Từ góc nhìn Quốc Vượng, ĐT Việt Nam còn quá nhiều nỗi lo

Ngô Trà |

Vốn chẳng xa lạ gì về "ngọn ngành ngóc ngách" của bóng đá Việt Nam, cả "trắng", lẫn "đen", phát ngôn của Quốc Vượng hẳn làm những người yêu bóng đá nước nhà không khỏi toát mồ hôi.

"Sạch" và "lành"

Các đây vài hôm, sau thất bại đau đớn của đội tuyển Việt Nam trước Indonesia ở bán kết AFF Cup, Quốc Vượng - một trong những cầu thủ bóng đá "có đầu óc" nhất từng khoác áo ĐTQG đã có những chia sẻ trên mạng xã hội về đội tuyển, về HLV trưởng Hữu Thắng - người anh, người thầy cũ của mình.

Theo cựu tuyển thủ quốc gia này, tiêu chí đầu tiên của HLV Hữu Thắng khi lựa chọn cầu thủ lên tuyển, cũng như thành phần BHL là "sạch": "Vì quá hiểu bóng đá Việt Nam, mà anh Thắng đã chọn những người mà anh ấy biết là có thể tin tưởng, dù chuyên môn có thể không bằng người khác".

Tiếp theo, về vai trò và đóng góp về mặt chuyên môn cho đội tuyển, Quốc Vượng cũng đưa ra những nhận xét khá lạ, nhưng khá trùng hợp với những nhận định của các chuyên gia lão làng "Cần có một trợ lý, có thể là người nước ngoài để họ phụ trách về vấn đề chuyên môn. Sau 1, 2 năm, anh Thắng có thể học thêm về chiến thuật từ họ.

Từ góc nhìn Quốc Vượng, ĐT Việt Nam còn quá nhiều nỗi lo - Ảnh 1.

"Sạch" và "lành" là tiêu chí chọn người của HLV Hữu Thắng?

Các bạn nhìn xem vai trò của các trợ lý ở đội tuyển là gì ngoài có cho đủ mặt? Anh Thắng có lý do khi chọn họ - là "lành", nhưng theo tôi nếu có người giỏi và cá tính mà anh Thắng "dùng" được họ để phục vụ tập thể mới là cao thủ".

Vậy, nếu nhìn từ góc độ của Quốc Vượng, thất bại của đội tuyển Việt Nam ở AFF Cup lần này, về mặt chuyên môn là hoàn toàn thỏa đáng và được dự báo trước. Với việc "tránh" triệu tập các cầu thủ "chưa đủ độ sạch", cùng các trợ lý "lành", cộng với trình độ chuyên môn hạn chế của HLV Hữu Thắng, đội tuyển Việt Nam đã bị hạn chế không ít sức mạnh của chính mình.

"Máu lửa", "cọ sát" và "tâm lý"

Khá thẳng thắn, cựu tiền vệ SLNA nhận xét thẳng rằng những pha mắc lỗi liên tiếp của hàng thủ Việt Nam trong những trận đấu gần đây đến bởi cùng một lý do "Về pha bóng dẫn tới bàn thua (pha bóng Đình Đồng phá bóng về lưới nhà - PV), nó đã lột tả toàn bộ bản chất và thực trạng của bóng đá Việt Nam, đó là: TÂM LÝ".

Quả tình, nếu loại trừ những lý do tiêu cực, thì chỉ có duy nhất yếu tố tâm lý mới có thể lý giải những sai lầm liên tiếp của hàng hậu vệ Việt Nam, từ suốt những trận đấu đấu chuẩn bị cho giải, kéo dài đến tận 2 trận bán kết lượt đi trên đất Indo và lượt về ngay tại Mỹ Đình.

Hệ lụy này, theo cầu thủ từng là trụ cột của ĐTQG Việt Nam khi tuổi đời còn khá trẻ này đến từ sự thiếu cọ sát của đội tuyển Việt Nam, nhằm chuẩn bị cả về chuyên môn, lẫn tâm lý cho các cầu thủ "Hãy lấy Thái Lan làm ví dụ, các lứa trẻ của họ từ U16 trở lên đi nước ngoài tập huấn và thi đấu như cơm bữa.

Từ góc nhìn Quốc Vượng, ĐT Việt Nam còn quá nhiều nỗi lo - Ảnh 2.

"Tâm lý" là lựa chọn khả dĩ nhất để lý giải cho pha "đốt đền" của Đình Đồng ở trận bán kết lượt về AFF Cup.

Đội tuyển của họ thì mỗi năm ít nhất vào dịp sinh nhật Nhà Vua họ mời toàn hàng khủng (có cam kết chất lượng cầu thủ) để thi đấu cọ sát, nên cỡ Đông Nam Á họ xem ra gì! Anh Thắng đã thua Zico Thái ở điểm này, đấy là có một nền bóng đá và liên đoàn như vậy! Nên nếu gặp Thái ở chung kết, sợ người hâm mộ sẽ thêm một lần đau".

