Từ 12h trưa 7/5 Quảng Ngãi áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15

Nguyễn Ngọc - Thuận Phương - Trương Định |

Kể từ 12 giờ ngày hôm nay 7/5, tỉnh Quảng Ngãi sẽ thực hiện giãn cách xã hội trong phạm vi toàn tỉnh theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ để phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh (áo trắng) kiểm tra công tác phòng chống dịch tại xã Tịnh Kỳ, TP.Quảng Ngãi, nơi cư trú của một BN COVID-19 vừa được phát hiện - Ảnh: Nguyễn Ngọc

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh (áo trắng) kiểm tra công tác phòng chống dịch tại xã Tịnh Kỳ, TP.Quảng Ngãi, nơi cư trú của một BN COVID-19 vừa được phát hiện - Ảnh: Nguyễn Ngọc

Sáng 7/5, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh phát đi văn bản hỏa tốc (số 1929/UBND-KGVX) về việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch theo Chỉ thị số 15 (số 15/CT-TTg, ngày 27/3/2020) của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn toàn tỉnh để phòng chống dịch bệnh COVID-19 cho đến khi có thông báo mới.

Cụ thể bắt đầu từ 12h ngày 7/5, dừng các hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung trên 20 người trong 1 phòng (riêng Hội nghị tiếp xúc cử tri thực hiện theo quy định của Ủy ban bầu cử tỉnh); không tụ tập từ 10 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; yêu cầu thực hiện khoảng cách tối thiểu 2m giữa người với người tại các địa điểm công cộng. Hạn chế việc di chuyển của người dân đến các địa phương khác.

 Từ 12h trưa 7/5 Quảng Ngãi áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15  - Ảnh 1.

Các hàng quán ở chợ An Vĩnh, xã Tịnh Kỳ, TP. Quảng Ngãi chủ động đóng cửa sau khi có ca nhiễm COVID-19. Ảnh: Nguyễn Ngọc

Dừng các hoạt động lễ hội, nghi lễ tôn giáo, giải đấu thể thao, sự kiện có tập trung (trên 20 người) tại nơi công cộng, sân vận động và các sự kiện lớn chưa thật sự cần thiết. Khuyến khích hoạt động các môn thể thao ngoài trời, không tiếp xúc gần.

Tiếp tục dừng các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu, cụ thể: Khu vui chơi, giải trí, karaoke, mát-xa, quán bar, quán game, internet, vũ trường, rạp chiếu phim, phòng tập thể thao (gym, yoga,…). Việc hiếu, hỉ được tổ chức nhưng không tập trung quá 20 người; khuyến khích Nhân dân tổ chức đơn giản, gọn, hạn chế số người tập trung.

Đối với các nhà hàng, cửa hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống cho phép phục vụ tập trung dưới 20 người/địa điểm và đảm bảo khoảng cách an toàn (tối thiểu 2m); thực hiện cam kết phòng, chống dịch theo quy định; khuyến khích bán hàng qua mạng, mang đi; tạm dừng tiếp nhận khách du lịch (người ngoài tỉnh và người nước ngoài) đến đảo Lý Sơn.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo và giao nhiệm vụ cho Sở Y tế chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan khẩn trương khoanh vùng, thần tốc truy vết đối với các đối tượng tiếp xúc với F0 để thực hiện các biện pháp cách ly y tế theo đúng quy định.

 Từ 12h trưa 7/5 Quảng Ngãi áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15  - Ảnh 2.

Phong tỏa khu vực có bệnh nhân mắc COVID-19. Ảnh: Nguyễn Ngọc


Rà soát, bổ sung các kịch bản phòng chống dịch, không để bị động, bất ngờ; chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về nhân lực, vật chất sẵn sàng để thực hiện khoanh vùng, cách ly, điều trị và dập dịch. Chuẩn bị các trang thiết bị, vật tư y tế để sẵn sàng phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh trong mọi tình huống.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh chịu trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ Sở Y tế trong việc quản lý, điều hành, tổ chức hậu cần tại khu cách ly tập trung của tỉnh. Trong đó, lực lượng quân sự đảm bảo công tác hậu cần, lực lượng công an đảm bảo an ninh trật tự theo phương án đã quy định.

UBND các huyện, thị xã, thành phố chuẩn bị sẵn sàng phương án khởi động lại các khu cách ly tập trung tại địa phương để thực hiện cách ly khi có yêu cầu; đảm bảo phòng, chống dịch khẩn trương, kịp thời.

Khẩn: Bộ Y tế yêu cầu thực hiện ngay 8 biện pháp phòng chống COVID-19 trong cơ sở khám chữa bệnh

Bộ Y tế vừa có công văn số 3775/BYT-KCB yêu cầu các Bệnh viện trực thuộc Bộ; Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Y tế các ngành; các Bệnh viện trực thuộc trường Đại học tăng cường phòng, chống dịch COVID-19 trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, nhiều địa phương đã có ca bệnh trong cộng đồng như Hà Nam, Hà Nội, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Thái Bình..., một số bệnh viện cả tuyến trung ương và địa phương đã có tình trạng lây chéo trong người bệnh và nhân viên y tế; sự biến chủng của SARS-CoV-2...

Để tăng cường kiểm soát dịch bệnh COVID-19, Bộ Y tế đề nghị các Bệnh viện trực thuộc Bộ, Bệnh viện trực thuộc trường Đại học, Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Y tế các ngành chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh) khẩn trương triển khai thực hiện các biện pháp:

Đáp ứng tình hình dịch bệnh

Khẩn trương rà soát, bổ sung, hoàn thiện kế hoạch của Bệnh viện, Sở Y tế để đáp ứng với các cấp độ dịch COVID-19 theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống COVID-19 phương châm 4 tại chỗ, trong đó có phương án mở rộng cơ sở điều trị, huy động nguồn lực để kịp thời ứng phó: nhân lực, phương tiện phòng hộ cá nhân, trang thiết bị, vật tư tiêu hao, thuốc thiết yếu để đáp ứng với diễn biến tình hình dịch bệnh COVID-19.

Thực hiện nghiêm tiêu chí bệnh viện, phòng khám an toàn phòng chống COVID-19

Các cơ sở KB, CB thường xuyên đánh giá bệnh viện, phòng khám an toàn phòng, chống COVID-19 (theo Bộ tiêu chí ban hành tại Quyết định số 3088/QĐ-BYT ngày 16/7/2020 và 4999/QĐ-BYT ngày 01/12/2020). Các cơ quan quản lý thường xuyên kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Bộ tiêu chí bệnh viện và phòng khám an toàn. Kiên quyết đóng cửa, tạm dừng hoạt động cũng cơ sở không đạt tiêu chuẩn; xem xét xử lý kỷ luật các cơ sở không chấp hành quy định.

Sàng lọc, phân luồng, cách ly, kiểm soát nhiễm khuẩn

Tổ chức nghiêm công tác sàng lọc, phân luồng, cách ly người bệnh ngay từ khi đến cổng/ cửa tiếp đón của cơ sở KB, CB theo hướng dẫn tại Công văn số 1385/CV-BCĐQG ngày 19/3/2020 của Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19. Thực hiện nghiêm các biện pháp phòng và kiểm soát lây nhiễm SARS-CoV-2 trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo hướng dẫn tại Quyết định số 5188/QĐ-BYT ngày 14/12/2020.

Thực hiện giãn cách trong các cơ sở khám, chữa bệnh

Hạn chế tối đa người nhà, người thân đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Hạn chế nhập viện nội trú khi không thực sự cần thiết. Rà soát bố trí khoa, phòng; quy trình khám, chữa bệnh hợp lý... không để người bệnh phải nằm ghép. Bố trí khoảng cách ít nhất là 2m giữa các giường bệnh. Bảo đảm thông khí tự nhiên trong buồng bệnh, khoa, phòng, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Khuyến cáo người dân nên đến tuyến chăm sóc sức khỏe ban đầu để được khám, chữa bệnh. Triển khai đăng ký trực tuyến, đặt lịch hẹn trước khi đến khám, chữa bệnh. Triển khai đăng ký trực tuyến, đặt lịch hẹn trước khi đến khám, chữa bệnh và khuyến cáo người dân không nên đến quá sớm trước lịch hẹn.

Xét nghiệm COVID-19

Các Bệnh viện trung ương, bệnh viện tuyến tỉnh tiếp tục rà soát, củng cố năng lực xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Realtime RT-PCR để đáp ứng với các tình huống dịch.

Định kỳ tổ chức xét nghiệm COVID-19 ngẫu nhiên cho nhân viên y tế ở các khoa, phòng có nguy cơ cao và nhân viên làm việc ở khu vực sàng lọc, phân luồng, cách ly; cho người bệnh ở một số khoa, phòng có nguy cơ cao hoặc những người bệnh chịu ảnh hưởng nặng khi nhiễm COVID-19: như người bệnh tại khoa cấp cứu, hồi sức cấp cứu, hồi sức tích cực, truyền nhiễm...

Kê đơn thuốc

Với người bệnh mắc bệnh mạn tính, đã điều trị ổn định, thực hiện khám bệnh, kê đơn thuốc điều trị ngoại trú từ 1 đến 3 tháng, đồng thời đảm bảo cung cấp đủ thuốc bảo hiểm y tế cho người bệnh theo kê đơn thuốc cho đến lịch tái khám dự kiến tiếp theo.

Chuyển tuyến và quản lý người bệnh xuất viện

Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hạn chế chuyển tuyến, chỉ chuyển bệnh nhân tới bệnh viện tuyến cuối khi có diễn biến nặng vượt quá năng lực kỹ thuật của bệnh viện. Thông báo và thống nhất với bệnh viện tuyến cuối việc chuyển người bệnh đến trước khi chuyển tuyến.

Các cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19 khi cho bệnh nhân COVID-19 xuất viện phải thông báo cho Sở Y tế các tỉnh, thành phố nơi người bệnh cư trú để tiếp tục tổ chức quản lý, cách ly, theo dõi, xét nghiệm người bệnh, người nhà người bệnh theo quy định hiện hành.

Quản lý nhân viên y tế

Giám đốc các bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh chịu trách nhiệm quản lý, chỉ đạo toàn bộ nhân viên nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh COVID-19: thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K, các biện pháp phòng hộ cá nhân, không đến các địa điểm có nguy cơ cao lây nhiễm như ăn tiệc buffet, đến công viên giải trí, đến rạp chiếu phim, đến quán bar, karaoke...

Bình Định: Kết quả xét nghiệm 16 nhân viên nhà hàng liên quan ca mắc COVID-19

Sáng 7/5, Sở Y tế Bình Định cho biết, kết quả xét nghiệm 16 trường hợp (F1) là nhân viên nhà hàng Anh Béo (xã Mỹ Châu, huyện Phù Mỹ) có liên quan đến BN 1989 (Hà Tĩnh) đều có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 với SARS-CoV-2.

Trước đó, ngày 6/5, ngay sau khi có thông tin về BN số 1989 được ghi nhận nhiễm COVID-19 ngày 5/5 có ghé ăn cơm tại nhà hàng Anh Béo vào tối 1/5 khi đi xe khách, ngành y tế Bình Định đã phối hợp với UBND huyện Phù Mỹ triển khai các biện pháp phòng, chống dịch tại khu vực này.

Theo đó, 16 nhân viên nhà hàng Anh Béo đã được cách ly y tế tại nhà, đồng thời lấy mẫu xét nghiệm. Ngành y tế Bình Định cũng tiến hành khoanh vùng, phun khử khuẩn toàn bộ quán ăn và khu vực lân cận.

Hiện, BCĐ phòng, chống dịch COVID-19 huyện Phù Mỹ đã yêu cầu nhà hàng Anh Béo tạm thời ngừng hoạt động, tiếp tục thực hiện xét nghiệm lần 2 đối với 16 ca F1. Cơ quan chức năng tỉnh Bình Định đồng thời triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19 theo quy định.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại