Với sắc đẹp được miêu tả là “mày ngài mắt phượng, vẻ người mười phần xinh đẹp” (Hoàng Lê nhất thống chí) , Đặng Thị Huệ từ thân phận cô gái hái chè, trở thành nữ tỳ trở rồi thành Tuyên phi, khuấy đảo triều đình chúa Trịnh.
Nữ tỳ bỗng thành ái phi
Theo sách cũ ghi chép, Đặng Thị Huệ (không rõ năm sinh năm mất), quê ở làng Trà Hương, huyện Phù Đổng, trấn Kinh Bắc, nay thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội, trong một gia đình nghèo khó, làm nghề hái chè kiếm sống qua ngày. Nhưng may mắn, Đặng Thị Huệ được trời phú cho nhan sắc xinh đẹp nên được nhập cung. Ban đầu, bà chỉ là một nữ tỳ chuyên hầu hạ phục dịch trong Hậu đình. .
Nhờ nhan sắc trời ban, Đặng Thị Huệ được chúa Trịnh Sâm sủng ái.
Theo bộ tiểu thuyết lịch sử Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô gia văn phái, một hôm, Tiệp dư (một cấp bậc dưới phi) Trần Thị Vịnh sai nữ tỳ Đặng Thị Huệ bưng một khay hoa đến trước nơi chúa ngồi. Ngay lần chạm mặt đầu tiên đó, chúa Trịnh Sâm đã phải lòng người con gái xinh đẹp này. Dần dần, bà ngày càng được Trịnh Sâm yêu quý. Đặng Thị Huệ còn được ở chung một nơi với chúa, như một cặp vợ chồng nhà thường dân. Xe kiệu, quần áo của bà cũng đều được sắm sửa hệt như đồ dùng của chúa.
Được chúa Trịnh yêu chiều, Đặng Thị Huệ càng thể hiện uy quyền của mình, lấn át người khác; bất cứ chuyện gì không vừa ý, bà đều than khóc với chúa Trịnh
Theo sử sách, chúa Trịnh Sâm có ngọc dạ quang. Đây là chiến lợi phẩm của một trận đánh phương Nam, nên chúa rất quý viên ngọc này. Đặng Thị Huệ thấy đẹp nên lấy tay mân mê viên ngọc, chúa nói: "Nhè nhẹ tay chứ, đừng làm ngọc sây sát!".
Nghe vậy, Đặng Thị Huệ bèn tỏ ý không hài lòng và ném viên ngọc xuống đất rồi khóc: "Làm gì cái hạt ngọc này! Chẳng qua vào Quảng Nam kiếm giả Chúa hạt khác là cùng. Sao Chúa nỡ trọng của khinh người như vậy?". Nói xong, Đặng Thị Huệ tự ý bỏ ra ở cung khác, từ chối không gặp chúa Trịnh nữa. Chúa Trịnh phải dùng nhiều cách dỗ dành ái phi của mình.
Hình ảnh Tuyên phi Đặng Thị Huệ được khắc họa trên phim.
Để chiều lòng người đẹp, chúa không ngừng dùng ngân khố để làm nên những trò vui mới. Cứ đến dịp trung thu hằng năm, chúa cho lấy những vật liệu quý trong kho ra làm đèn lồng, dựng hàng trăm cây phù dung ven hồ Long Trì tại Bắc cung để treo đèn, mỗi đèn lồng ước tính khoảng vài chục lạng bạc. Trịnh Sâm còn cho quan lại và phi tần, cung nữ trong phủ chúa mặc sức vui chơi, nhưng cũng không quên phục vụ cho mình và Tuyên phi. Chính sự việc này đã làm một phần nguyên nhân gây rối loạn trong kinh thành.
Chết trong tuyệt vọng
Đặng Thị Huệ sinh được cho chúa Trịnh Sâm một cậu con trai, đặt tên là Cán. Chúa mừng không để đâu cho hết, phong bà làm Tuyên phi. Vốn xuất thân làm nghề hái chè ở làng Phù Đổng, trấn Kinh Bắc, nay trở thành Tuyên phi, bà được dân gian quen gọi là bà Chúa Chè.
Vì say mê và nghe theo Đặng Thị Huệ, Trịnh Sâm phế bỏ ngôi thế tử của Trịnh Tông (con trưởng) để lập con của Tuyên Phi là Trịnh Cán mới 4 tuổi lên làm thế tử. Chính vì thế mới tạo ra mầm mống bất ổn giữa phe Trịnh Tông và Trịnh Cán.
Đến tháng 9 năm Nhâm Dần (1782), chúa Trịnh Sâm mất, Trịnh Cán được nối ngôi, hiệu là Điện Đô Vương. Tuyên Phi Đặng Thị Huệ nghiễm nhiên trở thành Vương Thái phi. Do con trai còn nhỏ tuổi nên mọi việc lớn nhỏ và quyền hành thực sự đều nằm trong tay Đặng Thị Huệ.
Tiếc là thời gian nắm quyền của mẹ con bà Đặng Thị Huệ kéo dài không lâu. Sau khi Trịnh Sâm mất được một tháng, Trịnh Tông liền cấu binh lật đổ quyền lực của Đặng Thị Huệ. Trịnh Cán bị giáng xuống làm Cung quốc công, rồi hơn tháng sau thì bị bệnh qua đời.
Sách Hoàng Lê nhất thống chí có viết đoạn cuối cuộc đời Đặng Thị Huệ như sau: “Khi chúa nhỏ bị bỏ, Thái phi (mẹ của Trịnh Tông) liền sai người bắt Tuyên phi hặc tội, rồi buộc bà phải lạy tạ. Tuyên phi không chịu lạy, Thái phi bèn sai hai thị nữ đứng kèm hai bên, níu tóc Tuyên phi rập đầu xuống đất, nhưng bà vẫn nhất định không chịu lạy, mà cũng không nói nửa lời. Thái phi giận quá, đánh đập một hồi, nhổ nước bọt vào đầu vào mặt, rồi đem giam vào nhà Hộ Tăng ở vườn sau. Tại đây, Đặng Thị Huệ bị làm tình làm tội cực kỳ khổ sở. Một bữa, bà trốn ra khỏi cửa Tuyên Vũ, chạy đến bến đò phố Khách thì bị quân lính đuổi kịp…
Sau một thời gian giam giữ ngặt, Thị Huệ được cho làm cung tần nội thị, vào Thanh Hóa hầu hạ lăng tẩm chúa Trịnh Sâm. Ở đây, bà ngày đêm gào khóc xin được chết theo chồng. Đến ngày giỗ của chúa Trịnh Sâm, Tuyên phi uống thuốc độc mà chết, được táng cách Vọng lăng (lăng Trịnh Sâm) một dặm”.
Nguồn cảm hứng cho "Đêm hội Long Trì"
Sự kiện Tuyên phi Đặng Thị Huệ được sủng ái vào phủ chúa và gây nên nhiều cảnh náo loạn triều chính đã được sách sử ghi lại. Ngoài tác phẩm Hoàng Lê nhất thống chí của nhóm Ngô gia văn phái viết khá rõ thì trong văn chương, Đặng Thị Huệ còn là nhân vật trong các tác phẩm khác như: Bà Chúa Chè ( Nguyễn Triệu Luật), Người đàn bà có gương mặt trăng rằm (Hoàng Tiến) đặc biệt nhất là tác phẩm Đêm hội Long Trì của Nguyễn Huy Tưởng.
Sau này, Đêm hội Long Trì được chuyển thể thành phim và gặt hái được nhiều thành công. Các nhà phê bình đánh giá đây là phim dã sử kinh điển nhất của Việt Nam trong thế kỷ XX. Nội dung phim nói về Tuyên phi Đặng Thị Huệ (NSƯT Lê Vân đóng) rất được Chúa Trịnh Sâm (NSND Thế Anh đóng) sủng ái nên đã tìm mọi cách thâu tóm quyền lực và dung túng cho em mình là Đặng Lân (Hoàng Thắng đóng) làm càn.
Tuyên phi Đặng Thị Huệ do NSƯT Lê Vân thủ vai trong phim "Đêm hội Long Trì".
Đạo diễn - NSND Hải Ninh đã đưa vào bộ phim Đêm hội Long Trì những hình ảnh mạnh bạo với dụng ý khắc họa, lột tả rõ nét con người Trịnh Sâm, Đặng Thị Huệ hay Đặng Lân để diễn giải những rối ren của xã hội đương thời. Bộ phim từng trở thành “cơn địa chấn” của phim Việt khi ra mắt với hàng loạt cảnh “nóng” vào năm 1989.
Đảm nhận vai Tuyên phi Đặng Thị Huệ trong Đêm hội Long Trì , NSƯT Lê Vân đã thể hiện xuất sắc những trạng thái tâm lý của một sủng phi đầy mưu mô, luôn tính kế thâu tóm mọi quyền lực ở triều đình.
Năm 1990, bộ phim Kiếp phù du được xem là phần 2 của Đêm hội Long Trì ra đời, tiếp tục kể về cuộc đối đầu dữ dội chốn thâm cung giữa Tuyên phi Đặng Thị Huệ và Thái phi Dương Thị Ngọc Hoan (Hoàng Cúc đóng) sau ngày Chúa Trịnh Sâm qua đời.
Trịnh Sâm do NSND Thế Anh và Đặng Thị Huệ do NSƯT Lê Vân thủ vai trong phim "Đêm hội Long Trì".
Không chỉ phim ảnh, câu chuyện của Tuyên phi Đặng Thị Huệ và chúa Trịnh Sâm cũng được đưa vào nhiều tác phẩm sân khấu. Vở tuồng Đam mê và quyền lực năm 2019 cũng được lấy cảm hứng từ câu chuyện lịch sử này. Đạo diễn Hoa Hạ đã tham khảo đầy đủ từ sử liệu đến các tác phẩm của tiền nhân nhưng quyết định khai thác câu chuyện đầy kịch tính này theo góc nhìn cá nhân.
Là vở tuồng khắc họa lại một lát cắt trong giai đoạn lịch sử biến động thời phong kiến, Đam mê và quyền lực thu hút vì có đủ yếu tố ân oán tình thù, tranh đấu từ vương quyền đến hậu cùng. Xuyên suốt vở có nhiều khoảnh khắc gây ấn tượng mạnh, như cảnh Đặng Thị Huệ bị ban chết trong lãnh cung.
Kim Ngân vào vai Đặng Thị Huệ trong vở tuồng "Đam mê và quyền lực".
Trong vở tuồng này, NS Kim Ngân vào vai Đặng Thị Huệ. Nữ nghệ sỹ vào vai khá ngọt, nhẹ nhàng, thể hiện thành công các cảm xúc từ dịu dàng yêu thương khi ở bên chúa Trịnh, đau đớn khi chúa qua đời cũng như khoảnh khắc giận dữ đầy uy nghi trước tội lỗi của em trai Đặng Mậu Lân.