Cháo má heo khổng lồ ở quán có "view triệu đô"
Ở TPHCM, người ta rất ghiền các món ăn dân dã có hương vị đặc trưng, mà điển hình là cháo lòng. Có hàng ngàn quán cháo lòng ở khắp thành phố, có quán bán rẻ rề, cũng có quán giá cao mà vẫn đông nghẹt khách. Có cả những "cao thủ" ẩn thân ở vỉa hè, như quán của chị Thuận, anh Tuấn (đối diện số 14 đường Dương Đức Hiền, phường Tây Thạnh, quận Tân Phú) chẳng hạn.
Nhiều người đùa rằng, quán cháo má heo này giá cả thì bình dân nhưng có view "triệu đô", do đường Dương Đức Hiền nằm gần đường cất hạ cánh của sân bay Tân Sơn Nhất, khách có thể vừa ăn vừa ngắm máy bay lượn qua đầu.
Anh Tuấn - chị Thuận chủ quán cháo vỉa hè view "triệu đô"
Nhưng thứ khiến nhiều thực khách mê mệt quán cháo vỉa hè này thực ra là món cháo má heo với phần ăn khổng lồ. Thông thường ở các quán bình dân, người ta sẽ bán má heo góc tư (phần má trên kèm mắt hoặc má dưới) với giá chừng 70 - 90 ngàn/chiếc, tùy cách chế biến là hầm cháo hay nướng. Còn ở quán chị Thuận, má heo được bán nguyên phần to (nửa cái đầu heo), kèm theo một tô cháo không với giá 50 - 60 ngàn, tùy độ lớn của má heo.
Phần má heo khổng lồ đặc trưng của quán.
Để phục vụ món cháo má heo, chị thường hầm mềm trước, sau đó khi khách gọi sẽ chần qua với nước sôi rồi bỏ vào nồi cháo, nấu thêm chừng vài phút cho nóng rồi mới bày ra đĩa. Cháo má heo "khổng lồ" được dọn kèm hành chần, tiêu xay, thêm dĩa rau thơm, chén mắm ớt để tăng thêm hương vị.
Cháo má heo ở đây hấp dẫn vì phần thịt ở má heo rất dày, không hề bị lạng mỏng bớt đi. Với giá chừng 60 ngàn, thực khách có thể ăn no nê, hoặc chia nhau 2 người 1 phần má heo, kêu thêm tô cháo huyết nữa là vừa vặn.
Bên cạnh "hoa hậu" là cháo má heo, quán chị Thuận cũng có cháo lòng rất đắt khách. Cháo lòng ở đây có giá 20 ngàn/tô, bao gồm đủ món ăn kèm như cuống họng, dồi, phèo, tiết, gan, tim, dạ dày, có cả quẩy mềm và ăn cùng giá trụng.
Ai tinh ý sẽ thấy, chị Thuận không nấu cháo lòng, cháo má heo hoàn toàn kiểu miền Nam mà có pha thêm chút kiểu cách miền Bắc nữa. Cháo ở đây vẫn có chút gừng, sả trong cháo, rất loãng mà lại có thêm huyết cục. Đặc biệt, phần phèo được chị tuốt sạch bên trong, không để lại bột. Dồi cũng được làm kiểu lai, cho nhiều rau thơm, mỡ và cả đậu phộng, đậu xanh nhồi vào bên trong, tạo ra kết cấu "chắc" hơn dồi tiết, dồi mỡ thông thường.
Dù mỗi tô cháo có 20 ngàn, khá rẻ so với mức sống của người dân Sài Gòn, chị Thuận cũng rất hào phóng cắt lòng và thịt miếng dày, cắn ngập răng, "để ăn xong một tô là no luôn, khỏi cần kiếm gì ăn thêm", chị bảo thế.
Bí quyết mua nhà, tậu đất ở Sài thành
Chị Thuận, anh Tuấn đã gắn bó với quán cháo lòng này ngót nghét 20 năm. Chị Thuận kể: "Hồi xưa bán ở đường Lê Trọng Tấn, còn cái chợ cũ, rồi chuyển về đường Dương Đức Hiển, đường này vẫn còn ổ gà ổ vịt, chưa làm lại đẹp như giờ. Khởi đầu bán cháo có 2 ngàn/tô thôi, giờ thì 20 ngàn.".
Chị Thuận người gốc Mỹ Đức, Hà Tây (cũ), đã túc tắc buôn bán từ hồi đôi mươi, khi chưa lấy chồng. Rồi hai vợ chồng rời quê vô Nam sống, loanh quanh đã gần 20 năm. So với độ tuổi 41 của mình, chị nói giỡn rằng mình đã bán cháo lòng "một nửa cuộc đời".
Lúc cao điểm, mỗi ngày anh chị bán 60 má, mười mấy hai chục ký lòng, giờ tan tầm là kín mít bàn trải dọc đường. Mở bán từ 3 giờ chiều, thường 6 - 7 giờ tối là "cháy hàng" má heo, chừng 8 giờ, muộn nhất 9 giờ là anh chị dọn hàng. Vậy mà cũng có khi khách từ quận 1, Gò Vấp lặn lội qua ăn tầm chiều đã hết sạch má heo, khách buồn, hờn dỗi ra về, chủ cũng thấy áy náy.
Sau nhiều năm bám trụ vỉa hè, chị Thuận, anh Tuấn có đủ kinh tế để nuôi 3 con (học lớp 10, lớp 8, lớp 4) ăn học, mua xe SH, mua nhà Sài Gòn. Anh Tuấn bật mí: "Nhà thì mới có 1, nhưng hai vợ chổng tích cóp cũng mua được vài mảnh đất, sau này để cho các con.".
Bí quyết của họ được tiết lộ, ấy là "làm tận gốc, ăn tận ngọn". "Phải thật chịu khó, làm siêng mời được, lâu lâu có việc thì mình mới nghỉ thôi, còn bán quanh năm", chị Thuận nói. Quán hàng nhiều năm nay chỉ có hai vợ chồng tự xoay với nhau, từ đi chợ, nấu nướng, dọn dẹp... mà không thuê người. Chị Thuận tự tay đi chợ sáng chọn đồ, nấu nướng, còn anh Tuấn đảm nhiệm bưng bê, dọn dẹp. Hai vợ chồng cũng rất nhẹ nhàng, bảo ban nhau làm chứ hiếm khi gây lộn, so bì nhau.
Chị Thuận cho biết, dù bán vỉa hè, chị cũng không qua loa trong việc chọn lựa nguyên liệu. Từ lòng, má heo cho đến gia vị, chị đều chăm chút như nhà ăn. Rau húng, ngò gai cũng kén loại ngắn, hơi xấu mã nhưng thơm. Tiêu ớt cũng chọn loại ngon, mua tiêu hạt, ớt trái về nhà tự xay chứ không xài hàng làm sẵn.
Quán cũng được đánh giá cao vì cách phục vụ "chất lượng nhà hàng". Má heo dù sao cũng là món khó ăn, nhiều xương xẩu, nên anh chị tinh ý chuẩn bị cả dao, nĩa, đũa kèm theo để khách dễ bóc thịt. Quán cũng chuẩn bị cả xà phòng và nước rửa tay cho khách để sau khi gặm má heo xong có thể rửa tay sạch sẽ để thưởng thức những món ăn tiếp theo.
Bà chủ xởi lởi, vui vẻ là điểm cộng khiến quán đông khách hơn. "Bán hàng thì phải tinh ý. Khu mình bán là gần trường công nghệ thực phẩm, nhiều học sinh sinh viên và người lao động. Thấy khách này thì mình lấy nhiều thêm cháo chút để người ta ăn cho no bụng, về nhà khỏi ăn thêm. Mấy cháu sinh viên cũng như cháu nhà mình, xa bố xa mẹ, đang tuổi ăn tuổi lớn, bán mắc quá tụi nó không no thì tội nghiệp.
Mình ăn lời ít thôi, nhưng bán số lượng lớn và lấy lòng khách là chính. Quan trọng là không bán mắc cho ai và phải nhanh tay phục vụ. Bây giờ ai cũng bận nên đông quá má làm chậm thì người ta đứng dậy luôn đó. Có vậy thôi, tiết kiệm nhiều năm khắc có tiền mua đất mua nhà, chứ bí quyết gì cao siêu đâu!" - chị Thuận vui vẻ cho hay.
(Ảnh: Phạm Dũng, Sapa TV)