Lăng mộ dòng họ Lã tại Lam Điền (Ảnh: Sohu)
Trộm mộ là hành vi vi phạm pháp luật, nhưng nếu kẻ trộm mộ lại trộm chính mộ tổ tiên của mình và bán các di vật trong lăng mộ thì có được coi là vi phạm pháp luật hay không? Đây chính là một câu hỏi hóc búa được đặt ra không chỉ từ góc độ pháp lý, mà còn từ góc độ đạo đức. Câu chuyện dưới đây là một trường hợp rất đặc biệt.
Nhân vật chính trong câu chuyện là một người đàn ông tên Lã Phú Bình, đã ngoài 40 tuổi nhưng rất lười biếng, lại cũng không có công việc hẳn hoi, cho nên người trong làng đều rất khinh thường ông ta, ngay cả họ hàng thân thích cũng không muốn qua lại.
Tuy rất lười nhưng ông ta lại có ước mơ làm một người giàu có, suốt ngày mơ về một ngày tự dưng trở nên giàu có, cho nên ông ta cũng thử nhiều cách, trong đó có việc mua xổ số, nhưng chưa bao giờ đem lại kết quả.
Bia mộ "Lam Điền Tứ Lã" tại Lam Điền – Thiểm Tây (Trung Quốc) (Nguồn: Sohu)
Cho đến một ngày, Lã Phú Bình đọc được một tiểu thuyết nói về việc trộm mộ, liền nghĩ về ngôi mộ tổ sau làng mình. Tổ tiên của ông ta là Lam Điền Lã Thị (dòng họ Lã ở Lam Điền), một dòng họ nổi tiếng thời Bắc Tống. Cụ tổ Lã Thông là một viên quan thời Bắc Tống, đi ngang qua thôn Lam Điền, thấy phong cảnh nơi đây rất mực nên thơ, nên chuyển cả gia đình đến đây định cư.
Cả bốn người con của Lã Thông đều lưu danh khoa bảng, được người đời gọi là "Lam Điền Tứ Lã", trong đó người con thứ hai là Lã Đại Phòng làm đến chức tể tướng, người con thứ tư Lã Đại Lâm là nhà khảo cổ đầu tiên của Trung Quốc. Tuy nhiên, những vị tổ tiên lừng lẫy ấy không ngờ có một ngày mộ của mình lại bị chính đứa cháu trai bất hiếu đào lên.
Sau đó, Lã Phú Bình bị bắt khi ông ta bị phát hiện tàng trữ 119 món đồ cổ từ thời Bắc Tống. Ông ta khai đó đều được lấy lên từ mộ tổ của mình. Khi bị bắt, Lã Phú Bình rất ngạc nhiên, ông ta cho rằng ông ta đào mộ tổ nhà mình, không thể coi là hành vi phạm pháp, công an không có quyền bắt ông ta.
Công an nghe nói vậy thì ngay lập tức tìm chuyên gia đến xác minh, biết được rằng ông ta quả thực là hậu duệ của dòng họ Lã ở Lam Điền. Tuy nhiên, cơ quan công an cuối cùng đã bắt giữ Lã Phú Bình và kết án ông ta 10 năm tù vì tội trộm mộ và mua bán trái phép các di vật lịch sử.
Vậy ông ta sai ở đâu?
Trong Luật Hình sự nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa có điều khoản ghi rõ: Hành vi khai quật di chỉ văn hóa cổ, mộ cổ đã được xác định là di tích văn hóa trọng điểm quốc gia và di tích văn hóa cấp tỉnh, lấy trộm tài sản trong các di tích văn hóa cổ hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho các di tích văn hóa đó đều là hành vi phạm pháp.
Trộm mộ được coi là hành vi phạm pháp tại Trung Quốc (Ảnh: Sohu)
Hành động của Lã Phú Bình – đào mộ và lấy các tài sản trong mộ của tổ tiên được coi là hành vi phạm pháp vì lăng mộ của tổ tiên họ Lã đã được xếp hạng di tích văn hóa được bảo vệ cấp quốc gia. Không chỉ hủy hoại nghiêm trọng di tích và buôn bán trái phép cổ vật quốc gia, hành động bất hiếu đào mộ tổ tiên để làm giàu cũng xứng đáng bị trừng phạt.
Bài viết tham khảo từ Sohu