt theo tên ông Trần Oanh chưa. Câu hỏi ngược của bà Xang khiến người đối diện cảm thấy thật ngậm ngùi.

Vào thắp nén nhang cho chồng, bà chậm rãi nói: "Tôi ở nhà quê đi làm từ sáng đến tối, có biết chi đâu. Có người ở làng ra ngoài ấy công tác, về họ bảo với tôi là ở ngoài Thanh Hóa có cái nhà mang tên ông Trần Oanh.

Nghe nói thế thôi chứ tôi chưa biết cái nhà đó to hay nhỏ, cao hay thấp thế nào. Đấy là nghe người dưng bảo thế, chứ trong ban ngành hay tổ chức đơn vị xây nên thì họ không nói với tôi gì cả. Khánh thành, ăn mừng gì đó cũng không có ai kêu, ai nói gì cả."

Khi được hỏi, vậy bà có muốn đi tham quan trường bắn tên ông Trần Oanh không. Bà cười buồn: "Cũng muốn đi lắm chứ, xem người ta thương ổng thế nào. Mà đợi đến già yếu rồi, cũng chẳng biết đi như thế nào cả, nên tôi cũng im đi cho xong.

Thôi, nhà nước thương ổng vậy mình cũng phấn khởi, nhưng giá như tôi được đến đó một lần..." Bỏ lửng câu nói, giọng bà chùng xuống, nước mắt lặng lẽ rơi.

Huyền thoại Trần Oanh: 16 năm, mỏi mòn mong tấm giấy chứng nhận - Ảnh 2.

Càng về cuối câu chuyện, bà Xang càng nghẹn ngào khi nói về chồng. Ảnh PA.

Bây giờ mỗi lần xem ti vi, thấy mọi người tung hô VĐV Hoàng Xuân Vinh bao nhiêu, gia đình bà lại xót cho chồng, cho bố mình bấy nhiêu. Họ xót cho ông Trần Oanh, buồn cho thời cuộc thờ ơ không chỉ với người đã mất, mà còn quên luôn những người còn sống.

Những người vợ, người con âm thầm hy sinh để giúp cựu xạ thủ Trần Oanh yên tâm trong công cuộc mang vinh quang về cho đất nước.

Theo bà Trần Thị Hoa (con gái ông Trần Oanh), do phương tiện truyền thông phát triển, người ta mới biết ông Trần Oanh là ai. Cũng nhờ vậy, gia đình mới biết có trường bắn Trần Oanh, chứ lúc trước gia đình chẳng hề biết gì cả. Giờ thì biết càng nhiều về bố mình, bà Hoa càng cảm thấy tự hào kèm theo sự ngậm ngùi, cay đắng.

Huyền thoại Trần Oanh: 16 năm, mỏi mòn mong tấm giấy chứng nhận - Ảnh 3.

Chị Hoa mong rằng lãnh đạo nước nhà quan tâm đến mẹ mình hơn để bà đỡ tủi ở tuổi xế chiều. Ảnh PA.

Chị Hoa nói: "Gia đình chỉ cần những người trong cuộc biết nhìn nhận thực tế. Mẹ tôi đã hy sinh cả cuộc đời để bố mang vinh quang lại cho đất nước. Tại sao họ lại thờ ơ với bà như thế, ngay cả việc mời bà đến thăm trường mang tên bố, họ cũng không làm được.

Thậm chí mộ của bố tôi giờ bị những ngôi mộ khác xây xung quanh, lấp cả lối đi. Mỗi lần đi thăm ông thì phải bước qua những cái mộ khác, hoặc đi tắt vòng vèo mới vào trong được. Tuy lãnh đạo xã Hải Yến đã cấp cho ông khu đất khác để xây mộ, nhưng đến giờ họ vẫn chưa nói khi nào đưa ông đi qua chỗ mới."

Tôn vinh theo kiểu "áo gấm đi đêm"

Cho dù chưa biết gì về trường bắn mang tên ông Trần Oanh, bà Xang vẫn mừng trong bụng khi trường bắn đã được xây dựng. Thế nhưng ước vọng cuối đời của bà là ông Trần Oanh có được bằng chứng nhận VĐV xuất sắc nhất thế kỷ XX, để bà đặt cạnh bàn thờ ông, để ông được an ủi phần nào.

Được biết, năm 2000 ông Trần Oanh được Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) công nhận là Vận động viên xuất sắc nhất thế kỷ 20 của Việt Nam theo đề xuất của Ủy ban Thể dục thể thao Việt Nam.

Nhưng đến nay đã 16 năm, gia đình vẫn chưa có được bằng chứng nhận, mặc dù ông Đức (con trai cả của ông Trần Oanh) nhiều lần gặp lãnh đạo ngành Thể dục thể thao để hỏi thăm.

"Lúc nghe tin bố được công nhận là VĐV xuất sắc thì cả nhà rất phấn khởi, vui mừng. Cuối cùng bố tôi cũng được vinh danh đúng như những gì ông làm được. Thế nhưng niềm vui đến nay vẫn chưa trọn vẹn. Chúng tôi đã đợi 16 năm nay nhưng bằng chứng nhận vẫn chưa được trao cho bố", anh Đức nói.

Huyền thoại Trần Oanh: 16 năm, mỏi mòn mong tấm giấy chứng nhận - Ảnh 4.

Tâm nguyện cuối đời của bà Xang là ông Trần Oanh có được bằng chứng nhận VĐV xuất sắc nhất thế kỷ XX. Ảnh PA.

Bà Xang lại khóc: "Chồng chết rồi, mẹ con đùm bọc nhau qua khó khăn rồi. Đáng ra mấy ông cấp trên phải biết để ông Oanh mang được vinh quang về cho đất nước thì người nhà ông ấy phải hy sinh, khốn khổ ra sao. Nhưng các ông ấy không biết, nên mình đành chịu thôi.

Nói các ông bỏ quá cho, các ông đi với ông Oanh, các ông phải biết tôn trọng vợ ông Oanh. Tôi vẫn còn sống nhưng các ông không thèm biết. Đúng, chưa ai biết mặt mũi của tôi như thế nào cả. Trách thì không trách, trách thì mọi chuyện đã rồi rồi. Nhưng mong rằng các ông nghĩ đến ông Oanh đôi chút cho ông ấy vui lòng."

Bằng hữu còn ngậm ngùi, huống hồ vợ con

Nhắc về ông Oanh, ông Trần Trọng Tâm (SN 1943, quê Thanh Trì, Hà Nội) - VĐV bộ môn súng trường, cùng tập luyện với ông Oanh tại Trung tâm huấn luyện bắn súng trung ương Xuân Mai năm 1965 nhiều lần nghẹn ngào. Đối với ông Tâm, ông Oanh không chỉ là đồng đội, mà còn là một người anh đáng kính.

Ông Tâm kính nể ông Oanh bởi ông Oanh chỉ "hóa hổ" trong lúc thi đấu, còn với đồng đội, ông luôn là người anh mẫu mực, khiêm nhường, không bao giờ phân biệt hay khinh thường những VĐV khác.

Ở trung tâm tập luyện người ta như thế nào, ông như thế ấy, chưa bao giờ vì mình đạt nhiều huy chương mà đòi hỏi quyền lợi.

Ông Oanh luôn cho rằng thành tích là của quốc gia, nên ông chưa bao giờ kể công. Vì vậy mà ông luôn được những VĐV khác kính nể. Ông Tâm nhớ, lúc gặp ông Oanh ở quê nhà, ông cũng ngạc nhiên lắm, không ngờ một VĐV tiếng tăm lẫy lừng như ông Oanh cuối đời lại sống khổ sở đến vậy.

Khi ông Tâm đến thăm, không còn gì đãi khách, ông Oanh xúc mớ tép dưới biển lên, lấy thêm hai cái bánh đa rồi cả hai ông ngồi ngoài bãi biển mà ngẫm sự đời.

Huyền thoại Trần Oanh: 16 năm, mỏi mòn mong tấm giấy chứng nhận - Ảnh 5.

Ông Tâm cho rằng, tuy ông là bằng hữu của ông Oanh khi nhìn thấy 2 VĐV ở hai thế hệ được đối xử quá chênh lệch ông còn thấy nghẹn ngào, huống chi bà Xang là vợ ông Oanh. Ảnh PA.

Ông Tâm buồn bã: "Chỉ là bằng hữu mà tôi còn thấy ngậm ngùi cho ông Oanh, huống chi người nhà ông ấy. Nhất là bây giờ nếu mọi người không tung hô Hoàng Xuân Vinh hết lời, còn ông Oanh một cái bằng chứng nhận mà bàn thờ của ông 16 năm vẫn còn trống chỗ.

Tôi chỉ nghĩ cả đời VĐV của ông Oanh mang về biết bao huy chương, thì có lẽ khi được Bác Hồ gọi lên Phủ Chủ Tịch và cho ngồi cùng là điều quý giá nhất, an ủi nhất. Ông ấy chỉ có điều đó thôi.".

Ông nói tiếp: "Lúc trước đất nước còn nghèo thì không nói, đến bây giờ đất nước đã đi lên, thì tôi nghĩ nhà nước nên quan tâm vợ con ông ấy hơn. Tôi thấy về việc này lãnh đạo chưa được thấu đáo lắm, nếu không thì không bỏ mặc vợ con ông Oanh như thế.

Từ khi bắt đầu bộ môn bắn súng này, thì chỉ có 2 VĐV mang vinh quang về cho đất nước là ông Oanh và Hoàng Xuân Vinh. Không phủ nhận Xuân Vinh là một vận động viên giỏi, nhưng anh ấy được quan tâm, đãi ngộ như thế thì tại sao lại bỏ mặc ông Oanh cô đơn đến vậy.

Chính tôi đây còn thấy mủi lòng, huống gì gia đình ông ấy. Giá như Nhà nước quan tâm đến ông ấy một chút, thì có lẽ niềm vui sẽ trọn vẹn hơn. "

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại