Từ bị chê không làm nổi con ốc vít, số DN Việt vượt qua tiêu chuẩn khắt khe của Samsung đã tăng gấp 6 lần sau 1 năm

Mặc dù Samsung đặt ra 8 tiêu chuẩn khắt khe để lựa chọn doanh nghiệp vệ tinh, nhưng số lượng doanh nghiệp Việt tham gia chuỗi cung ứng của Samsung vẫn tăng đột biến, từ 32 doanh nghiệp năm ngoái lên tới 190 doanh nghiệp.

Theo thông tin từ Samsung, hiện có hơn 190 doanh nghiệp Việt Nam đang tham gia chuỗi cung ứng cho Samsung, số lượng này đã tăng gấp 6 lần so với hồi năm ngoái.

Năm ngoái, số doanh nghiệp Việt tham gia vào chuỗi cung ứng của Samsung là 32, trong đó có 4 nhà cung ứng cấp 1 và 28 nhà cung cấp cấp 2.

Nay số lượng nhà cung ứng cấp 1 đã tăng lên gấp 3 lần, lên 12 doanh nghiệp.

Số doanh nghiệp Việt là nhà cung ứng cấp 2 tăng lên 178 doanh nghiệp.

Còn nhớ trong một sự kiện triển lãm công nghiệp hỗ trợ của Samsung Điện tử diễn ra hồi năm ngoái, một nhà cung ứng cấp 1 của Samsung là RFTech Vina của Hàn Quốc – nhà cung ứng có vị trí đẹp nhất trong triển lãm - cho biết chỉ có 2 linh kiện nắp nhựa giản đơn của họ là Made in Vietnam.

Và nhà cung ứng cấp 2, tức doanh nghiệp cung ứng linh kiện cho nhà cung ứng cấp 1, của RFTech Vina không phải là doanh nghiệp Việt Nam mà là doanh nghiệp của Hàn Quốc đặt tại Việt Nam. Ngay cả túi bóng bọc sản phẩm, đại diện nhà cung ứng cho biết cũng không thể lựa chọn doanh nghiệp Việt.

Vì vậy, số lượng doanh nghiệp Việt làm nhà cung ứng cho Samsung tăng mạnh là một tín hiệu đáng mừng khi nhiều doanh nghiệp Việt đã qua lọt được hàng loạt tiêu chuẩn chọn lựa khắt khe của Samsung.

Bên cạnh đó, việc bùng nổ số lượng doanh nghiệp vệ tinh Việt Nam trong chuỗi cung ứng của Samsung còn do 2 nguyên nhân khác.

Một là, Khu phức hợp Điện tử gia dụng Samsung (SEHC) bắt đầu vận hành.

SEHC có vốn đầu tư 2 tỷ USD, được khởi công vào tháng 5/2015 tại Khu công nghệ cao TPHCM. Theo Samsung, tính riêng SEHC đã thu hút 6 doanh nghiệp Việt là nhà cung ứng cấp 1 và 23 doanh nghiệp là nhà cung ứng cấp 2.

Một lý do nữa khiến doanh nghiệp vệ tinh của Samsung bùng nổ nhanh là SEHC không chỉ sản xuất TV, mà còn sản xuất cả các sản phẩm điện tử gia dụng khác như máy giặt, tủ lạnh, máy hút bụi và máy lạnh... - những sản phẩm yêu cầu về độ chính xác, tinh xảo thấp hơn so với linh kiện điện thoại, máy tính bảng.

Trong tháng 9, Samsung Việt Nam cũng phối hợp cùng Sở Công Thương TPHCM và Trung tâm Phát triển Công nghiệp hỗ trợ TPHCM tổ chức hội thảo về phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam. Theo đó, sẽ mời 200 doanh nghiệp Việt tham gia tiếp xúc và dự kiến sẽ có khoảng 70 đối thoại, phỏng vấn được tiến hành.

Đối tượng doanh nghiệp tham gia sẽ tập trung chủ yếu vào mảng sản xuất hàng điện tử tiêu dùng để phục vụ cho nhu cầu của nhà máy SEHC.

Trong một sự kiện của Samsung hồi năm ngoái, ông Jang Ho Young – Giám đốc bộ phận mua hàng của Samsung Điện tử, cho biết, có 8 yếu tố Samsung Điện tử phải cân nhắc khi tìm nhà cung ứng, gồm: Công nghệ, Chất lượng, Trách nhiệm, Năng lực giao hàng, Giá cả, Môi trường, Tài chính, và Luật pháp.

Trong đó, tuân thủ pháp luật và bảo vệ môi trường là hai yếu tố được Samsung coi trọng nhất.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại