Tuổi nào cũng có thể ngồi bàn chuyện làm giàu
Ở độ tuổi 54, cô Cẩm (ngoại thành Hà Nội) đang một tay làm 2 làm công việc: Dạy học và bán trà chanh. Với hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo viên, cô Cẩm kiếm được khoảng 15 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, đây không phải nguồn thu nhập chính của cô. Mà nguồn thu lớn hơn lại đến từ quán trà chanh mà cô vừa mở cách đây hơn 3 năm, kiếm được 30 - 50 triệu đồng/tháng.
Với cô, độ tuổi nào cũng có thể ngồi bàn chuyện làm giàu. "Máu kinh doanh" đã theo cô Cẩm từ những ngày còn trẻ. Ở độ tuổi ngoài 20, bên cạnh công việc cố định là giáo viên, cô Cẩm còn chủ động đa dạng thu nhập, đó là bán đồ dùng dạy học, mở hàng bán nước mía, sau đó chuyển sang bán chè thập cẩm rồi gần nhất là bán trà chanh.
Cô luôn quan niệm, xu hướng kinh doanh có thể thay đổi theo từng thời, do đó mô hình bán hàng của mình không thể đứng yên. Cô cho hay, ở độ tuổi này, cô không thiếu thốn kinh tế khi các con đều có sự nghiệp ổn định, đã kết hôn, có nhà và xe ở Hà Nội. Tuy nhiên, mỗi khi có cơ hội kiếm tiền, cô đều cố gắng học hỏi và tìm hướng đi phù hợp cho riêng mình.
Ảnh minh hoạ
Từng đi qua những năm tháng khốn khó về tài chính thế nên cô Cẩm rất trân trọng đồng tiền và cơ hội kiếm tiềm. Cô chia sẻ: "Nhiều người từng than với cô tầm tuổi này làm nặng nhọc là gì, có con cái lo cho. Cô không cho rằng điều này là đúng. Mình làm để thấy bản thân có giá trị, hơn nữa kinh doanh cũng là điều tạo cho mình cái vui. Mình vui vì mình được kiếm tiền, được làm cái thứ mình thích. Hơn nữa, có khoản tiền để dành thì lúc nào cũng yên tâm hơn là không có đồng nào".
Tuy nhiên, vấn đề tuổi tác cũng là cái hạn chế rất lớn với những cô chú tầm tuổi cô Cẩm khi muốn bắt tay vào làm giàu. Cô kể: "Thứ nhất là đầu óc, có những thứ mình sẽ không bao giờ nhanh nhạy bằng tuổi trẻ. Ví dụ như việc mở quán trà chanh, phải có con gái gợi ý mình mới biết cái mô hình kinh doanh đó hay ra sao, có thể sinh lời thế nào. Thứ hai là sức khoẻ, gần mấy tháng nay cô phải tạm nghỉ bán hàng, vì sức khoẻ không tốt. Cứ trái gió là người đau nhức, mệt mỏi".
Một trường hợp khác, chú Vân (51 tuổi, Hà Nội) cũng bắt đầu học kinh doanh bán gỗ - một lĩnh vực hoàn toàn mới so với công việc tự do của chú trước đây. Chú bắt đầu công việc này sau khi chính thức nghỉ hưu cách đây 2 năm.
Trong một lần tình cờ được người quen nhờ làm quản lý xưởng gỗ, chú Vân đồng ý ngay vì "ngồi không một chỗ chán lắm" và suy nghĩ muốn gia tăng thu nhập. Công việc một ngày của chú Vân là nhận gỗ nhập khẩu về xưởng, sau đó bán hàng cho khách.
Dù chỉ là quản lý cửa hàng cho người quen nhưng chú Vân nhận thấy công việc của mình như một "người chủ". Vì chú phải làm mọi việc bán hàng từ A-Z, từ kiểm tra kho hàng, tìm kiếm khách hàng mới, nói chuyện với khách, kiểm tra đơn hàng đến chốt hợp đồng.
Ảnh minh hoạ
Trước khi làm quản lý xưởng gỗ, chú Vân cũng từng đi bán hàng nhưng chỉ kinh doanh nhỏ lẻ. Còn đến thời điểm hiện tại, khi quy mô xưởng gỗ lớn, khách hàng không chỉ là người ở địa phương mà còn đến từ nhiều tỉnh thành khác, thậm chí có cả người nước ngoài, chú phải học thêm nhiều kiến thức kinh doanh rộng hơn như làm trang mạng xã hội để quảng bá sản phẩm, chụp ảnh đẹp cho khách để họ nhanh chóng mua hàng...
"Trước kia chú chưa bao giờ nghĩ mình sẽ làm chủ, chứ chưa nói đến độ tuổi ngoài 50. Đầu óc và sức khoẻ đều đã chậm đi. Nhưng cái gì cũng cần phải học, mình nhận ra kinh doanh ban đầu luôn khó khăn, nhưng cứ làm dần, đi dần là kiểu gì cũng có ngày thành công".
Trong tương lai, chú Vân dự tính khi đã tích luỹ đủ nguồn vốn và kiến thức kinh doanh, chú sẽ mở một xưởng gỗ riêng để tự nhập gỗ và bán hàng cho riêng mình.
Cô chú tuổi U60 học kinh doanh từ đâu?
Theo cô Cẩm, do trước đó đã mở cửa hàng bán chè thập cẩm và đồ uống đóng chai trong nhiều năm trước khi chuyển sang bán trà chanh, thế nên cô không gặp quá nhiều khó khăn để làm quen với mô hình kinh doanh mới.
"Tuy nhiên, cái khó khăn của người cao tuổi là không biết sản phẩm nào dễ dàng bán đắt hàng hơn so với thế hệ trẻ tuổi. Cô còn nhớ khi con gái dẫn đi uống trà chanh lần đầu tiên, cô thấy thứ nước này nhạt, không đậm vị bằng món chè của mình. Nhưng con gái cô phân tích, chè của mẹ giờ đã quá ngọt so với khẩu vị của giới trẻ.
Giờ tụi nhỏ chuộng thứ nước thanh mát, uống vào là thấy có cảm giác mát mẻ này hơn. Vậy là cô bắt đầu nghiên cứu chuyển sang bán trà chanh. Vì khi bán hàng, điều quan trọng không phải mình thấy sản phẩm có ngon hay không, mà là ở cảm nhận của khách".
Với quán trà chanh, cô Cẩm hiểu bản thân đang bán thứ nước uống cho giới trẻ, cũng vì thế cô liên tục thay đổi tư duy kinh doanh để phù hợp với nhóm đối tượng này. Mà những ý tưởng thay đổi phần lớn đều do các con cô đề xuất vì đây là những người bằng tuổi với nhóm khách hàng mục tiêu của cô Cẩm.
- Thứ nhất là trong việc trang trí lại mặt bằng
Thời điểm bán chè thập cẩm, cô Cẩm không đầu tư trang trí vì khách hàng chủ yếu là người lớn tuổi. Khi đó, cô nghĩ đơn giản mình chỉ cần cung cấp chỗ ngồi mát mẻ, rộng rãi cho khách là được. Nhưng sau khi chuyển sang bán hàng cho giới trẻ, nghe theo lời khuyên của con, cô chi 20 triệu đồng sửa lại mặt bằng nhà, mua thêm bàn ghế, quầy thu ngân và đồ trang trí. Hiệu quả sinh lời thấy được ngay trong thời gian ngắn.
- Thứ hai, đăng bài lên các nền tảng mạng xã hội
Cô Cẩm đã mở một trang Fanpage để cập nhật hình ảnh về quán nước. Bên cạnh đó, cô cũng thường xuyên chia sẻ thông tin quán nước trên trang cá nhân của mình.
"Tất nhiên sản phẩm tốt vẫn là yếu tố quan trọng nhất để mình 'níu chân' khách. Nhưng bên cạnh đó, mình cũng cần biết quảng bá hình ảnh. Khi mình đăng bài lên mạnh xã hội, tụi trẻ nhìn thấy hình ảnh quán đẹp, đồ ăn ngon thì sẽ giới thiệu người này người kia đến với quán mình", cô Cẩm chia sẻ.
Ảnh minh hoạ
Sau cùng, cô Cẩm chia sẻ trong trường hợp cần thiết, đừng ngại ngần việc thuê thêm người làm cùng để mở rộng quy mô kinh doanh.
"Có thời điểm, cô thấy sức khoẻ mình yếu đi, hay cáu gắt vì vừa đi dạy, vừa bán hàng. Nhưng mọi chuyện được giải quyết khi cô thuê thêm người làm. Mình vừa có thời gian nghỉ ngơi, lại còn vừa mở rộng được quy mô buôn bán", cô Cẩm nói.
Về phía chú Vân, chú cũng bắt đầu học kiến thức về bán hàng - làm truyền thông khi tự mình quản lý xưởng gỗ lớn.
Ban đầu, chú nhận gợi ý từ con là đăng bài về bán gỗ lên mạng xã hội cá nhân, sau đó chia sẻ trong các hội nhóm bán gỗ. "Nhờ đó, nhiều người ở các tỉnh thành khác liên hệ mua bán gỗ với chú. Chứ hồi đầu, người mua gỗ tại xưởng chủ yếu là dân địa phương, hay khách hàng thân với chủ cửa hàng. Sau này, mình tích cực đăng bài viết lên mạng xã hội thì có những tháng cao điểm, doanh thu bán hàng tăng 5-7 lần so với trước đây".
Tiếp theo, chú cũng đầu tư một chiếc máy điện thoại xịn hơn để có thể chụp những bức ảnh đẹp về sản phẩm của mình. Trong tương lai, chú dự định sẽ livestream bán gỗ, để tăng doanh thu cửa hàng. Bên cạnh đó, chú cũng dự tính sẽ nhờ con dạy nhập dữ liệu đơn giản trên máy tính để tiện ghi chép dòng tiền thu - chi mỗi ngày.
"Có bước mình được người quen chỉ cho. Nhưng cũng có bước mình được dạy nhờ lên YouTube, Facebook xem người ta chia sẻ cách kinh doanh. Thực ra khi mình chưa bắt tay vào mở cửa hàng, mình thấy cái gì cũng khó, tự hỏi sao người ta kiếm tiền dễ thế.
Tuy nhiên, khi được tiếp xúc với nhiều kiến thức bán hàng, mình cố gắng học hỏi, cái gì không hiểu thì hỏi bạn bè và con cái. Cứ như thế, kinh nghiệm bán hàng của mình sẽ tăng lên và thành quả xứng đáng sẽ đến đằng sau!", chú Vân bày tỏ.