Từ chối trừng phạt Nga, ông Trump khiến cấp dưới bị hớ

Bình Giang |

Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa gạt bỏ đề xuất áp thêm các biện pháp trừng phạt Nga. Điều này không chỉ khiến cấp dưới của ông bị hớ vì đã mạnh miệng dọa Nga trước, mà còn tố cáo sự “lệch pha” giữa ông và đội cố vấn an ninh quốc gia.

Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley đầu tuần này tuyên bố Mỹ sẽ trừng phạt các công ty Nga bị Mỹ cáo buộc hỗ trợ chương trình vũ khí hóa học của Syria. Gói trừng phạt này được đưa vào danh sách lựa chọn của chính phủ Mỹ sau khi Washington cùng các đồng minh không kích vào Syria để trừng phạt nước này với cáo buộc quân chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học khiến hàng chục người thiệt mạng.

Mâu thuẫn

“Chúng tôi đang cân nhắc thêm các biện pháp trừng phạt Nga và một quyết định sẽ được đưa ra trong tương lai gần”, bà Sarah Sanders, thư ký báo chí Nhà Trắng, tuyên bố. Trước các phóng viên có mặt trên chiếc Không lực 1 khi ông Trump chuẩn bị lên đường đến bang Florida, bà Sanders nói thêm: “Tổng thống đã xác định rõ ràng rằng sẽ cứng rắn với Nga, nhưng đồng thời ông ấy cũng muốn có quan hệ tốt với họ”.

Nhưng Nhà Trắng sau đó tự mâu thuẫn với chính mình khi thông báo Tổng thống Trump không chấp thuận triển khai thêm các biện pháp trừng phạt Nga. Ông Trump kết luận rằng điều này là không cần thiết vì phản ứng của Nga đối với đợt không kích do Mỹ đứng đầu chỉ là những lời nói bực bội.

Theo giới phân tích, sự thay đổi này một lần nữa cho thấy chính quyền Mỹ đang chật vật tìm kiếm một tiếng nói mạch lạc và nhất quán trong xử lý quan hệ với Nga, sau hàng loạt hành động của Nga khiến phương Tây khó chịu như sáp nhập bán đảo Crimea, các hoạt động ở miền đông Ukraine, bị cáo buộc can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016, bị cáo buộc đứng sau vụ đầu độc điệp viên người Nga ở Anh và ủng hộ chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Ông Trump không ít lần nói muốn thiết lập quan hệ bạn bè với Tổng thống Nga Vladimir Putin, đã bất chấp chỉ trích khi chúc mừng ông Putin tái đắc cử và thậm chí gợi ý một cuộc gặp tại Nhà Trắng. Nhưng trong khi đó, chính quyền Mỹ đã triển khai hai vòng trừng phạt Nga trong tháng qua, trục xuất 60 nhà ngoại giao Nga và đóng cửa một lãnh sự quán của Nga để đáp trả vụ đầu độc điệp viên mà phương Tây cáo buộc Nga thực hiện.

“Ông Trump dường như nghĩ rằng nếu ông ấy chấp nhận những gì các cố vấn đề xuất trong những ngày chẵn của tháng và bác bỏ các đề xuất trong những ngày lẻ của tháng thì kết quả sẽ là một chiến lược”, ông Stephen Sestanovich, một học giả công tác tại Hội đồng Đối ngoại (một tổ chức phi chính phủ) và ĐH Columbia và từng là Đại sứ Mỹ tại các quốc gia thuộc Liên Xô những năm 1990, nhận xét một cách châm biếm. “Nhìn chung, chính phủ không biết nên khóc hay cười nữa. Nhưng ở Nga, những người cười đang thắng thế”, ông Sestanovich nói.

Mất mặt

Ông Trump đã rất khó chịu với bà Haley vì nói trước chính sách, báo New York Times dẫn thông tin từ một quan chức giấu tên của Nhà Trắng. Việc Tổng thống quyết định gạt bỏ đề xuất trừng phạt Nga khiến Đại sứ Haley bị hớ.

Bà Haley là một trong những quan chức Mỹ chỉ trích mạnh Nga mạnh mẽ nhất và thường nói những lời gay gắt hơn nhiều so với ông Trump, nhưng bà chưa từng bị mất mặt như lần này. Vị Đại sứ Mỹ chưa đưa ra bình luận nào sau thông tin ông Trump quyết định không trừng phạt Nga.

Giới chức Mỹ nói rằng các biện pháp trừng phạt mới sẽ được áp dụng vào thời điểm nào đó nếu Nga có thêm hành động. Nhưng điều đó không xảy ra, Mỹ sẽ khó giải thích ông Trump sẽ thực hiện lời hứa khiến Nga phải “trả cái giá lớn” như thế nào vì đã để Syria sử dụng vũ khí hóa học như cáo buộc của phương Tây. Đợt tấn công vào Syria mà ông Trump tuyên bố cuối tuần trước cũng chỉ hạn chế trong 1 đêm và 3 mục tiêu bị cho là cơ sở chế tạo vũ khí hóa học.

Giới phê bình cho rằng việc ông Trump quyết định không làm như thông báo của bà Haley sẽ phá hoại sức mạnh của Mỹ trên thế giới.“Tôi thấy bị xúc phạm khi Tổng thống Trump hủy các biện pháp trừng phạt Nga vì sự hỗ trợ của Mátxcơva đối với chế độ Assad”, Hạ nghị sĩ Eliot Engel, thành viên Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, nói. “Điều này gửi đi một thông điệp đến các chính phủ khắp thế giới rằng họ có thể ủng hộ các hành động tội phạm mà không chịu hậu quả nghiêm trọng nào”, ông Engel nói.

Thông tin về việc ông Trump gạt bỏ đề xuất trừng phạt được đưa ra 1 ngày sau khi đài truyền hình ABC News phát chương trình phỏng vấn ông James Comey, cựu Giám đốc FBI bị ông Trump sa thải năm ngoái. Trong chương trình này, ông Comey nói rằng ông nghĩ “có thể” tổng thống đã có sự thỏa hiệp với Nga. Ông Trump nhiều lần bác bỏ ông có bất kỳ sự thông đồng nào với Nga trong chiến dịch tranh cử năm 2016 và gọi những cáo buộc như vậy là “trò chơi khăm”.


Chuyên gia quốc tế đến thanh sát Syria

Các chuyên gia về vũ khí hóa học dự kiến đến Douma trong hôm nay (18/4) để điều tra vụ cáo buộc tấn công bằng khí độc, phía Nga cho biết. Tổng giám đốc Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) ở La Hay, Hà Lan, ông Ahmet Uzumcu, nói rằng một nhóm gồm 9 chuyên gia của họ đã đến Damascus, nhưng "cho đến nay chưa được đưa đến Douma".

Giới chức Nga và Syria trước đó cảnh báo phải chờ giải quyết các vấn đề an ninh trước khi đội chuyên gia này được đưa đến, ông Uzumcu cho biết.

Ông Igor Kirillov, chỉ huy đội bảo vệ hóa học, sinh học và phóng xạ của Nga, nói với báo giới rằng các tuyến đường cần được rà phá bom và sẽ được lực lượng Liên Hợp Quốc kiểm tra trong ngày 17/4.

Nhưng Đại sứ Mỹ tại OPCW nói rằng người Nga đã đến hiện trường và "có thể đã can thiệp vào đó nhằm cản trở nỗ lực tìm kiếm sự thật của các chuyên gia OPCW". Kremlin bác bỏ cáo buộc này.

Trong khi đó, Thủ tướng Anh Theresa May và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang đối mặt cơn giận dữ từ các nhà làm luật vì đã cùng Mỹ tiến hành đợt không kích Syria.

Dù các cuộc thăm dò dư luận cho thấy rất ít người ủng hộ bước đi này, bà May vẫn nói rằng "trách nhiệm của bà trên cương vị thủ tướng là phải đưa ra quyết định đó", còn ông Macron cũng bảo vệ quyết định của mình là phù hợp với quyền được trao theo hiến pháp.

Lực lượng chính phủ Syria giờ đã vào được Douma và tuyên bố đã giành lại quyền kiểm soát toàn bộ vùng Đông Ghouta, chấm dứt thế vây hãm kéo dài suốt 5 năm và giành lại một pháo đài của lực lượng đối lập ngay bên ngoài thủ đô, AP đưa tin.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại