Từ chuyện Facebook Quang Hải bị hacker tấn công, nhìn lại 3 cách bảo vệ tài khoản Facebook của bạn để tránh tình trạng tương tự

Nhật Anh |

Facebook thực sự là mảnh đất màu mỡ với giới hacker. Bằng chứng là nhiều tài khoản Facebook của người dùng đã bị đánh cắp và gần đây nhất chính là vụ cầu thủ Quảng Hải bị hacker tấn công Facebook, để lộ thông tin riêng tư. Tuy nhiên chúng ta hoàn toàn có thể hạn chế tình trạng này nếu thực hiện những biện pháp đề phòng đúng đắn.

Facebook thực sự là mảnh đất màu mỡ với giới hacker. Bằng chứng là nhiều tài khoản Facebook của người dùng đã bị đánh cắp và gần đây nhất chính là vụ cầu thủ Quảng Hải bị hacker tấn công Facebook, để lộ thông tin riêng tư. Tuy nhiên chúng ta hoàn toàn có thể hạn chế tình trạng này nếu thực hiện những biện pháp đề phòng đúng đắn.

Cầu thủ Quang Hải mới đây bị hacker tấn công tài khoản Facebook đã có dấu tick xanh. Chính hacker này còn để lại thông điệp trên trang cá nhân của cầu thủ rằng "Hack Facebook của anh trai dễ quá," và khẳng định chỉ "vào chơi tí thôi chứ không lấy Facebook luôn". Đi kèm với đó, nhiều đoạn chat riêng tư của Quang Hải cũng đã bị hacker tung lên mạng.

Thực tế, nhiều người vẫn tin tài khoản có dấu tick xanh sẽ được Facebook bảo vệ tốt hơn. Tuy nhiên điều này không hoàn toàn đúng bởi dấu tick xanh chỉ giúp tài khoản không bị report (báo cáo) giả mạo. Trong khi đó, các hacker hiện nay có vô vàn chiêu thức để đánh cắp tài khoản và mật khẩu Facebook của người dùng.

• Đánh cắp bằng Facebook Phishing

Phishing (giả mạo) là cách đánh cắp mật khẩu Facebook thường được các hacker sử dụng nhất. Với Phishing, bạn sẽ bị lừa nhập địa chỉ email và mật khẩu Facebook của mình vào một trang đăng nhập Facebook giả do bọn tin tặc lập nên. Từ đây chúng sẽ đăng nhập được vào Facebook của bạn bằng địa chỉ email và mật khẩu đó.

• Đánh cắp bằng Chương trình khuyến mãi - trúng thưởng hay Mini Game

Hacker sẽ giả chương trình trúng thưởng - khuyến mãi trên danh nghĩa của Facebook (trúng thưởng xe máy, ô tô, tiền mặt… có giá trị cao) và yêu cầu người dùng xác nhận bằng cách truy cập vào đường link lạ.

Các Mini game trên Facebook như: "Bạn giống cầu thủ bóng đá nào?", "Tương lai bạn sẽ kết hôn với ai?", "Ai là người quan tâm bạn nhất?",... cũng được những kẻ này sử dụng để chiếm lấy tài khoản Facebook bằng cách buộc người chơi đăng nhập mật khẩu trước khi tham gia.

• Đánh cắp bằng virus và mã độc

Chỉ cần một đường link về hình ảnh, video,... bất kỳ chúng cũng có thể gửi virus gián điệp vào máy tính hay điện thoại của bạn. Từ đó mọi thông tin của bạn sẽ được gửi về máy chủ của hacker kể cả mật khẩu Facebook.

Hoặc đơn giản hơn chính bạn đã vô tình để lộ email, mật khẩu khiến người thứ ba có thể truy cập vào tài khoản. Hay có thể bạn để lộ hình ảnh giấy tờ tùy thân của mình vào tay hacker. Hacker sau đó sử dụng chính sách sử dụng giấy tờ tùy thân để cấp lại mật khẩu của Facebook.

Từ chuyện Facebook Quang Hải bị hacker tấn công, nhìn lại 3 cách bảo vệ tài khoản Facebook của bạn để tránh tình trạng tương tự - Ảnh 1.

Để hạn chế tối đa nguy cơ bị tấn công tài khoản Facebook, hãy chú ý đến những biện pháp rất cơ bản sau:

1. Đặt mật khẩu Facebook phức tạp

Đây được coi là lựa chọn hàng đầu giúp bạn có thể bảo vệ tài khoản Facebook. Không nên đặt mật khẩu liên quan đến bản thân như tên, số chứng minh, ngày tháng năm sinh,.... Tốt nhất bạn nên chọn loại mật khẩu có những ký tự đặc biệt, viết hoa, viết thường, thêm ký tự số để tránh bị dò thấy mật khẩu.

Lời khuyên khi đặt mật khẩu Facebook:

- Có ít nhất 8 ký tự trở lên, càng dài, càng vô nghĩa, càng khó đọc, càng chứa nhiều ký tự đặc biệt, chữ hoa + thường + số lẫn lộn càng tốt

- Mật khẩu không được là tên, email, số điện thoại, địa chỉ, ngày sinh, số tài khoản ngân hàng, số chứng minh nhân dân, mã sinh viên, thông tin cá nhân... của bạn, người thân của bạn.

Quan trọng nhất là bạn không nên sử dụng mật khẩu này cho bất cứ tài khoản nào khác trên internet, mỗi tài khoản nên sử dụng một mật khẩu riêng và đều là các chuỗi ký tự ngẫu nhiên.

2. Tận dụng tối đa công cụ bảo vệ của Facebook

- Kích hoạt bảo mật 2 lớp: Với tính năng này, mỗi lần đăng nhập vào tài khoản của mình, Facebook sẽ gửi cho bạn một mã vào điện thoại để bạn xác nhận rồi mới có thể đăng nhập. Nghĩa là lúc này để hack Facebook, hacker cần biết ID, mật khẩu và có cả điện thoại của bạn thì mới thực hiện được.

- Tạo cảnh báo đăng nhập Facebook: Khi Facebook bị đăng nhập từ một thiết bị hoặc trình duyệt lạ, bạn sẽ nhận được thông báo qua tin nhắn hoặc email về tình trạng này.

- Thoát tài khoản Facebook từ xa: Để bảo vệ an toàn cho tài khoản Facebook, sau khi đăng nhập trên thiết bị không phải của mình, bạn nên lập tức thoát ra. Trường hợp bạn quên không đăng xuất trước khi trả lại, hãy sử dụng tính năng thoát tài khoản từ xa để đăng xuất tài khoản ra khỏi tất cả các thiết bị đang sử dụng. Sau đó, bạn nên thay đổi mật khẩu Facebook để bảo mật thông tin tốt hơn.

3. Chú ý bảo mật thông tin cá nhân

Bạn không nên để lộ, công khai số điện thoại, email, ngày tháng năm sinh thật, số và hình chụp chứng minh thư nhân dân dùng để đăng ký Facebook trên tường hoặc bất kỳ đâu. Ngoài ra, hãy cực kỳ thận trọng khi đăng nhập Facebook từ một ứng dụng, cửa sổ nào đó mà không phải trình duyệt tin cậy với địa chỉ https://www.facebook.com hay ứng dụng Facebook chính thức trên điện thoại. Thận trọng với các trào lưu mới nổi trên Facebook mà yêu cầu click vào đường link, hoặc sử dụng app nào đó không đáng tin cậy.

Một điều quan trọng là bạn nên kiểm tra thường xuyên tính năng Xem nhật ký hoạt động/View Activity Log để biết có hoạt động nào bất thường trên tài khoản của bạn không, có cái gì bạn không làm mà nó cũng hiện ra không. Nếu có thì tài khoản của bạn có thể đang được "hacker" nào đó dùng chung, hãy đổi mật khẩu và dùng tính năng thoát Facebook từ xa để đăng xuất ra khỏi tất cả các phiên đăng nhập khác (trên điện thoại, trên máy tính, máy tính bảng...).

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại