Đặc điểm của tàu điện không ray là cần vận hành trong làn đường riêng, cần được ưu tiên qua các các ngã tư và các nhà ga của tàu tương tự như điểm dừng xe buýt. Vậy tàu điện không ray giống hay khác gì xe buýt nhanh? PV VOV Giao thông đối thoại với GS.TS Lã Ngọc Khuê, nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải về nội dung này.
PV : Thưa ông, ông đánh giá thế nào về đề xuất đầu tư 3 tuyến tàu điện không ray trong đặc thù giao thông Hà Nội hiện nay?
GS.TS Lã Ngọc Khuê : Tàu điện không ray là loại phương tiện vận chuyển nhanh ở trong thành phố như tàu điện nhưng dạng ô tô, có sức kéo của ô tô. Hình dung đơn giản thì nó là một chiếc ô tô nhưng có công suất lớn, có nhiều khoang chở khách, số lượng hành khách tùy theo số lượng toa và có thể đạt tối đa trên 15.000 hành khách/1 giờ/ 1 hướng tuyến, xấp xỉ công suất của một tàu điện nhẹ trong thành phố.
Ưu điểm của phương tiện mới này là có thể chạy ngay trên đường phố và Hà Nội có thể áp dụng vì giao thông công cộng hiện rất khó khăn, chúng ta đối diện với ùn tắc giao thông đặc biệt trong giờ cao điểm nên cần nhanh chóng thiết lập mạng lưới đường sắt đô thị nội đô.
Theo quy hoạch, mạng lưới này có thể dài tới 457 km mà chúng ta mới làm được khoảng 25km nên chúng ta cần xem xét ứng dụng những hình thức giao thông mới, đầu tư nhanh, ít tốn kém và thuận lợi hơn để giải quyết những yêu cầu mang tính tình thế để khắc phục tình trạng ùn tắc cho thành phố.
PV : Loại hình này cần hoạt động trên làn đường riêng, vậy nó khác gì so với xe buýt nhanh (BRT)?
GS.TS Lã Ngọc Khuê : Chả khác nhau gì cả. Tàu điện không ray phải có làn đường riêng, không trộn lẫn vào các dòng hành khách bình thường.
Loại này nó hơn BRT ở chỗ là nối nhiều các ô tô với nhau và hình thức như một tàu điện với nhiều toa. Nhưng tàu điện ở đây không phải chạy trên ray mà chạy trên bánh lốp như ô tô.
PV : Vậy theo ông, Hà Nội có thể nghiên cứu triển khai tàu điện không ray ra sao thì phù hợp?
GS.TS Lã Ngọc Khuê : Loại phương tiện này đòi hỏi đầu tư không lớn như đường sắt trên cao hay tàu điện ngầm. Như tuyến đường sắt đô thị số 5 Hà Nội từ Văn Cao đi đại lộ Thăng Long thì có thể đoạn từ Văn Cao đến đầu đại lộ Thăng Long thì chúng ta làm đường trên cao và khi đến đại lộ Thăng Long thì có dải lưu không ở giữa rất rộng thì chỉ cần thảm nhựa lên là có thể chạy được ngay tàu điện không ray từ đại lộ Thăng Long đến Láng Hòa Lạc, rất nhanh và thuận lợi.
Và nhiều tuyến phố của Hà Nội có thể áp dụng hình thức phương tiện mới này như giải pháp tình thế để có thể giải quyết lưu lượng hành khách.
PV : Xin được cảm ơn ông !