Nếu như theo BLLĐ hiện hành, quấy rối tình dục nơi làm việc chỉ được coi là một trong những điều bị nghiêm cấm thì đến 2019 đã quy định khá rõ về chế tài xử lý đối với hành vi này. Khoản 2 Điều 125 BLLĐ 2019 quy định, hình thức kỷ luật sa thải sẽ được áp dụng đối với các đối tượng sau:
Người lao động có hành vi trộm cắp, tham ô, đánh bạc, cố ý gây thương tích, sử dụng ma túy tại nơi làm việc;
Người lao động bị xử lý kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương hoặc cách chức mà tái phạm trong thời gian chưa xóa kỷ luật. Tái phạm là trường hợp người lao động lặp lại hành vi vi phạm đã bị xử lý kỷ luật mà chưa được xóa kỷ luật theo quy định tại Điều 126 của Bộ luật này;
Người lao động tự ý bỏ việc 5 ngày cộng dồn trong thời hạn 30 ngày hoặc 20 ngày cộng dồn trong thời hạn 365 ngày tính từ ngày đầu tiên tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng…
Đặc biệt, người lao động có hành vi tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động, có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của người sử dụng lao động hoặc quấy rối tình dục tại nơi làm việc được quy định trong nội quy lao động cũng sẽ bị sa thải.
Định nghĩa về quấy rối tình dục nơi làm việc, Khoản 9 Điều 3 của Bộ luật này nêu rõ "quấy rối tình dục tại nơi làm việc là hành vi có tính chất tình dục của bất kỳ người nào đối với người khác tại nơi làm việc mà không được người đó mong muốn hoặc chấp nhận.
Nơi làm việc là bất kỳ nơi nào mà người lao động thực tế làm việc theo thỏa thuận hoặc phân công của người sử dụng lao động".
Như vậy, người lao động có hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc được quy định trong nội quy lao động như có hành động sàm sỡ, động chạm, vuốt ve… hoặc có lời nói, ánh mắt, cử chỉ, gửi hình ảnh về tình dục gửi cho đồng nghiệp…sẽ bị sa thải.
Không chỉ có vậy, theo BLLĐ 2019, người bị quấy rối tình dục được quyền nghỉ việc mà không cần phải báo trước cho người sử dụng lao động.
Khoản 2 Điều 35 Bộ luật này nêu rõ, người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần báo trước trong trường hợp:
Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc theo thỏa thuận, trừ trường hợp quy định tại Điều 29 của Bộ luật này; Không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 97 của Bộ luật này;
Bị người sử dụng lao động ngược đãi, đánh đập hoặc có lời nói, hành vi nhục mạ, hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự; bị cưỡng bức lao động; Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc theo quy định tại khoản 1 Điều 138 của Bộ luật này; Người sử dụng lao động cung cấp thông tin không trung thực theo quy định tại khoản 1 Điều 16 của Bộ luật này làm ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng lao động; Bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc...
Như vậy, khi bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc, nếu như theo BLLĐ hiện hành, người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng phải báo trước với người sử dụng lao động 3 ngày thì theo BLLĐ 2019, từ 1/1/2021, người lao động không phải báo trước song vẫn được hưởng đầy đủ các chế độ theo quy định.
Xem bài gốc tại Đây