Tuy nhiên, bên cạnh những bất cập chỉ ra, Quốc Vượng cũng hết lời khen thầy cũ Hữu Thẳng ở khía cạnh thổi được tinh thần máu lửa vào các học trò của mình "Tôi dám chắc một điều rằng không HLV nội nào có thể thổi tinh thần máu lửa như thế được! Xưa nay Việt Nam có bao lứa cầu thủ hay, nhưng tính đoàn kết vẫn chưa phải là cao...".

Nhìn về tương lai mà toát mồ hôi

Dù đã xa bóng đá chuyên nghiệp khá lâu, dù những phát biểu đưa ra là sau khi đội tuyển đã thất bại, nhưng những ý kiến chuyên môn của Quốc Vượng là cực kỳ giá trị. Còn nhớ khi Hữu Thắng vừa được bổ nhiệm vào chiếc ghế HLV trưởng ĐTQG, mặc dù rất quý "ông anh", nhưng cựu tiền vệ này đã có những nhận xét không khỏi gây mất lòng, khi thẳng thắn nhận xét HLV Hữu Thắng chỉ nên làm trợ lý ở đội tuyển.

Cũng trên mạng xã hội, mới đây một cựu tiền vệ của U23 Việt Nam, nay đã treo giày và theo nghiệp huấn luyện bày tỏ sự cảm thán với trường hợp cầu thủ Nguyễn Thanh Hải: "Mày mà không phải quốc tịch Tiền Giang là mày được lên tuyển rồi Nguyễn Thanh Hải".

Quả thật, cũng cùng thất bại bởi những sai lầm "khó tin" của các học trò, nhưng rõ ràng dấu ấn chuyên môn về chiến thuật, cách chọn người và điều tiết trận đấu của HLV Miura hơn hẳn Hữu Thắng.

Nếu ngày ấy, VFF không vội vàng "đuổi" HLV Miura, mà bổ sung thêm Hữu Thắng để giải quyết vấn đề tinh thần cho các tuyển thủ, ắt hẳn đội tuyển Việt Nam đã mang một hình hài, cách chơi khác ở AFF Cup lần này.

Giao hết quyền cho HLV Hữu Thắng, có lẽ những người có trách nhiệm hình như quên khuấy mất sức mạnh của một đội tuyển đầu tiên phải đến từ khía cạnh chuyên môn.

Dưới thời HLV Hữu Thắng, phần mềm phân tích trị giá gần nửa tỷ đồng mỗi năm hầu như chẳng mấy phát huy hiệu quả.

Ngoài việc phải có người đủ chuyên môn để phân tích số liệu, qua đó kết nối với HLV trưởng để tư vấn, còn là cơ sở để đánh giá chính các tuyển thủ Việt Nam, giúp bố trí đội hình đảm bảo tính chuyên môn cho những giải đấu, những trận đấu quan trọng, thay vì đơn thuần đánh giá theo cảm quan cá nhân.

Từ góc nhìn Quốc Vượng, ĐT Việt Nam còn quá nhiều nỗi lo - Ảnh 4.

Người ta sa thải Miura vì thành tích quá tệ, nhưng ông đi rồi, mọi thứ dường như còn tệ hơn.

Điểm rơi phong độ và "bài vở" sử dụng cho những giải đấu lớn cũng là vấn đề phải được khắc phục trong tương lai. Sau phát ngôn "chọn điểm rơi là giải đấu quan trọng nhất trong năm - AFF Cup" và "giấu bài cho bán kết" của Hữu Thắng, là hai trận đấu tan nát của tuyển Việt Nam ở... bán kết AFF Cup.

Tương tự là kiểu "thưởng tùy hứng" của VFF. Ngay sau khi vòng bảng kết thúc, VFF vội vàng "thưởng nóng" ngay 1 tỷ đồng cho đội tuyển, bất chấp chỉ tiêu của Việt Nam ở giải đấu này là chức vô địch, và ngay cả đối thủ được đánh giá yếu hơn - Indonesia cũng kiên quyết chỉ treo thưởng nếu đội tuyển của họ vượt qua được Việt Nam để vào được chung kết.

SEA Games 2017 chẳng còn xa, nhưng những bài học kinh nghiệm, những thay đổi để khắc phục những điểm yếu khiến Việt Nam thất bại đau đớn ở AFF Cup chưa hề được đả động đến. Cách làm của Hữu Thắng với ĐTQG đã được kiểm chứng bằng kết quả. Liệu nó sẽ được giữ nguyên với các cầu thủ trẻ tham dự SEA Games?

Chúng ta chỉ còn hơn nửa năm để chuẩn bị. Hãy quên đi những giây phút thăng hoa ngắn ngủi trên Mỹ Đình, để tỉnh táo nhìn thẳng vào thất bại. Có như thế, may ra mới có cơ hội gỡ lại thể diện trên đấu trường khu vực.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại