Từ chàng cửu vạn trở thành ông chủ kiếm tiền tỷ nhờ trồng dưa lưới

Nguyễn Hà/VOV.VN |

Dựa vào điều kiện sẵn có tại địa phương, cùng với quá trình kiên trì học hỏi, anh Nguyễn Phúc Bách (1992) đã thành công với mô hình trồng dưa lưới, tạo thu nhập và việc làm cho lao động địa phương, mở ra con đường nông nghiệp công nghệ cao tại huyện Ứng Hòa.

Suýt bị cưỡng chế đất

Mặc dù trồng dưa lưới trong nhà màng không phải là loại hình mới, nhưng với một huyện nghèo như Ứng Hòa thì mô hình phát triển nông nghiệp công nghệ cao của chàng trai trẻ Nguyễn Phúc Bách đã góp phần thúc đẩy các hộ dân trong làng cùng phát triển kinh tế.

Trước khi bắt tay vào trồng dưa lưới, anh Nguyễn Phúc Bách (thôn Phù Lưu Hạ, xã Phù Lưu, huyện Ứng Hòa) đã có quãng thời gian làm cửu vạn, bốc vác ở các công trường xây dựng. Hết ngày thì nhận tiền công, tối đến sống trong lán trại công trường.

Từ chàng cửu vạn trở thành ông chủ kiếm tiền tỷ nhờ trồng dưa lưới - Ảnh 1.

Sau thời gian làm cửu vạn, Nguyễn Phúc Bách (thôn Phù Lưu Hạ, xã Phù Lưu, huyện Ứng Hòa) quyết định về quê trồng dưa lưới công nghệ cao.

Sau một thời gian lăn lộn ở nội đô Hà Nội, năm 2015 anh quyết định về ở nhà hẳn. Tận dụng diện tích đất ở quê, anh bắt tay vào trồng cây ăn quả rồi chăn nuôi bò sinh sản.

Năm đầu tiên nuôi 1-2 con, khoảng 3 năm gây dựng, tổng đàn bò đã lên tới 15 con. Tuy nhiên vùng đất ven sông Đáy ngập lụt triền miên, đàn bò không có chỗ chăn thả, nên tăng trưởng chậm.

Đầu năm 2017, Bách quyết định “chơi lớn”. Bán bò, vay tiền mua đất nông nghiệp, xây dựng nhà màng làm nông nghiệp công nghệ cao. “Tôi làm mọi việc dựa theo quyết định của mình, gia đình, hàng xóm không biết tôi làm gì”, Bách chia sẻ.

Bách kể, đã có lúc, địa phương chuẩn bị phương án cưỡng chế đất bởi thấy anh Bách tự ý đầu tư xây dựng công trình bể nước mấy chục m3 giữa cánh đồng trên đất nông nghiệp, tưởng lấn chiếm đất đai làm nhà.

Tuy nhiên, bằng con mắt thực tế, cộng với tò mò về mô hình của anh Bách, nên ông Phạm Văn Biển, Chủ tịch UBND xã Phù Lưu đã đưa ra chủ ý “chưa cần phải thu hồi vội để xem anh ấy làm như thế nào”.

Giàn 2300m2 làm xong, trong lúc vừa học hỏi, nghiên cứu về giống cây trồng, anh tận dụng trồng các loại rau và cà chua, đem lại năng suất cao. “Tuy nhiên nếu đầu tư gần 1 tỷ đồng vào giàn này mà chỉ trồng các loại cây như vậy chẳng bõ. Tôi lại đổi sang hướng đi mới”, anh Bách cho biết.

Đi tong hàng trăm triệu

Nguyễn Phúc Bách chia sẻ: “Trong quá trình làm nhà màng, tôi vừa tranh thủ học tập các mô hình nông nghiệp qua mạng, rồi tìm đến tận cơ sở để khảo sát, tham quan, gặp các chủ vườn để hỏi kinh nghiệm.

Bản thân tôi xác định, mình vừa tự học tập, vừa tự trả giá, sai ở đâu tìm cách khắc phục ở chỗ đó”.

Vì thế trước khi trồng dưa lưới, Bách bắt tay thử nghiệm trồng dưa lê trong nhà màng. Trớ trêu thay, chẳng có quả dưa lê nào, chỉ thu hoạch được toàn lá là lá. Trước tình trạng dở khóc, dở cười, người nông dân Nguyễn Phúc Bách lại đi tìm hiểu nguyên cớ vì sao.

“Cây dưa lê không thích hợp trồng trong nhà kín, khi không có côn trùng hay ong thì hoạt động thụ phấn không diễn ra, vì thế sẽ khó khăn trong việc đậu quả”, Bách chia sẻ.

Sau đó, mẻ dưa lưới đầu tiên cũng được trồng. Thất bại lại đến, khi gieo hơn 1000 cây dưa thì chỉ khoảng 200 cây đậu quả.

Bách lại tiếp tục gieo giống trồng đợt khác, ngặt một nỗi cây đã cho quả, nhưng quả lại không đảm bảo chất lượng. Thế là một mớ bòng bong lại bỏ đi. Tiền giống, các chi phí cộng lại đi tong hơn 200 triệu.

Tự đúc rút kinh nghiệm, Bách hiểu rằng, dưa vàng là loại cây “khó tính”. “Cách chăm sóc dưa lưới như nuôi một đàn gà công nghiệp vậy. Khâu kỹ thuật chăm sóc tốt đã đành, thì các dinh dưỡng thiết yếu cũng cần phải bổ sung đầy đủ ở từng khoảng thời gian nhất định.

Khi cây dưa lưới đã ra quả, phải làm thế nào để quả chỉ nằm trong khoảng từ 1,5kg-1,8kg, các vân lưới được tạo ra phải đều đẹp…cũng là một bài toán. Có quá nhiều điều mà bản thân tôi phải học sau những thất bại đó”, Bách nói.

Kiên trì cũng đến ngày “hái quả”

Thay vì trồng dưa trên giá thể sơ dừa, Bách trồng cây vào từng rãnh đã được xây sẵn nhằm để rễ cây phát triển tập trung và đảm bảo được lượng nước tưới cũng như phân bón phù hợp. Ở mỗi gốc cây đều cắm một vòi tưới nước dinh dưỡng.

Từ chàng cửu vạn trở thành ông chủ kiếm tiền tỷ nhờ trồng dưa lưới - Ảnh 2.

Ngoài trồng dưa lưới trong nhà màng, Bách tận dụng trồng cả dưa vàng, đem lại năng suất cao. (Ảnh NVCC)

Từ những thất bại đã qua, năm 2019 là năm đánh dấu thành công của mẻ dưa lưới đầu tiên. “Sản phẩm thu về đạt được như ý về mẫu mã, chất lượng cũng như năng suất”, Bách cho biết.

Và cũng từ đó, ý định mở rộng giàn trồng dưa được nhen nhóm. Anh quyết định mua thêm đất nông nghiệp, nâng tổng diện tích nhà màng lên hơn 6000m2.

“Với quả dưa lưới, việc tìm đầu ra không khó. Hiện tại, sản phẩm của tôi đã có mặt ở các cửa hàng thực phẩm sạch và hoa quả xuất khẩu của thành phố Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh. Trừ đi các chi phí, doanh thu mỗi năm gần 1 tỷ đồng”, Bách cho biết.

Dưa lưới của người nông dân Nguyễn Phúc Bách đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGap nên luôn trong tình trạng không đủ hàng để bán ra thị trường. Chính vì thế, Bách luôn cố gắng mở rộng thêm diện tích, luân canh 3 vụ/năm.

Nói về dự định sắp tới, Bách cho biết: “Hiện tại sản phẩm đã ổn định. Năm 2021 tôi sẽ triển khai luân phiên các mẻ dưa lưới để lúc nào cũng có sản phẩm cung cấp cho thị trường.

Trước đây vì diện tích ít, lứa này xong phải chờ thu hoạch mới làm lứa thứ 2 nên sản phẩm không đều. Giờ thì đã ổn hơn rồi. Bên cạnh đó tôi cũng đang trong giai đoạn hoàn tất giấy tờ để thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Phù Lưu, tập hợp những con người có đam mê làm nông nghiệp, cùng nhau phát triển quê hương”.

Niềm tự hào của gia đình và là điển hình của huyện

Với gia đình, anh Nguyễn Phúc Bách chưa bao giờ làm cha mẹ phải buồn lòng. Mỗi bước đi của anh, mặc dù tự bản thân định hướng, nhưng người thân lại là nguồn cổ vũ tinh thần rất lớn.

Ông Nguyễn Văn Tiến (bố của Bách) chia sẻ: “Lúc mới bắt tay vào làm, chúng tôi cũng nói với con là đã xác định làm nông nghiệp thì không giàu nhanh được đâu, phải đi từng bước.

Bố mẹ không có kinh tế nên chỉ biết động viên con về tinh thần. Nghĩ cũng thương nó ấy, vất vả làm nông nghiệp, nhưng cũng tự hào vì con làm nông nghiệp công nghệ cao, được các cấp, các ngành quan tâm và động viên rất nhiều”.

Từ chàng cửu vạn trở thành ông chủ kiếm tiền tỷ nhờ trồng dưa lưới - Ảnh 3.

Mô hình nông nghiệp công nghệ cao của Bách đã tạo điều kiện giải quyết công ăn việc làm cho lao động địa phương.

Với bà con hàng xóm, họ thầm cảm ơn Bách bởi nhờ anh ấy mà “chúng tôi đã được tiếp xúc với nông nghiệp hiện đại, hợp với sức của mình và nhàn hơn rất nhiều. Bên cạnh đó còn có nguồn thu nhập hằng tháng nên cũng thấy thoải mái”, bà Vũ Thị Hảo (thôn Phù Lưu Hạ) chia sẻ.

Qua mô hình này, Bách đã góp phần công rất lớn trong việc giải quyết công ăn việc làm cho lao động địa phương. Hiện tại ở vườn dưa có 4 lao động thường xuyên, 20 lao động thời vụ/vườn. Với mỗi công nhân thường xuyên, đủ công sẽ nhận được được 4,5 -6 triệu đồng.

Ông Phạm Văn Biển, Chủ tịch xã Phù Lưu cho biết “Anh Bách là người trẻ tuổi, nhưng rất năng động và sáng tạo. Một mình lặn lội cả trong Nam lẫn ngoài Bắc để tìm hiểu, học hỏi các mô hình nông nghiệp hay.

Đến thời điểm hiện tại, Nguyễn Phúc Bách là người đầu tiên đưa dưa lưới về huyện Ứng Hòa và thành công. Nếu không có đam mê lớn, quyết tâm cao thì chắc có lẽ sẽ chẳng dám bỏ ra số tiền lớn như vậy để đầu tư”.

Để có được thành công như ngày hôm nay, Bách chưa bao giờ có ý định từ bỏ dù là khi gặp thất bại liên tục. “Nếu tôi từ bỏ nông nghiệp thì đó là thất bại lớn nhất của tôi.

Ngay từ đầu bản thân tôi đã xác định sẽ có nhiều khó khăn, thách thức, nên trên chặng đường bước đi phải vừa học, vừa hoàn thiện mình đến khi nào đạt kết quả như mong muốn, được thị trường chấp nhận.

Giờ đây tôi muốn phát triển thêm nhiều mảng nữa trên quê hương mình chứ không dừng lại ở nông nghiệp”./.

Từ chàng cửu vạn trở thành ông chủ kiếm tiền tỷ nhờ trồng dưa lưới - Ảnh 5.

Những tấm bằng khen ghi nhận thành tích của chàng trai trẻ Nguyễn Phúc Bách.

Từ những kết quả đạt được trong mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, Nguyễn Phúc Bách nhận được rất nhiều bằng khen đáng tự hào.

Năm 2019 được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tặng Bằng khen đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết của Quốc hội và Quy định của Thủ tướng Chính phủ về phát triển 15.000 HTX và liên hiệp tác xã hoạt động có hiệu quả năm 2018 – 2019.

Năm 2019 được UBND Thành phố Hà Nội tặng Bằng khen đã có thành tích trong phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi giai đoạn 2015 – 2019.

Năm 2020 nhận giải thưởng Lương Đình Của do Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trao tặng hằng năm cho thanh niên nông thôn có thành tích đặc biệt xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ, phát triển ngành nghề, bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới, có đóng góp tích cực vào hoạt động Đoàn, Hội ở địa phương và đơn vị.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại