Nhiều năm trước đây, Thổ Nhĩ Kỳ đã lên kế hoạch xây nhà máy điện hạt nhân đầu tiên. Theo trang World Nuclear News, Trung Quốc từng bày tỏ sự quan tâm đến việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân tại Thổ Nhĩ Kỳ và đã tham gia vào các cuộc đàm phán về hợp tác hạt nhân giữa hai nước.
Tuy nhiên, nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ – Akkuyu – cuối cùng được ký kết với Nga vào năm 2010, khi Rosatom (tập đoàn năng lượng hạt nhân của Nga) đạt được thỏa thuận xây dựng và vận hành nhà máy.
Nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ, Akkuyu, tại tỉnh Mersin phía đông nam đất nước, với bốn tổ máy VVER-1200 có tổng chi phí khoảng 24 -25 tỷ USD. Theo đó, Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia thứ tư trong những năm gần đây đã bắt đầu xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của mình (sử dụng công nghệ Nga), sau các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Belarus, Bangladesh.
Thổ Nhĩ Kỳ đã khởi công xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của mình vào ngày 3/4/2018. Tổ máy thứ nhất AKKUYU-1 có công suất thiết kế 1.114 MWe, sử dụng công nghệ VVER V-509 của Nga. Bốn tổ máy với tổng công suất 4.800 MWe sử dụng công nghệ VVER, cách Ankara 500 km về phía Nam, dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào năm 2026.
Thổ Nhĩ Kỳ quyết định xây dựng nhà máy điện hạt nhân để đáp ứng nhu cầu năng lượng và giảm sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng nhập khẩu, chiếm 72% tổng tiêu thụ năng lượng trong năm 2016, theo Bộ Năng lượng và Tài nguyên Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong quá trình xây dựng, Nga đã sử dụng các mô hình 3D tiên tiến trong thiết kế và xây dựng nhà máy điện hạt nhân Akkuyu. Công nghệ này giúp tạo ra các mô phỏng chính xác về cấu trúc, thiết bị và quy trình vận hành nhà máy, cho phép kiểm tra và điều chỉnh thiết kế trước khi triển khai xây dựng thực tế. Bằng cách này, các vấn đề tiềm ẩn có thể được xác định và khắc phục trước khi nhà máy hoàn thiện.
Cùng với đó, hệ thống điều khiển và giám sát tại nhà máy Akkuyu được số hóa và tự động hóa để tăng cường an toàn và hiệu quả. Hệ thống này cho phép theo dõi và kiểm soát mọi hoạt động của nhà máy từ xa, với khả năng giám sát liên tục và phát hiện sớm các bất thường. Các thuật toán và phần mềm tiên tiến cũng giúp giảm thiểu nguy cơ sự cố và phản ứng kịp thời trong các tình huống khẩn cấp.
Hơn nữa, bằng cách ứng dụng trí tuệ nhân tạo và phân tích dữ liệu, nhà máy Akkuyu có thể thực hiện bảo trì dự đoán để kéo dài tuổi thọ và hiệu suất của thiết bị. Các thuật toán phân tích dữ liệu từ cảm biến và thiết bị, dự báo thời điểm cần bảo trì hoặc thay thế thiết bị trước khi xảy ra sự cố.
Tờ Reuter cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ đã gia nhập hàng ngũ các quốc gia năng lượng hạt nhân, sau lần nạp nhiên liệu hạt nhân vào tổ máy điện đầu tiên của nhà máy Akkuyu ở tỉnh Mersin, phía nam Thổ Nhĩ Kỳ.
Bên cạnh đó, theo nhật báo Sabah (Thổ Nhĩ Kỳ), Giám đốc Cơ quan Phát triển Cơ sở hạ tầng hạt nhân thuộc Bộ Năng lượng và Tài nguyên Thiên nhiên cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ đã liên hệ với Nga và Hàn Quốc để xây nhà máy hạt nhân thứ 2 đã được lên kế hoạch và liên hệ với Trung Quốc để xây nhà máy thứ 3. Cùng với đó, Thổ Nhĩ Kỹ cũng đang tìm hiểu công nghệ lò phản ứng mô-đun nhỏ với các công ty của Anh, Pháp và Mỹ.
Các dự án nhá máy điện hạt nhân cần đầu tư lớn và công nghệ phức tạp. Mời gọi nhiều quốc gia giúp Thổ Nhĩ Kỳ tiếp cận các nguồn tài chính và công nghệ đa dạng, không chỉ giới hạn ở một quốc gia hay một đối tác duy nhất. Điều này cũng giúp giảm thiểu rủi ro phụ thuộc vào một công nghệ trong dài hạn.