Mới đây, đoàn kiểm tra liên ngành trong hoạt động kinh doanh dịch vụ và du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật trong hoạt động lưu trú, siết chặt việc kinh doanh homestay.
Đoàn đã làm việc với Ban Quản lý, Ban Quản trị Chung cư Vũng Tàu Melody (phường Thắng Tam, Tp.Vũng Tàu) để kiểm tra về việc chấp hành các quy định pháp luật trong hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch tại đây.
Chung cư Vũng Tàu Melody có hơn 800 căn hộ, đi vào hoạt động từ năm 2017. Trước đây, dự án này nở rộ loại hình kinh doanh lưu trú ngắn ngày (homestay). Đến nay, còn khoảng 10 căn hộ nghi ngờ có kinh doanh loại hình này với hình thức kê khai tạm trú là người nhà, bạn bè. Đoàn liên ngành đã nhắc nhở chủ các căn hộ không sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở. Hiện Ban quản lý chung cư này cũng đã treo bảng cấm khách thuê homestay.
Trước đó, nhằm xây dựng hình ảnh đẹp về Bà Rịa-Vũng Tàu trong mắt du khách, tỉnh này đã tăng cường công tác quản lý môi trường kinh doanh du lịch. Trong đó, ngành du lịch siết chặt quản lý đối với các loại hình lưu trú mới như căn hộ chung cư, biệt thự cho thuê, homestay… và bước đầu ghi nhận những kết quả tích cực.
Đến nay, vào giai đoạn Luật mới có hiệu lực từ 1/8, công tác “siết” này được triển khai khẩn trương nhằm dẹp hẳn tình trạng biến căn hộ chung cư thành nhà nghỉ, khách sạn lưu trú theo giờ. Dịch vụ kinh doanh này vốn thuộc về các loại hình cơ sở lưu trú du lịch đủ điều kiện kinh doanh lưu trú như khách sạn, căn hộ du lịch, biệt thự du lịch, nhà nghỉ du lịch….
Theo UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh đã và đang có nhiều chỉ đạo, đề nghị các Sở, ngành, đơn vị rà soát, siết chặt quản lý loại hình dịch vụ này để phát triển đúng với quy định của pháp luật. Gần đây, nhiều chung cư ở Tp.Vũng Tàu đã treo bảng cấm kinh doanh homestay.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ Xây dựng đã có công văn khẳng định hành vi sử dụng chung cư và mục đích không phải để ở như kinh doanh dịch vụ cho thuê theo giờ theo ngày là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm. Trong bối cảnh mô hình cho thuê ngắn hạn ngày càng phát triển, việc nghiêm cấm làm căn hộ để kinh doanh theo hình thức cho thuê theo giờ theo ngày là một quyết định hợp lý nhằm bảo vệ cộng đồng cư dân và duy trì ổn định an ninh, trật tự trong khu đô thị.
Tại khoản 8 Điều 3 Luật Nhà ở 2023 quy định cấm sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở có hiệu lực từ ngày 1/8/2024. Thực tế, điều 6 luật Nhà ở 2014 cũng đã quy định nghiêm cấm việc sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở.
Hoạt động cho thuê căn hộ chung cư theo ngày, theo giờ là hoạt động lưu trú, giống như hoạt động của khách sạn và cần có giấy phép về kinh doanh dịch vụ lưu trú. Khi kinh doanh dịch vụ lưu trú phải xuất hóa đơn, khai báo thuế và đóng thuế, đảm bảo phòng cháy chữa cháy, an ninh. Đồng thời khách phải đăng ký tạm trú với cấp chính quyền địa phương.
Cụ thể, các điều kiện cơ sở lưu trú, lưu trú du lịch phải đáp ứng được quy định trong các văn bản như Nghị định 168/2017/NĐ-CP quy định một số điều của Luật Du lịch; Nghị định 96/2016/NĐ-CP quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
Đối với hành vi sử dụng căn hộ chung cư không phải mục đích để ở sẽ bị phạt tiền từ 20 - 40 triệu đồng và buộc sử dụng căn hộ vào mục đích để ở, tức dừng lại hoạt động kinh doanh.
Đối với hành vi sử dụng phần diện tích thuộc sở hữu chung hoặc phần diện tích làm dịch vụ trong nhà chung cư hỗn hợp khác đi so với mục đích ban đầu (kinh doanh lĩnh vực khác) thì sẽ bị phạt tiền từ 60 - 80 triệu đồng và buộc sử dụng đúng mục đích ban đầu, tức dừng lại các hoạt động kinh doanh sai mục đích.